Còn nhiều tiềm năng để khai thác
Thông tin tại Hội thảo “Hợp tác Đầu tư Việt Nam - Bắc Úc” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức phối hợp với Hội đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại Bắc Úc tổ chức mới đây, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết, Việt Nam và Australia đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ cách đây hơn 50 năm. Từ năm 2009, 2 nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện và năm 2018 đã nâng lên quan hệ Đối tác Chiến lược. Cuối năm 2020 Chính phủ hai nước đã nhất trí Kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược trong giai đoạn 2020 - 2023. Ngày 7/3/2024, hai nước đã nâng cấp thành quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện. “Đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước, nhất là thương mại, đầu tư…” - Chủ tịch VAFIE nhấn mạnh.
Nhìn lại thập kỷ qua có thể thấy quan hệ kinh tế giữa hai nước đã có bước phát triển mạnh mẽ, kim ngạch thương mại đã tăng gấp đôi đạt mức 13,8 tỷ USD trong năm 2023. Đến nay, Australia đã có 631 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký 2,04 tỷ USD. Các DN Việt Nam cũng đã đầu tư sang Australia 94 dự án với tổng vốn đăng ký 584 triệu USD trong các lĩnh vực như nông nghiệp, kinh doanh thương mại, kinh doanh bất động sản, công nghiệp chế biến, chế tạo…
Chia sẻ tiềm năng đầu tư với vùng Bắc Úc, TS. Nguyễn Anh Tuấn, TBT Tạp chí Nhà đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực VAFIE cho biết, Bắc Úc là bang có diện tích đứng thứ ba và là cửa ngõ giao thương gần nhất của Liên bang Úc với khu vực châu Á - Thái Bình Dương và ASEAN - nơi có rất nhiều tiềm năng phát triển, thế mạnh, cũng như sự tương đồng, tính bổ trợ rất tốt với Việt Nam, nhưng chưa được hai phía đánh giá đúng mực và khai thác một cách hiệu quả.
Cũng theo ông Tuấn, kết quả các chuyến thăm và khảo sát tại Bắc Úc của lãnh đạo VAFIE và NT-VBC thời gian gần đây cho thấy tiềm năng hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và Bắc Úc là rất lớn, nhất là trong các lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo nghề nhằm xuất khẩu lao động Việt Nam có tay nghề cao sang Bắc Úc; Nông nghiệp, nhất là chăn nuôi và chế biến thịt; Logistics, vật liệu xây dựng và hàng tiêu dùng; Phát triển các dự án năng lượng mặt trời... Đặc biệt, Chính quyền Bắc Úc ủng hộ và bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác đầu tư thương mại giữa DN hai bên.
Sẵn sàng hướng tới mục tiêu kim ngạch 20 tỷ USD
Ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục ĐTNN, Bộ KH&ĐT cập nhật số liệu thương mại năm 2023 giữa Việt Nam và Australia đã vượt mức 15,7 tỷ USD và đang hướng tới 20 tỷ USD thời gian tới.
Ông Chung cho biết, Bộ KH&ĐT có hợp tác chặt chẽ với đối tác Úc để triển khai chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế, thường xuyên có các hợp đồng phối hợp thúc đẩy đầu tư giữa 2 nước. Bộ đã lập sáng kiến DN tiên phong, phối hợp Bộ Thương mại Úc chọn ra DN tiên phong trong hợp tác đầu tư giữa 2 nước (gồm 10 DN Việt và 10 DN Úc). “Hiện rất nhiều cơ quan, Chính phủ cũng như các chính quyền địa phương Úc muốn tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam, đặc biệt là Bắc Úc” - ông Chung nói.
Theo lãnh đạo Cục Đầu tư nước ngoài, nhìn chung, Việt Nam mở đầu tư ra nước ngoài (ĐTRNN) cho hầu hết ngành nghề, trừ 6 ngành nghề cấm và 4 ngành nghề hạn chế đầu tư. Ngoài Luật Đầu tư 2020 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn liên quan đến đầu tư, ĐTRNN còn chịu ảnh hưởng của quy định ngoại hối như Thông tư 12/2016/TT-NHNN và Thông tư 36/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, trong khi Luật Đầu tư 2020 có quy định mở hơn cho vấn đề ngoại hối...
Ông Chung lưu ý, sự hợp tác, gắn kết giữa cơ quan nhà nước và DN rất quan trọng, DN cần liên hệ thường xuyên với cơ quan nhà nước trong nước cũng như ở nước ngoài để được hỗ trợ.
Ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Phó Chủ tịch VAFIE, Chủ tịch Hội đồng DN Việt Nam tại Bắc Úc cho biết, nhằm tạo điều kiện cho sự phối kết hợp nguồn lực của hai phía, nghiên cứu tổng hợp các văn kiện, tài liệu, chủ trương và đường lối, chính sách của Việt Nam và Australia nói chung, Bắc Úc nói riêng, năm 2019, VAFIE và Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam tại Bắc Úc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược.
Thỏa thuận này đặc biệt tập trung vào phân tích và nghiên cứu các báo cáo, chiến lược và chính sách phát triển của Bắc Úc. Từ đó hình thành nên hồ sơ chiến lược giao thương và hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc vào giữa năm 2021 và vẫn sẽ được cập nhật thêm hàng năm khi có những báo cáo và chính sách mới.
Theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, rút kinh nghiệm từ nhiều dự án ĐTRNN đã chưa được thành công như ý muốn, Chiến lược hợp tác đầu tư Việt Nam - Bắc Úc đề ra phương pháp tiếp cận với mô hình thí điểm hợp tác đầu tư theo chuỗi cung ứng, có nhiều đối tác tham gia vào những mắt xích tạo thành một chuỗi cung ứng khép kín, bảo đảm tính bền vững của dự án đầu tư, tránh rủi ro đứt gãy nguồn cung ứng.