Khám phá nơi chia cắt thế giới thành hai nửa

Kinh tuyến số 0 được xác định và đánh dấu tại đài thiên văn Hoàng gia Greenwich (Anh) trở thành một điểm thu hút du khách tới tham quan, chụp ảnh.
Tia sáng đánh dấu điểm mốc quan trọng chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời đêm ở xứ sở sương mù. Ảnh: Amusingplanet..
Tia sáng đánh dấu điểm mốc quan trọng chiếu sáng rực rỡ trên bầu trời đêm ở xứ sở sương mù. Ảnh: Amusingplanet..
Kinh tuyến gốc (kinh tuyến số 0), còn được gọi là kinh tuyến Greenwich đi qua kinh độ 0o0’0”. Nếu như xích đạo chia trái đất thành hai nửa  bắc và nam thì kinh tuyến số 0 chính là ranh giới giữa đông bán cầu và tây bán cầu. Nó đi qua Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Algeri, Mali, Burkina Faso, Togo, Ghana và Nam Cực.
Vị trí của kinh tuyến gốc được đánh dấu bởi hàng trăm điểm trên trái đất, nhưng vị trí tốt nhất để quan sát toàn cảnh là ở công viên Greenwich, London (Anh). Đường đánh dấu quan trọng này nằm ở Đài thiên văn hoàng gia trước kia, nay là một bảo tàng - nơi lưu giữ những tư liệu quý về lịch sử ngành thiên văn học và hàng hải của quốc gia.
Đường đi của kinh tuyến gốc được xác định bởi vị trí của một kính thiên văn lịch sử, Airy Transit Circle, đặt tại đài quan sát. Ảnh: Gothereguide.
Đường đi của kinh tuyến gốc được xác định bởi vị trí của một kính thiên văn lịch sử, Airy Transit Circle, đặt tại đài quan sát. Ảnh: Gothereguide. 
Đài thiên văn Hoàng gia được thành lập năm 1675 và trở thành cơ quan đo lường thiên văn chuẩn của Anh. Năm 1851, một nhà thiên văn học có tên George Biddell Airy đã thiết kế ra dụng cụ đo thời gian các ngôi sao đi qua kinh tuyến của địa phương, từ đó xác định vị trí của kinh tuyến gốc. Vào năm 1884, kinh tuyến gốc chính thức được hội nghị quốc tế thông qua, trở thành kinh tuyến 0o0’0” và thời gian Greenwich được lấy làm thời gian tiêu chuẩn quốc tế (GMT).
Trước hội nghị này, có hai kinh tuyến khác từng được sử dụng ở Greenwich: Kinh tuyến Halley - đường đánh dấu được xác lập vào năm 1721 bởi nhà thiên văn học người Anh Edmond Halley và kinh tuyến Bradley, xác lập vào năm 1750, được coi là đường kinh độ 0 chuẩn trên bản đồ Ordnance Survey từ năm 1801. Tuy nhiên, cả hai đường này đều không còn được sử dụng trong hệ thống các thiết bị đo lường hiện đại.
Để đánh dấu kinh độ 0, người ta sử dụng một dải đồng (sau này tu sửa thành thép không gỉ) gắn trên đá vân tạo thành đường thẳng chạy trên mặt đất. Hai bên vạch ghi "Kinh Đông" và "Kinh Tây", một đầu của vạch kéo dài tới chân tường một ngôi nhà hai tầng cũ kỹ, trên tường gắn một tấm biển với dòng chữ: "Kinh tuyến gốc của thế giới, 51o 28’38” vĩ độ bắc, 0o0’0” kinh độ đông". Năm 1999, người ta cho lắp đặt thêm thiết bị máy phát tia laser trên đài thiên văn. Kể từ đó, tia sáng xanh mạnh mẽ rực rỡ trên bầu trời đêm London trở thành điểm độc đáo thu hút rất đông khách du lịch tới tham quan.
Tuy nhiên, khi đặt chân đến đài thiên văn Hoàng gia Greenwich, nếu bạn cầm trong tay một thiết bị định vị GPS, bạn sẽ thấy hiển thị trên màn hình là một vị trí khác cách kinh tuyến 0o  khoảng 100 m. Hoặc đơn giản hơn, nếu mở ứng dụng bản đồ Google ra và tìm kiếm vị trí của Greenwich, bạn cũng sẽ nhận được kết quả tương tự.
Nhiều khách du lịch đến thăm đài thiên văn tại Greenwich thường phát hiện ra rằng họ "phải đi bộ về phía đông khoảng 100 m, cắt ngang qua con đường đi bộ, đến gần một thùng rác trước khi thiết bị định vị vệ tinh của họ hiển thị kinh độ 0".
Điều này được lý giải bởi nguyên nhân xuất phát từ chính các thiết bị đo lường hiện đại. Các nhà khoa học đã kết luận, sự sai lệch xảy ra đơn giản là do các thiết bị hiện đại dựa trên công nghệ vệ tinh GPS ra đời vào năm 1984, có khả năng xác định kinh độ chính xác hơn nhiều so với dụng cụ mà các nhà thiên văn học trước kia sử dụng để đánh dấu vị trí.
Trên thết bị tham chiếu hiện đại, kinh tuyến Greenwich lệch chính xác là 102,5 m về phía đông so với vị trí thực tế. Ảnh: Liveinternet.
Trên thết bị tham chiếu hiện đại, kinh tuyến Greenwich lệch chính xác là 102,5 m về phía đông so với vị trí thực tế. Ảnh: Liveinternet. 
Hàng năm, hàng trăm nghìn du khách từ khắp nơi trên thế giới đến công viên Greenwich để tham quan. Dường như việc chụp ảnh lưu niệm với hai chân đặt về hai phía của đường phân chia đông và tây bán cầu đã trở thành một hoạt động không thể thiếu đối với mọi người.