Khai phá tiềm năng nông nghiệp hữu cơ vùng núi phía Bắc - Bài 2: Lực đẩy từ hệ thống chính trị cơ sở

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong câu chuyện với PLVN, những người trẻ tiên phong phát triển nông nghiệp hữu cơ luôn chia sẻ rằng, nếu không có hệ thống chính trị tại địa phương, họ không thể hoàn thành mơ ước “tạo ra giá trị ở vùng núi” của mình.
Năm 2020, Đoàn công tác Bộ NN&PTNT thăm mô hình chế biến của Vinasamex tại Yên Bái. (Ảnh: Hải Yến)
Năm 2020, Đoàn công tác Bộ NN&PTNT thăm mô hình chế biến của Vinasamex tại Yên Bái. (Ảnh: Hải Yến)

Địa phương “mở cửa” đón doanh nghiệp

Tổng Giám đốc Vinasamex Nguyễn Thị Huyền đã chia sẻ, khi quyết định sản xuất quế hữu cơ, Huyền đã lật tung các vùng trồng quế của Yên Bái mà chưa thể tìm được vùng nguyên liệu. Bởi nơi được người dân ủng hộ thì chính quyền chưa mặn mà, nơi chính quyền sẵn sàng hỗ trợ thì người nông dân lại không đồng ý chuyển đổi. Cho đến một ngày, Vinasamex đột ngột nhận được cú điện thoại từ lãnh đạo xã Đào Thịnh (huyện Trấn Yên).

Ông Chu Đức Hiền - Chủ tịch UBND xã Đào Thịnh kể lại, năm 2017, khi thấy bà con trồng quế nhiều nhưng đầu ra không ổn định nên ông quyết định… tìm kiếm doanh nghiệp muốn sản xuất quế hữu cơ để mời về địa phương. Có được danh sách, ông cùng với Chủ tịch Hội Nông dân xã đến từng công ty để đưa ra nguyện vọng. Và Vinasamex, chỉ sau 10 ngày gặp lãnh đạo xã đã lại “hành quân” lên Yên Bái, tiếp tục khảo sát xây dựng vùng trồng hữu cơ.

“Chúng tôi có vùng nguyên liệu, chính quyền sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Địa phương cũng sẵn sàng hợp tác, mỗi người một ít, đóng góp cổ phần thành lập hợp tác xã, để nhà đầu tư có lòng tin” - ông Hiền kể lại “hành trang của địa phương” khi mời doanh nghiệp.

Ngay sau khi Vinasamex đồng ý liên kết, lãnh đạo xã Đào Thịnh lập tức xây dựng các chương trình và đề xuất đưa nội dung sản xuất quế hữu cơ vào nghị quyết của huyện. “Lúc đó được Bí thư Huyện ủy, nay là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh rất ủng hộ, động viên chúng tôi cố gắng thử sức xem thế nào. Cùng với đó, Bí thư huyện cũng hỗ trợ, tạo điều kiện, chỉ đạo các ban, ngành chuyên môn hỗ trợ rất nhiều để hoàn thành tất cả các thủ tục hành chính tại địa phương, đưa nhà máy vào hoạt động” - ông Hiền chia sẻ.

Ông Trần Văn Hiếu - Giám đốc của Dace cho biết, Cao Bằng rất tạo điều kiện cho Dace xây dựng vùng trồng bằng một bản ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Dace và UBND huyện Hà Quảng về việc quy hoạch vùng nông nghiệp hữu cơ tại huyện với những cơ chế riêng vào năm 2018.

Ông Lưu Trọng Hính - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hà Quảng (tỉnh Cao Bằng) cho biết thêm: “Chúng tôi đã cùng Dace ký biên bản ghi nhớ giai đoạn 2020 - 2025 tầm nhìn 2030. Hàng năm 2 bên cũng đàm phán ký hợp đồng sản xuất, thu mua theo giá sàn. Ví dụ, với cây gừng, giá sàn thấp nhất 6.000 đồng/kg, nếu giá lên thì thu mua theo giá lên, khi thị trường xuống thấp thì thu mua theo giá sàn. Với phương án này, chắc chắn người nông dân yên tâm sản xuất theo hướng hữu cơ”.

Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hà Quảng (đứng giữa) và lãnh đạo xã Đào Thịnh thăm vùng nguyên liệu hữu cơ. (Ảnh: Ngô Kim)

Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hà Quảng (đứng giữa) và lãnh đạo xã Đào Thịnh thăm vùng nguyên liệu hữu cơ. (Ảnh: Ngô Kim)

Không chỉ đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, Giám đốc Trần Văn Hiếu chia sẻ, chính quyền địa phương luôn sẵn sàng bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Ví dụ, khi Dace thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tại địa bàn nào đó, huyện Hà Quảng sẽ bảo đảm không có chuyện tranh mua, tranh bán tại vùng đó. Hoặc nếu xuất hiện công ty khác vào muốn thu mua, huyện sẽ can thiệp bằng cách tác động đến người nông dân, để người nông dân ưu tiên bán sản phẩm cho Dace vì Dace đã đầu tư phân bón và giống: “Đây thực sự là một điểm cộng rất lớn của huyện Hà Quảng bởi trước đây, trong việc phát triển nông nghiệp, chúng ta đã thấy nhiều câu chuyện về việc người nông dân ham giá cao, bán cho thương lái mà bỏ rơi doanh nghiệp đã vào đầu tư cho mình”, nam doanh nhân đánh giá.

