Khám phá những ngôi chùa độc đáo ở Sóc Trăng

(PLO) - Sóc Trăng là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hội tụ cư dân nhiều dân tộc sinh sống, tạo nên nét văn hóa đa dân tộc đặc sắc. Hệ thống các chùa chiền mang nét văn hóa của dân tộc Khmer, Hoa, Kinh cũng theo đó mà được xây dựng khang trang, uy nghi thể hiện niềm tin, tín ngưỡng của các Phật tử, tín đồ. Mỗi chùa có một sắc thái, phong cách đặc sắc riêng mang nét đặc trưng của dân tộc.

Chùa Khleang, ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng

Chùa Khleang, ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng
Chùa Khleang, ngôi chùa cổ nhất Sóc Trăng

Tọa lạc trên đường Tôn Đức Thắng, thuộc khóm 5, phường 6, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Ngày 27/4/1990, chùa Khleang được Bộ Văn hóa – Thông tin – Thể thao (nay là Bộ VHTT&DL) xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Được xem là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Sóc Trăng.

Quần thể kiến trúc chùa Khleang bao gồm: ngôi chính điện, sa la, nhà tăng, hội trường,... được bố trí hài hòa trên nền đất cao, bao quanh bởi nhiều cây xanh, đặc biệt là cây thốt nốt, với tổng diện tích 3.825m2. Ngôi chính điện nằm ở vị trí trung tâm cao hơn mặt đất gần 2m, gồm ba cấp, mỗi cấp có vòng rào xây bằng gạch bao quanh. Bộ mái chính điện được xây theo kiểu tam cấp, mỗi cấp chia thành ba nếp. Bờ viền mái nóc có tượng rồng uốn lượn, đầu xòe hình rẽ quạt, đuôi cong. Trên các đầu cột ở hành lang bao quanh chính điện đều có tượng Krud dang tay chống đỡ. Ngoài ra, ở các bậc thang dẫn lên chính điện còn trang trí các tượng thần Teahu và tượng chằn (Yeak).

Chùa Khleang là một công trình kiến trúc nghệ thuật cao, từng chi tiết đều mang một ý nghĩa nghệ thuật tinh xảo, tỉ mỉ, thể hiện sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong quá trình sinh sống và học tập lẫn nhau.

Ngôi chùa có hàng ngàn pho tượng bằng đất sét

Chùa Đất Sét
Chùa Đất Sét

Chùa Đất Sét (tên chính thức là Bửu Sơn Tự) tọa lạc tại 286 đường Tôn Đức Thắng, thuộc phường 5, TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng, được UBND tỉnh xếp hạng là Di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh vào ngày 10/12/2010. Đây là cơ sở thờ tự thuộc hệ phái Bửu Sơn Kỳ Hương, do ông Ngô Kim Tây khởi dựng vào năm 1906. Ban đầu chỉ là cái am đến thời ông Ngô Kim Đính mở rộng thành ngôi chùa nhỏ, bằng vật liệu cây, lá đơn sơ.

Ông Ngô Kim Tòng (con ông Ngô Kim Đính) ăn chay trường từ nhỏ, đam mê dựng tượng, nghiên cứu kinh Phật và từng bước tu học. Đến năm 20 tuổi bệnh tật liên miên tưởng không qua khỏi, gia đình đưa ông vào chùa cầu khẩn trời Phật. Kỳ diệu thay, sau đó ông hết bệnh và nhanh chóng hồi phục.  Để trả ơn trời Phật, ông ở lại tu và có ý định trùng tu lại chùa. Một hôm nằm chiêm bao thấy có người mách cách nặn tượng bằng đất sét, thế là ông Tòng theo đó thực hiện.

Chưa được học qua bất kỳ trường lớp nào nhưng ngày nối ngày, ròng rã 42 năm ông miệt mài, kiên nhẫn nặn, gọt, sơn vẽ tạo nên hàng ngàn pho tượng sống động, độc đáo. Khi ngôi chùa được trùng tu hoàn tất, ông Tòng viên tịch, thọ 62 tuổi. Để lại ngôi chùa cho dòng họ Ngô trực tiếp quản lý, chăm sóc, bảo tồn hiện vật. Ngày 21/9/2017 Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam đã xác lập kỷ lục công nhận “Bửu Sơn tự Tháp Đa Bảo và Bảo Tòa Liên hoa bằng đất sét lớn nhất”. 

Đặc sắc chùa Dơi hơn 400 tuổi

Chùa Dơi
Chùa Dơi

Du khách sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính của ngôi chùa với lịch sử hơn 400 năm tuổi và ngắm nhìn hàng trăm ngàn con dơi đang cư trú trong khuôn viên chùa. Chùa Dơi cách trung tâm TP Sóc Trăng khoảng 3km được bao bọc bởi một cánh rừng với đủ loại cây. Có hàng ngàn con dơi tá túc. Có những con lớn, sải cánh dài cả mét, treo đen kịt trên các nhánh cây. 

Chùa Dơi không chỉ là quần thể kiến trúc đẹp, cổ kính mà còn là nơi sinh hoạt tôn giáo, hướng người dân đến cái nhìn chân – thiện – mỹ, sống có ích và hòa nhập với cộng đồng.

Ngôi chùa đá tảng giữa lòng thành phố

Chùa Vĩnh Hưng
Chùa Vĩnh Hưng

Chùa Vĩnh Hưng (còn gọi là chùa Đá) được xây dựng bằng đá nguyên khối và đặc trưng của kiến trúc Nhật Bản.

Xưa kia gọi là chùa Cây Điệp, còn bây giờ được gọi là chùa Đá bởi vì chùa được xây dựng bằng đá nguyên khối, mỗi khối có kích thước 30 x 20 x 20 cm. Ngôi chánh điện có không gian rộng lớn được bao bọc bởi những tảng đá nguyên khối xếp chồng lên nhau, giữ nguyên màu sắc tự nhiên, phía trên mỗi góc mái được trang trí hình hổ phù đặc trưng theo họa tiết hoa văn của Nhật Bản. 

Nằm giữa lòng TP Sóc Trăng, chùa Vĩnh Hưng mang vẻ đẹp kiến trúc rất riêng, bố cục hài hòa giữa kiến trúc Nhật Bản và Việt Nam, gần gũi với môi trường thiên nhiên. Chùa luôn là địa điểm tâm linh tín ngưỡng cho các phật tử và du khách gần xa trong tỉnh Sóc Trăng đến chiêm bái và cầu quốc thái dân an. 

Từ nét độc đáo của những ngôi chùa tiêu biểu trên, phần nào thấy được sự đặc sắc trong văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng. Chúng hòa nhập và đan cài vào nhau tạo nên những nét riêng, đặc sắc khiến du khách thập phương không sao cưỡng lại được.