Trường Sa, nơi bình minh nhìn từ biển

(PLO) - 11 ngày hành trình dài trên biển, trong chuyến đi của 67 hành khách Việt kiều về từ nhiều nơi trên thế giới, đã là thông điệp về một đất nước an bình sau nhiều gian lao và gian khổ, khiến ấn tượng mãi không nguôi...
Hình ảnh toàn cảnh tàu KN490 nhìn từ phía bầu trời Tổ quốc trong chuyến hành trình Trường Sa tháng 4/2016.
Hình ảnh toàn cảnh tàu KN490 nhìn từ phía bầu trời Tổ quốc trong chuyến hành trình Trường Sa tháng 4/2016.

Khoảng lặng khi về bờ

Đôi mắt của 2 vợ chồng già, ông Lê Văn Minh (SN 1951) và vợ ông, bà Lê Ánh Tuyết (SN 1949, Việt kiều Mỹ) thẫn thờ trên boong tàu KN490 khi tàu neo tại Vũng Tàu chiều ngày 27/4, trước khi theo sông Sài Gòn vào quân cảng Cát Lái, khiến chúng tôi khó có thể quên.

Ông bà nói rằng đó là ước mơ cuối đời khó có thể tưởng tượng là hoàn thành mỹ mãn, để đôi vợ chồng về từ nước Mỹ có thể đạt thành. Những câu chuyện trên suốt cuộc hành trình dài 11 ngày trên biển sẽ được mang về đất nước bên kia bờ Thái Bình Dương, để những người con xa xứ có thể hiểu thêm về đất nước.

Tàu KN490 của Kiểm ngư Việt Nam đưa đoàn công tác số 6 ra Trường Sa tháng 4/2016 neo đậu tại điểm đảo Cô lin
Tàu KN490 của Kiểm ngư Việt Nam đưa đoàn công tác số 6 ra Trường Sa tháng 4/2016 neo đậu tại điểm đảo Cô lin

Trong số 67 kiều bào ra với Trường Sa trong chuyến công tác số 6, có một người tên Giang Công Thế, luôn luôn "tò mò" tìm hiểu đời sống cán bộ, chiến sỹ khi lên các điểm đảo, hoặc chủ động làm quen với anh em phục vụ trên tàu.

Chiều 22/4, trên điểm đảo Cô lin, anh Giang Công Thế đại diện cho đoàn kiều bào phát biểu: Mỗi lần qua Trường Sa và Hoàng Sa, anh đều nhìn lên bản đồ hành trình của chuyến bay, trong lòng đầy băn khoăn về cuộc sống dưới đó và mơ một ngày được đặt chân lên một hòn đảo. Mãi đến tháng 4/2016, anh mới hoàn thành được giấc mơ của mình.

Một năm trước, những khóe mắt rất trẻ đã khóc ở Cô lin, Len đao, Nhà giàn.., khi những nghiên cứu sinh, du học sinh như Trần Hải Linh, Phạm Hải Chiến, Nguyễn Trung Kiên... từ Hàn Quốc về và tới được Trường Sa. Nắng, gió, nước, rau... những bài toán đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của lính đảo khiến họ đã tự nguyện hứa.

Trong chuyến trở lại Trường Sa 2016, họ mang theo những món quà thiết thực: Những hạt giống rau đã được ươm lên mầm, trồng theo giàn, có thể chống chịu muối mặn, sử dụng công nghệ tưới tự động. Những tấm pin mặt trời để chủ động cung cấp nguồn năng lượng. Hơn hết thảy, là những chiếc máy hút độ ẩm không khí để tạo ra nước ngọt.

Nguyễn Trung Kiên, chàng trai trẻ đến từ đất Cảng, đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc kể rằng, họ đã phải cùng nhau tính toán rất nhiều để lựa chọn những món quà thiết thực nhất mang ra tới Trường Sa lần này. Và Cô lin, Đá Lát, nhà giàn DK1/17 là những điểm họ chọn để trao tặng. 

Nguyễn Trung Kiên, chàng trai trẻ đến từ đất Cảng, đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc, khi tới Cô lin.
Nguyễn Trung Kiên, chàng trai trẻ đến từ đất Cảng, đang là Phó Chủ tịch Hội Sinh viên VN tại Hàn Quốc, khi tới Cô lin.

Câu chuyện ở Đá Lát

Đá Lát là điểm đảo chìm cuối cùng trong chuyến hành trình dài 11 ngày trên biển thăm các điểm đảo và nhà giàn của Đoàn công tác số 6 - năm 2016, đưa 67 khách kiều bào về từ 22 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, đến với Trường Sa, ghé thăm.

Đảo Đá Lát nằm ở phía Nam quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 14 hải lý về phía Tây. Với tốc độ di chuyển chừng 10-12 hải lý/ giờ trên chiếc tàu kiểm ngư số hiệu KN490, con tàu được đóng mới theo công nghệ của Hà Lan, hạ thủy năm 2014, có lượng giãn nước hơn 2.000 tấn, cả đoàn phải mất hơn 1 giờ đồng hồ di chuyển từ Trường Sa mới có thể tiếp cận được đảo.

