Một cuộc họp khẩn hôm qua được tổ chức tại Bộ NN&PTNT nhằm tập trung tìm giải pháp “hạ nhiệt” giá cả các loại thực phẩm đang tăng quá “nóng” thời gian gần đây…
Tại cuộc họp này, thịt lợn và rau xanh là hai mặt hàng thực phẩm thiết yếu được tập trung “mổ xẻ”.
Giảm nguồn cung thịt lợn
Theo các số liệu đưa ra từ Cục Chăn nuôi, thịt lợn hơi tại các thị trường miền Nam thời điểm này có giá khoảng 62 nghìn đồng/kg, tương đương các nước trong khu vực; trong khi đó, giá ở miền Bắc dao động từ 65 - 70 nghìn đồng/kg, tăng từ 70 - 100% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng bất bình thường so với hàng hóa nói chung.
Đánh giá về các nguyên nhân dẫn đến việc tăng giá quá “nóng” của hai mặt hàng này, Bộ NN&PTNT cho rằng, sau dịp Tết Nguyên đán, dịch lở mồm long móng bùng phát mạnh và tháng 3. Rồi đến đầu tháng 5, dịch tai xanh bùng phát khiến người dân e ngại dịch, chăn nuôi cầm chừng khiến nguồn cung ngày càng giảm.
Trong khi đó, vẫn theo Cục Thú y, trong 6 tháng đầu năm không có lợn sống nhập vào Việt Nam để giết mổ. Ngoài ra, cũng còn phải kể đến một nguyên nhân khác là tháng 6 - 7, nắng nóng gay gắt sẽ hạn chế nhu cầu tiêu thịt thịt lợn nhưng năm nay thời tiết khá dễ chịu nên nhu cầu cũng tăng cao đột biến.
Tuy nhiên, cũng có không ít các ý kiến từ địa phương cho rằng, nguồn cung thịt lợn giảm đột ngột còn là do giá thức ăn chăn nuôi tăng, các hộ gia đình có vốn nhỏ, chăn nuôi lẻ “đóng chuồng” chuyển sang sản xuất mặt hàng khác. Còn theo ông Đào Duy Tâm – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, các trang trại chăn nuôi không “kham” nổi mặt bằng lãi suất ngân hàng cao, buộc phải hạn chế phát triển đàn lợn trong khi việc mở thêm và mở rộng trang trại lại gặp những khó khăn về quỹ đất.
Giá rau sẽ ổn định trở lại
“Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn. Chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân. Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về giá, nhất là việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước về điều hành giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn”. (Trích Công điện 1120/CĐ-TTg của Thủ tướng) |
Trong khi đó, về giá rau xanh, cuộc họp khẩn của Bộ NN&PTNT cùng thống nhất ý kiến chung là đợt rau tăng giá chủ yếu là do bão số 2 gây mưa lớn, làm thiệt hại rau màu. Trong khi đó, hiện nay lượng rau củ nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 10% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy lượng nhập khẩu sụt giảm không nhiều nhưng lại rơi vào thời điểm có nhu cầu tiêu thụ rau quả cao, phụ thêm là nguồn cung trong nước sụt giảm nên đã đẩy giá rau củ tăng hơn so với cùng kỳ mọi năm.
Dù vậy, ý kiến của nhiều nhà chuyên môn cho rằng các loại rau tăng giá cao trong các tuần qua như rau muống, xà lách… đều là các loại rau dễ trồng và nhanh thu hoạch, khoảng 2 tuần sẽ cho sản phẩm. Vì vậy, dự tính lượng rau thiếu hụt sẽ dồi dào trở lại, giá rau quả nói chung sẽ ổn định trong khoảng 1 tuần tới.
Cuộc họp khẩn này được tổ chức nhằm triển khai thực hiện công điện số 1120/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường. Qua phân tích đầy đủ tình hình, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu ngành chăn nuôi tập trung chỉ đạo tăng nguồn cung, dùng những biện pháp kiên quyết nhất để xử lý các dịch bệnh; đặc biệt chú ý giám sát, bảo đảm chất lượng và số lượng nguồn cung con giống và thức ăn chăn nuôi.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng yêu cầu cần thực hiện các biện pháp trước mắt nhằm điều hòa thị trường trong nước như đẩy mạnh vận chuyển thịt lợn từ các địa phương trong miền Nam như Quảng Ngãi, Quảng Nam… ra các tỉnh thành phía Bắc.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, hướng người dân sử dụng thịt gia cầm, góp phần “hạ nhiệt” cho thịt lợn và các loại thịt gia súc nói chung trong thời điểm hiện nay.
Khuê Minh