Đến với các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi thêm hiểu về cuộc sống cũng như việc thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra, chúng tôi còn được biết thêm về những câu chuyện văn hóa đọc sách của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo.
Tại các đảo, sách báo luôn được xem như người thầy, người bạn đồng hành thân thiết, là món ăn tinh thần hàng ngày không thể thiếu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân. Những tủ sách, giá sách được sắp xếp gọn gàng và lưu trữ cẩn thận, tiện lợi cho người tìm đọc. Nhiều chiến sĩ tâm sự, trước đây ở nhà ít khi đọc sách báo, nhưng ra đảo theo phong trào đọc sách của đơn vị giờ lại thấy đam mê.
Chiến sĩ Đỗ Quốc Đạt - đảo Trường Sa cho biết: “Ở đây bản thân em và các chiến sĩ đều rất thích đọc sách, em thích đọc nhất là những loại sách về văn hóa ứng xử và sách lịch sử, sách viết về các cuộc chiến tranh của dân tộc”. Còn chiến sĩ Thạch Ta Ni (20 tuổi, Phân đội 3, Cụm chiến đấu số 1, đảo Song Tử Tây) cầm trên tay cuốn sách “Võ Nguyên Giáp - Người Anh hùng của dân tộc” bộc bạch: “Đọc sách báo không chỉ giúp em mở mang kiến thức, mà còn vơi đi nỗi nhớ nhà, nhớ người thân”.
Bình quân mỗi đảo ở huyện đảo Trường Sa có gần 1.000 đầu sách, thuộc nhiều thể loại khác nhau như lịch sử, chính trị, pháp luật, xã hội, văn hóa ứng xử, văn học…Thông thường cán bộ, chiến sĩ đọc sách ngoài giờ huấn luyện, lao động. Tuy nhiên, các đơn vị đều chủ động tổ chức mở cửa phòng đọc thêm vào một số buổi tối trong tuần để tạo điều kiện cho cán bộ, chiến sĩ tham gia đọc sách. Cán bộ, chiến sĩ khi chưa có thời gian đọc tại thư viện đều có thể mượn sách về phân đội đọc tranh thủ lúc rảnh rỗi. Tủ sách ở mỗi đơn vị đã trở thành trung tâm kiến thức của lính đảo. Bộ đội coi sách là nguồn tư liệu quý để tích lũy thêm vốn kiến thức và cũng là cách làm để đời sống tinh thần thêm phong phú.
Thượng tá Vũ Duy Khánh - Chính trị viên đảo Sơn Ca cho biết: “Bản thân tôi thấy rằng khi mà tổ chức hoạt động tốt phòng đọc Hồ Chí Minh thì đây là một trong những nội dung mang đến nhiều bổ ích, từ đó cán bộ, chiến sĩ yên tâm công tác, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Phong trào đọc sách không chỉ được duy trì và phát triển mạnh trong đội ngũ cán bộ, chiến sĩ mà đã lan tỏa mạnh mẽ đối với các ngư dân sinh sống trên các đảo. Tại các đảo nổi, đội ngũ cán bộ đã tuyên truyền tác dụng của sách báo đối với đời sống con người. Bên cạnh đó, các cán bộ cũng đã hướng dẫn phương pháp đọc sách hiệu quả tới các hộ dân, tạo điều kiện để các hộ dân đến phòng đọc sách báo”.
Từ khi ra đảo, được tiếp cận với sách báo, vợ chồng anh Võ Kim Toàn, chị Trần Thị Tiên - ngư dân trên đảo Sinh Tồn cho biết, sách báo ngoài đảo đã giúp các gia đình thêm hiểu biết, từ đó sống có trách nhiệm hơn đối với Tổ quốc. Các gia đình cũng đã giáo dục cho con mình tác dụng của việc đọc sách báo và cam kết sẽ xây dựng gia đình của mình có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Đại tá Phan Ngọc Quang - Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân khẳng định: “Nhiều năm qua, Tổng Cục Chính trị và Quân chủng Hải quân đã bổ sung thêm nhiều sách, truyện, tạp chí cho các đảo. Bên cạnh đó, các đoàn ra thăm Trường Sa cũng tặng nhiều sách, báo cho bộ đội. Lữ đoàn 146 đã chỉ đạo các đảo nhân rộng phong trào đọc sách báo tới cán bộ, chiến sĩ, ngư dân trên đảo”.
Qua đó, các đảo đã xuất hiện nhiều tấm gương có phương pháp đọc sách hiệu quả. Ví dụ ở đảo Sinh Tồn có phần thưởng là một cuốn sổ tay đẹp dành cho những chiến sĩ đọc số lượng sách nhiều nhất trong một quý. Ở đảo Song Tử Tây, hàng tháng có một buổi tối sinh hoạt văn hóa dành riêng cho việc bình luận những cuốn sách có giá trị tốt về tư tưởng, nội dung và nghệ thuật. Trong mỗi buổi sinh hoạt, các chiến sĩ trình bày cảm tưởng, suy nghĩ về cái hay, cái đẹp của cuốn sách mà mình tâm đắc nhất. “Thông qua việc làm này, đơn vị đã tạo ra một hình thức sinh hoạt văn hóa lành mạnh, giúp bộ đội biết tiếp cận, thưởng thức những giá trị đích thực từ các cuốn sách”- Trung tá Nguyễn Đăng Hồng, Chính trị viên đảo Song Tử Tây cho biết.
Với những cán bộ làm công tác chính trị ở đảo, ngoài chế độ điểm báo theo quy định, các anh còn định hướng để chiến sĩ và ngư dân chủ động tiếp cận được với các loại sách báo mới, kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, từ đó có cái nhìn sâu sắc và phát huy được trách nhiệm của bản thân với nhiệm vụ bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.