Khánh Ly: “Tôi vẫn hát sai nhạc Trịnh 50 năm qua“

(PLO) - “Khi nhạc Trịnh được in ra các tập, có người nói tôi hát sai một vài nốt nhạc trong nhạc Trịnh, tôi thừa nhận là họ nói đúng. Nhưng vì tôi hát theo cảm xúc của mình nên tôi vẫn cứ hát sai suốt 50 năm qua", giọng ca 72 tuổi thừa nhận.
Khánh Ly: “Tôi vẫn hát sai nhạc Trịnh 50 năm qua“

Như con tằm rút ruột nhả tơ, đêm 4/4, danh ca Khánh Ly hát như thỏa niềm ước mơ được hát tặng mọi người. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt với nụ cười đầy thân thiện mộc mạc của Khánh Ly khiến khán giả càng trân quý tấm lòng người nghệ sĩ. 

Dòng cảm xúc cuồn cuộn chảy

Đêm “Đời cho ta thế” thu hút đông đảo khán giả các lứa tuổi. Hội trường lớn của Đại học Văn hóa Hà Nội không còn ghế trống. Gần tới buổi biểu diễn, dòng người tới ngày một đông. Trước sự nhiệt thành ấy, ban tổ chức đã chuẩn bị màn hình lớn để truyền hình trực tiếp tại sân trường đáp ứng nhu cầu thưởng thức giọng ca “Nữ hoàng chân đất” của hàng trăm khán giả bên ngoài.

Tiếng vỗ tay vang rền khi danh ca Khánh Ly xuất hiện. Danh ca Khánh Ly không giấu nổi sự xúc động, hạnh phúc khi thực hiện một giấc mơ mà mình phải đợi tới nửa thế kỷ mới trở thành hiện thực. Khánh Ly đã thể hiện đúng tinh thần, mộng ước của cặp đôi huyền thoại Khánh Ly - Trịnh Công Sơn đó là sẽ cùng nhau lãng du khắp dải đất hình chữ S để cùng hát cho mọi người, đặc biệt là hát cho các bạn trẻ. 

Cứ mỗi lần giọng ca “Nữ hoàng chân đất” cất lên với những bản tình ca giầu chất thơ, chất nhạc, đậm triết lý của cố nhạc sĩ họ Trịnh: ““Hạ trắng”, “Diễm xưa”, “Còn tuổi nào cho em”, “Ngẫu nhiên”, “ Vì tôi cần thấy em yêu đời”, “Ca dao Mẹ”, “Nắng thủy tinh”, cả hội trường và sân trường dậy lên tiếng vỗ tay vang dền. 

Khánh Ly đã đưa người nghe từ cung bậc cảm xúc này tới cảm xúc khác. Lúc nhẹ nhàng phiêu lãng trên những “hàng cây thắp nến lên hai hàng”, lúc chảy bỏng muốn sống tươi vui cùng “Kìa còn biết bao người dìu dắt tới quanh đây”. 

Dù tuổi đã xế bóng, nhưng những khát khao, mãnh lực cống hiến của tuổi trẻ dường như vẫn đầy ắp trong người nghệ sĩ. Dường như khoảng cách thời gian chỉ là ảo ảnh, không chỉ Khánh Ly mà người nghe cũng ngỡ giọng ca “Diễm xưa” 72 mà như… 27 tuổi.

“Đàn ông đàn ang ít người để ý đến tôi lắm"

Không chỉ giãy bày tình cảm qua lời ca, giọng ca của “Tuổi đá buồn” còn đưa người nghe về miền ký ức của 50 năm về trước. 

Rất nhiều người tò mò về “duyên kỳ ngộ” của cặp đôi tri kỷ Khánh Ly- Trịnh Công Sơn, nữ danh ca thất thập tâm sự: "Tôi sống ở Đà Lạt và sau khi gặp ông Trịnh Công Sơn bảo tôi về Sài Gòn hát nhưng tôi từ chối. Đến năm 1967, tôi gặp lại ông Trịnh Công Sơn và ông lại rủ tôi đi hát. Và lần này tôi đã đi cùng ông và trở thành một thằng con trai bạn của ông. Tôi đã chẳng có tiền mà mua suất cơm bụi, ông Sơn mua một suất cơm thì chia làm đôi để tôi được ấm lòng mà đi diễn. Ông Sơn có nhiều bạn thân là con trai, và tôi cũng đã trở thành một "thằng bạn trai" như vậy (cười).

Tôi là người vô duyên, nên đàn ông đàn ang ít người để ý đến tôi lắm, chỉ có mấy người thương tôi thôi, mọi người đi rất bình thường không có ai để ý đến ai. Đi trên đường tôi nghe thấy có tiếng kêu "Mai, Mai", tôi nhìn lại thì hóa ra là nhạc sĩ Sơn. Ông rủ tôi hát 1 đêm, chỉ 1 đêm thôi và giới thiệu có 1 cô bé từ Đà Lạt về, đó là Khánh Ly, thời đó, ai cũng phải sống cả, mà nếu đi hát với ông Sơn thì không có tiền”.