Đáng chú ý, ông Hiếu cho biết, khi thực hiện vùng trồng hữu cơ, việc phun hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật là cấm kỵ. Hà Quảng đã đưa ra chính sách không được sử dụng loại hóa chất như thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; Khuyến cáo các hộ kinh doanh chỉ được bán những loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Chưa hết, địa phương cũng tham gia giám sát bảo vệ vùng trồng khi huy động tất cả đoàn thể xây dựng kế hoạch tuyên truyền người nông dân không dùng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc hóa học cho cây trồng để bảo đảm vùng nguyên liệu hữu cơ.

“Chúng tôi có vùng nguyên liệu, chính quyền sẽ hỗ trợ giải phóng mặt bằng. Địa phương cũng sẵn sàng hợp tác, mỗi người một ít, đóng góp cổ phần thành lập hợp tác xã, để nhà đầu tư có lòng tin” - Chủ tịch xã Đào Thịnh Chu Xuân Hiền.

Vinasamex cũng được thụ hưởng chính sách bảo vệ vùng nguyên liệu hữu cơ từ chính quyền khi địa phương chỉ cho phép người nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học. Ngoài ra, tại xã Đào Thịnh, các đoàn thể cũng đều vào cuộc, để cùng giám sát, bảo vệ vùng nguyên liệu bằng cách thành lập các tổ, nhóm tại các thôn quản lý chéo lẫn nhau.

Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị

Năm 2016, Quyết định số 1481/QĐ-UBND của UBND tỉnh Yên Bái phê duyệt Đề án phát triển cây quế tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 mới chỉ đặt mục tiêu “hình thành vùng trồng quế tập trung, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Đến năm 2017, khi xã Đào Thịnh mời được Vinasamex về địa phương thực hiện mô hình quế hữu cơ, ý tưởng đưa vùng nguyên liệu hữu cơ vào nghị quyết của huyện, tỉnh bắt đầu hình thành.

Và ngay sau đó, năm 2018, Yên Bái ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND với mục tiêu rất cụ thể như đạt 40.000ha quế sản xuất an toàn theo hướng hữu cơ tại các huyện Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn, trong đó có 1.000ha được cấp chứng chỉ quế hữu cơ đạt tiêu chuẩn quốc tế tại huyện Trấn Yên, Văn Yên.

Năm 2020, nội dung phát triển sản xuất quế hữu cơ liên kết theo chuỗi giá trị tiếp tục được đưa vào Nghị quyết số 69/2020/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh với các mức hỗ trợ từ ngân sách rất cụ thể như hỗ trợ 100% chi phí đánh giá xác định vùng nguyên liệu, hỗ trợ 100% chi phí đánh giá cấp chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ…

Ông Bế Văn Bưu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hà Quảng (Cao Bằng) cho biết, Huyện ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020 - 2025. Căn cứ vào đó, Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể xây dựng kế hoạch cụ thể của đơn vị, thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình. Từ kế hoạch này, tất cả những tổ chức cơ sở ở địa bàn, như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, thanh niên cũng đều lồng ghép việc tuyên truyền về sản xuất hữu cơ trong các hoạt động của mình.

Khi Dace đã thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ tại địa bàn, huyện Hà Quảng sẽ bảo đảm không có chuyện tranh mua tranh bán tại vùng đó. Hoặc nếu xuất hiện công ty khác vào muốn thu mua, huyện sẽ can thiệp bằng cách tác động đến người nông dân, để người nông dân ưu tiên bán sản phẩm cho Dace - Giám đốc Dace Trần Văn Hiếu.

Ông Trần Văn Hiếu khẳng định, việc truyền thông về sản xuất nông nghiệp hữu cơ giữa các cấp ngành, đoàn thể tại huyện Hà Quảng rất tốt. Dace cũng được hưởng lợi nhiều từ các hoạt động này khi huyện thực hiện ra quân tuyên truyền vận động đến từng thôn xóm, địa bàn… Ví dụ, năm 2020, Dace đã ký thỏa thuận hợp tác với Hội Phụ nữ huyện trong việc tuyên truyền, tập huấn về sản xuất nông sản hữu cơ tại từng thôn, xóm.

Chính sự vào cuộc, ủng hộ của chính quyền địa phương, các đoàn thể tại địa bàn đã khiến những doanh nhân trẻ vững tin hơn với sự lựa chọn của mình. Cùng với đó, họ cũng có thêm quyết tâm đầu tư nhà máy và mở rộng vùng nguyên liệu, để nhân thêm diện tích hữu cơ trên những vùng đất khát, đất khô.

(còn nữa)

Đọc thêm