Súp cua nhà thờ Đức Bà
Gánh súp cua gần nhà thờ Đức Bà ở số 84 đường Nguyễn Du có từ lâu đời, luôn đông khách mỗi buổi xế chiều. Tùy theo thành phần, súp cua ở đây được chia thành ba loại khác nhau. Quán có súp cua thập cẩm với trứng vịt bắc thảo và bò viên được nhiều người yêu thích. Ảnh: Hồng Giang.
Bánh mì Huỳnh Hoa
Đây được coi là quán bánh mì thịt đắt nhất Sài Gòn, nổi tiếng bởi vị ngon riêng biệt của pate, chả, thịt nguội... và cả việc khách xếp hàng đợi đến lượt. Quán bán từ 15h, dù đến trước 5 phút bạn cũng không mua được bánh. Quán cũng được chia sẻ nhiều trên các blog du lịch nên lượng khách Tây đến đây cũng khá đông. Ảnh: Mark Wiens.
Hủ tíu cá Nam Lợi
Quán hủ tiếu trên đường Tôn Thất Đạm đã tồn tại hơn 60 năm. Chủ quán là người Việt gốc Hoa sống ở thành phố lâu năm, chính vì thế hương vị của tô hủ tiếu là sự hòa trộn tinh hoa ẩm thực Việt và Hoa. Không giống như sợi hủ tiếu thường thấy, cọng hủ tiếu ở đây mềm như bánh phở, to gấp đôi. Nước lèo ngọt thanh, đậm đà đặc trưng được nấu từ cá và xương ống tủy heo, mang hương vị khác biệt khó quên. Nhưng nếu muốn đổi khẩu vị bạn có thể gọi hủ tiếu gà cũng lạ miệng không kém, hoặc nếu thích bạn có thể gọi cả cá lẫn gà. Ảnh: Phong Vinh.
Mì cật Trương Định
Đây cũng là một quán hủ tiếu mì lâu năm ở quận 1. Các món chính của quán là hủ tiếu hay hủ tiếu mì cật, nạc, xương; chia thành 2 cách chế biến khô và nước, dai và mềm. Sợi mì không quá dai cũng không quá mềm, các miếng cật có độ giòn, chấm với sa tế để cảm nhận vị cay đậm đà. Điểm trừ là quán có không gian nhỏ, khi đông khách thì tạo cảm giác chật chội và hơi nóng. Ảnh: Thiên Trương.
Bún riêu chợ Bến Thành
Trước đây là gánh bún riêu vỉa hè, nay đã thành quán, bán cả ngày ở đối diện cửa Đông luôn nườm nượp khách. Nhất là xế chiều, nhiều người đến đây thưởng thức tô bún có màu sắc hấp dẫn, thịt riêu chắc và thơm, cà chua thêm màu bắt mắt. Sợi bún mỏng, nước lèo đậm đà tạo hương vị đặc trưng của quán. Ảnh: Hà Nguyên.