Ca sĩ hồi đó rất ít và chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cũng rất ít người hát về nhạc Trịnh Công Sơn bởi hát về nhạc Trịnh không có tiền. Có người thắc mắc vì sao lại hát nhạc Trịnh khi không có tiền?”- danh ca cười: “Nếu tôi biết vì sao thì nói làm gì!”.

Sự trải lòng dí dỏm ấy khiến cả khán phòng ồ lên thích thú. Khánh Ly còn tự “dìm hàng” mình bằng cách kể sự… “mù” nhạc của mình. Theo đó, thời trẻ, Khánh Ly không hề được học qua trường lớp nào. Khánh Ly đi hát như một bản năng. Vì không được học, nên Khánh Ly không biết nốt nhạc. Khánh Ly học hát theo kiểu “truyền khẩu”.

“Khi Trịnh Công Sơn dạy tôi hát, thì chỉ hát 2-3 lần là tôi tự hát. Sau này, khi nhạc Trịnh được in ra các tập, có người nói tôi hát sai một vài nốt nhạc trong nhạc Trịnh, tôi thừa nhận là họ nói đúng. Nhưng vì tôi hát theo cảm xúc của mình nên tôi vẫn cứ hát sai suốt 50 năm qua. Ông Sơn là người ghét dốt nên tôi sợ ông Sơn mà giấu cái dốt của mình”. (cười). Và danh ca Khánh Ly không quên dặn dò các bạn sinh viên: “Các em đừng như tôi, đừng giấu dốt của mình nhé”. Cả hội trường lại dậy tiếng sóng vỗ tay vang rền. 

Ca sĩ Khánh Ly nghẹn ngào khi nói về tri kỷ Trịnh Công Sơn: “Ông Sơn là người rất đơn giản, sống rất chan hòa với mọi người, sống cho mọi người, vì mọi người, ông không muốn là cái tượng đài, cái gì đó khác lạ, vì làm như thế ông là người xa lạ. Ông lúc nào cũng là người của các em, bình yên đơn giản, đáng yêu như vậy. 15 năm qua, tôi ráng sống cho thật tốt vì ông Sơn dạy cho tôi rằng, hãy cứ sống như đời sống và sống bằng tấm lòng. 

Và danh ca cũng không quên cám ơn sự có mặt của các bạn sinh viên: “Qua hai thế kỷ, đi 50 năm một mình, tôi không khi nào cảm thấy cô đơn, vì tôi đã đi mượn tuổi trẻ của các em, mượn tấm lòng của các em”.

Không chỉ các bạn sinh viên cảm thấy rất vui khi được thưởng thức và trải nghiệm đêm nhạc “Đời cho ta thế”, mà các nghệ sĩ, các thầy cô cũng hạnh phúc không kém. Thầy  giáo Đào Hữu Thi (75 tuổi), nguyên Chủ nhiệm Khoa nhạc Đại Học Văn Hóa Hà Nội (k19-k20) chia sẻ: "Trời đã sinh ra Trịnh Công Sơn để có tác phẩm bất hủ và trời sinh ra Khánh Ly để chuyên trở các tác phẩm ấy vào lòng người. Những triết lý của cuộc sống, hướng người ta đến cái hay, cái đẹp được thể hiện qua từng lời ca, tiếng hát của Khánh Ly. Cả Trịnh Công Sơn và Khánh Ly đều là hiện tượng âm nhạc của Việt Nam. Các tác phẩm của ông để lại rất nhiều giá trị của cuộc sống. Đó là món quà vô giá mà bất cứ người dân Việt nào cũng nên biết. Tôi thấy hạnh phúc, cảm động khi được tham dự đêm nhạc này”. 

Với lòng yêu mến, trân trọng người nghệ sĩ của hàng ngàn khán giả, danh ca Khánh Ly ước mong không chỉ được hát tại Đại học Văn hóa Hà Nội mà bà còn muốn có thêm nhiều thời gian, sức khỏe để hát miễn phí dành tặng sinh viên, đông đảo khán thính giả ở khắp các mọi miền Bắc- Trung- Nam.” 

Không chỉ gửi tặng lời ca tiếng hát của mình, đã từ lâu, danh ca Khánh Ly âm thầm tích cóp số tền catxe của mình để làm từ thiện giúp đỡ cho những người kém may mắn, khó khăn, nghèo khổ. Với giọng ca “Diễm xưa”, được giúp mọi người là niềm hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời mình. 

“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi”- câu hát đầy triết lý và nhân văn của cố nhạc sĩ họ Trịnh luôn theo vang mãi và như “kim chỉ nam” trên bước đường đời của danh ca Khánh Ly.

Trong “Đời cho ta thế”, danh ca Khánh Ly đã trao nhiều suất học bổng cho sinh viên nghèo có thành tích học tập xuất sắc từ quỹ Nhịp cầu Plus của Pháp luật Plus (Pháp Luật Việt Nam). Chương trình còn sự đồng hành của  Đại học Văn hóa, Dongdoshow, Phapluatplus (Pháp Luật Việt Nam), Mitco, Nam Dương…