Trên tàu KN490, có một vị khách đặc biệt hào hứng với lần trở lại Đá Lát vào tháng 4/2016 này, là đại tá Đinh Văn Dũng, Chính ủy căn cứ 696 thuộc vùng 2 Hải quân. Đã 27 năm, anh mới trở lại được nơi từng gắn bó với mình một thời tuổi trẻ đầy hào hùng và gian khổ.

Điểm đảo Cô lin ở vùng biển Trường Sa. Phía sau là đảo Gạc ma bị Trung quốc chiếm đóng trái phép, đang bồi lấp, tôn tạo, mở rộng.
Điểm đảo Cô lin ở vùng biển Trường Sa. Phía sau là đảo Gạc ma bị Trung quốc chiếm đóng trái phép, đang bồi lấp, tôn tạo, mở rộng.

Ngày 18/4/2016, 4h30' sáng, toàn bộ phòng nghỉ của nhà khách ở Bộ tư lệnh Hải Quân vùng 2 ở số 1A Tôn Đức Thắng (TP.HCM) sáng bừng ánh điện. 11 ngày tiếp theo, kể từ sáng 18/4 đó, gần 200 con người trên chuyến hải trình cùng KN 490, trong đó có 67 kiều bào, mà rất nhiều trong số họ đã bước qua độ tuổi thất tuần, đã được làm quen với cảnh "toàn tàu báo thức, báo thức toàn tàu" lúc 5h30' hàng ngày.

Để rồi, thói quen sinh hoạt đó, đã ăn sâu vào tiềm thức, vào nỗi nhớ của chính họ, khiến như anh Ngô Văn Hải (Việt kiều Ucraina), khi đã trở về Ucraina, vẫn thường xuyên liên lạc và nói rằng thói quen tỉnh giấc của anh hằng ngày sau chuyến đi đó, luôn là 5h sáng mỗi ngày.

Trường Sa ăn hằn vào ký ức Đại tá Đinh Văn Dũng cũng vậy. 27 năm trước, khi đang là một anh lính trẻ ngành 2 (ngành vũ khí), Dũng ra với Trường Sa. Con tàu trực mà anh làm nhiệm vụ, neo ở Trường Sa suốt nhiều tháng trời, tham gia bảo vệ xây dựng Đá Lát, Đá Lớn B, trước khi di chuyển về bảo vệ khu vực các nhà giàn.

Anh Ngô Văn Hải (Việt kiều Ucraina), khi đã trở về Ucraina, vẫn thường xuyên liên lạc và nói rằng thói quen tỉnh giấc của anh hằng ngày sau chuyến đi đó, luôn là 5h sáng mỗi ngày.
Anh Ngô Văn Hải (Việt kiều Ucraina), khi đã trở về Ucraina, vẫn thường xuyên liên lạc và nói rằng thói quen tỉnh giấc của anh hằng ngày sau chuyến đi đó, luôn là 5h sáng mỗi ngày.

Cũng sau 27 năm, tàu KN490 chở một người khách đặc biệt nữa trở lại thăm Trường Sa, lại được bước chân lên cụm điểm đảo Đá Lớn, rồi Đá Lát... Đó là Đại tá Trần Xuân Thanh, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Quân đội.

Đại tá Thanh dẫn đầu đoàn văn công ra hát với các điểm đảo trong chuyến đi này, và đêm 25/4/2016, trong khoảng thời gian ngắn, khi "Tổ quốc gọi tên mình" cất lên ở Trường Sa lớn, bầu trời đột nhiên đổ mưa đêm. Cơn mưa hiếm hoi sau rất nhiều tháng nóng. 

Tháng 11/2016, những chàng trai trẻ như Chiến, Kiên... lại có dịp từ Hàn Quốc trở về Việt Nam, tham dự Hội thảo khoa học quốc tế lần thứ 8: "Biển Đông,  Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực"  ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: "Xin cám ơn số phận đã cho tôi gắn kết với biển đảo quê hương" khi "có cơ hội học hỏi, thu thập thông tin từ hơn 70 giáo sư Quốc tế, hơn 50 giáo sư, tiến sỹ Việt Nam và nhóm Young leader về biển Đông, hợp tác an ninh và phát triển khoa học".

Tổ quốc, nhìn từ Trường Sa, nơi bình minh hiện lên từ phía biển, là những cảm xúc không thể quên, để Phạm Hải Chiến, Nguyễn Trung Kiên nói rằng khó nhìn được ở đâu bình minh đẹp hơn vậy. Và đó cũng là động lực để họ tiếp tục kế hoạch vận động, cung cấp những thiết bị thiết yếu tạo ánh sáng, rau xanh hay nước ngọt cho Trường Sa trong những chuyến đi về Việt Nam sắp tới, với ước mơ trang bị cho toàn bộ các điểm đảo, nhà giàn, để những người lính đang canh trực ở Trường Sa hay thềm lục địa phía Nam luôn cảm nhận được bờ đang ở rất gần mình.

Đọc thêm