Được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều đột phá phát triển kinh tế xã hội cho hai tỉnh Khánh Hòa và Lâm Đồng nhưng nhiều năm nay tuyến Nha Trang- Đà Lạt vẫn chưa thể hoàn thành (đoạn cuối Diên Khánh-Nha Trang). Đây có thể coi là công trình quy hoạch treo lớn nhất của tỉnh Khánh Hòa đã và đang gây ra nhiều hệ lụy.
|
Hộ dân nằm trong quy hoạch 10 km đường còn lại |
Công trình qui hoạch” treo" lớn nhất tỉnh
Đường Nha Trang- Đà Lạt được hình thành từ tuyến đường tỉnh lộ 723 của Lâm Đồng và tỉnh lộ 2 của Khánh Hòa còn được gọi với nhiều cái tên mỹ miều “cung đường xanh Tây Nguyên”, “đường Hoa Biển” (nối thành phố hoa và thành phố biển).
Theo quy hoạch của hai tỉnh, cung đường liên tỉnh này có tổng chiều dài khoảng 140km. Theo dự kiến, sau khi hoàn thành, du khách thay vì vòng vèo 230km ở đường cũ thì chỉ mất khoảng chưa đầy 3 giờ chạy xe để có thể: “sáng tắm biển Nha Trang, trưa ngắm hoa ở Đà Lạt”.
Cung đường được khởi công từ năm 2004 nhưng cho đến nay mới hoàn thành được 3 đoạn với tổng chiều dài 130 km gồm: Đoạn từ Đà Lạt đến đỉnh Hòn Dao giáp ranh giữa 2 tỉnh Lâm Đồng và Khánh Hòa; đoạn từ đỉnh Hòn Dao đến Khánh Lê (thuộc huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa); Đoạn 3 từ Khánh Lê đến Cầu Lùng (huyện Diên Khánh). Đoạn còn lại khoảng 10 km (từ Cầu Lùng- Cao Bá Quát thuộc thành phố Nha Trang) dẫm chân tại chỗ từ nhiều năm nay.
Đoạn đường Cầu Lùng- Cao Bá Quát được UBND tỉnh Khánh Hòa ra quyết định cho phép đầu tư từ năm 2002. Đến năm 2008, UBND tỉnh đã ra quyết định phê duyệt dự án theo quyết định số 2075/QĐ-UBND.Tiếp đó, xét sự cần thiết của dự án, tháng 12.2009, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho UBND tỉnh Khánh Hòa triển khai thực hiện dự án theo hình thức hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) và được sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để thực hiện.
Mặc dù các thủ tục, chủ trương đã có nhưng kể từ năm 2008 đến nay, dự án đường Cầu Lùng- Cao Bá Quát hầu như chỉ được khởi động trên giấy và không có bất cứ động thái nào trên thực địa.
Những hệ lụy do quy hoạch đường dang dở
Theo quy hoạch của UBND tỉnh Khánh Hòa, dự án nói trên được coi là xương sống để phát triển huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang về phía Tây và phía Nam. Cùng với việc đầu tư xây dựng con đường, các địa phương này sẽ hình thành và phát triển hàng loạt chuỗi khu đô thị, khu công nghiệp...
Theo đó, toàn bộ trung tâm hành chính của tỉnh Khánh Hòa sẽ được chuyển về phía tây thành phố Nha Trang. Cùng với dự án Cầu Lùng- Cao Bá Quát sẽ phát triển thành một giải khu đô vừa phục vụ quy hoạch giãn dân đô thị và phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời, tạo ra cơ sở hạ tầng đồng bộ, cải thiện tình trạng úng ngập vào mùa mưa trên tuyến đường 23-10 và các cửa ngõ vào thành phố Nha Trang.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng- Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, việc chưa hoàn thành 10km đường còn lại của dự án đường Nha Trang- Đà Lạt không chỉ ảnh hưởng tới quy hoạch giao thông , mà còn ảnh hưởng tới kinh tế -xã hội của cả thành phố Nha Trang và cả tỉnh Khánh Hòa nói chung.
Trao đổi với PV, ông Huỳnh Hòa- Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi tỉnh Khánh Hòa thừa nhận, dự án đường Cầu Lùng- Cao Bá Quát có chiều dài toàn tuyến gần 10km và đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt từ năm 2008. Dự án không thể triển khai là do vướng mắc về thủ tục pháp lý trong việc thực hiện dự án theo hình thức BT và nguồn vốn đầu tư. Mặc dù dự án đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý nhưng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 không thể bố trí cho dự án. “Dự án bị treo nhiều năm đã và đang gây không ít khó khăn trong việc hoạch định các chủ trương chính sách phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hiện chúng tôi đã tìm cách để tháo gỡ”, ông Hòa nói.
Quyết tâm tái khởi động dự án "treo" vào cuối năm nay?
Ngày 31/7, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản số 4269 cho chủ trương về nguồn vốn và thực hiện dự án. Theo đó,UBND tỉnh giao các cơ quan liên quan nghiên cứu lập phương án bồi thường giải tỏa mặt bằng dự án.
Ngoài việc thu hẹp quy mô về giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Khánh Hòa cho phép thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo từng giai đoạn nhằm phù hợp với khả năng cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách và tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án.
Để giải quyết bài toán tài chính, tỉnh Khánh Hòa đã đưa ra phương án huy động vốn từ nhiều nguồn theo phương châm Trung ương và địa phương cùng làm. Trong đó, tiếp tục nguồn vốn trái phiếu chính phủ theo công văn số 2452 /TTg-KTN ngày 9-12-2009 của Thủ tướng Chính phủ; Huy động vốn từ nhà thầu theo phương thức ứng vốn thi công trước không tính lãi( phần vốn này chủ yếu thực hiện cho các hạng mục xây lắp của dự án). Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa cũng dự kiến sẽ tự huy động một phần từ ngân sách để góp sức giải phóng mặt bằng dự án.
Với quyết tâm tái khởi động dự án UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Sở kế hoạch và đầu tư, Ban quản lý dự án các công trình giao thông và thủy lợi phải khẩn trương hoàn tất các thủ tục để trình UBND tỉnh phê duyệt dự án đầu tư, các thủ tục đầu tư, lựa chọn nhà thầu để có thể khởi công xây dựng dự án chậm nhất là ngày 31/12/2013.
Doanh Thương