Buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến có chiều hướng gia tăng

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa trong tháng 4 vừa qua diễn biến rất phức tạp.

Tang vật trong một vụ buôn lậu thuốc lá. (Ảnh: P Linh)
Tang vật trong một vụ buôn lậu thuốc lá. (Ảnh: P Linh)

Theo đó, trên tuyến biển vẫn chiếm tỷ trọng vi phạm lớn 52,8% số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý. Hoạt động vận chuyển trái phép ma túy, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến hàng không cùng với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên tuyến đường bộ, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, bách hóa tiêu dùng, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các khu vực giáp biên giới Việt - Trung, Việt - Campuchia.

Kết quả đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại trong tháng 4/2025, Cục Hải quan cho biết, số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý là 1.330 vụ, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 1.867 tỷ đồng; giảm 73 vụ (giảm 5,2%). Thu ngân sách nhà nước 65,86 tỷ đồng. Số vụ hình sự giảm mạnh (không có vụ việc khởi tố, số vụ chuyển khởi tố giảm từ 15 vụ xuống 12 vụ - giảm 20%) so với cùng kỳ.

Báo cáo số 29/BC-BCĐ389 về sơ kết 2 năm thực hiện Kế hoạch số 92/KH-BCĐ389 về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa phát hành cũng nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến biên giới, vùng biển và địa bàn nội địa đều có chiều hướng gia tăng.

Trước tình hình trên, qua 2 năm thực hiện Kế hoạch số 92, các Bộ, ngành, lực lượng chức năng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 295 nghìn vụ vi phạm. Trong đó, hơn 24 nghìn vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; gần 260 nghìn vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; trên 10 nghìn vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; thu nộp ngân sách nhà nước gần 30 nghìn tỷ đồng; khởi tố hình sự 5.280 vụ, 7.884 đối tượng.

Về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện các kế hoạch, chuyên đề, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2025 của Bộ, ngành, địa phương mình. Chỉ đạo các ngành, địa phương các cấp nắm tình hình; xác định tuyến, địa bàn, đối tượng, nhóm hàng trọng điểm; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động, hành vi nổi lên; tiếp nhận, xử lý kịp thời tin báo; phối hợp kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hiệu quả hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; gắn trách nhiệm người đứng đầu với đơn vị, địa phương để xảy ra các vụ việc phức tạp, nổi cộm liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa. Xây dựng kế hoạch, giải pháp phù hợp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá, xăng, dầu, đường cát, vàng, tiền, ngoại tệ.

Đồng thời, tăng cường tổ chức các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, nhân viên thuộc quyền nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Nâng cao hiệu quả thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tình hình, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Kiện toàn Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương; tổ chức tổng kết Kế hoạch 92, đánh giá kết quả đạt được, ưu điểm, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, trên cơ sở đó đề xuất giải pháp, chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới...

Các cơ quan báo chí, truyền thông thường xuyên cập nhật, đưa tin, bài tuyên truyền, phổ biến pháp luật; phối hợp phát hiện, xử lý vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường thương mại điện tử, thông tin rộng rãi kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đến công chúng; tổ chức tuyên truyền tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; vận động tổ chức, cá nhân tích cực tham gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Các cơ quan báo chí và tạp chí đã đăng hơn 14.500 tin, bài liên quan đến phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó một số tin, bài phản ánh kịp thời những vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đọc thêm