Từ mối hận với kẻ giết cha…
Theo tài liệu ghi chép, thiền sư họ Từ, tên Lộ, tự là Đạo Hạnh, sống tại thời Lý Nhân Tông. Từ Đạo Hạnh có cha là Từ Vinh, mẹ là Tăng Thị Loan. Ngay từ nhỏ, vị thiền sư đã tỏ ra là một người thích du ngoạn, có chí lớn, đặc biệt trong con người đã ẩn chứa khí cốt tiên phật.
Theo Đại đức Thích Trường Xuân (Trụ trì chùa Phúc Thiên Hạ), từ những tư liệu mà ông đã được đọc và nghiên cứu, cuộc đời của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thực sự thay đổi từ sau cái chết của cha mình là Từ Vinh, sau khi Từ Vinh làm phật ý Diên Thành Hầu, nên bị ông ta sai Đại Điên thiền sư dùng phép đánh chết.
Quá đau đớn và nuôi mộng trả thù nhưng vì phép thuật không có nên Từ Lộ tìm đường sang Tây Thiên (Ấn Độ) học phép thuật cùng với hai người bạn là Giác Hải và Không Lộ. Tuy nhiên, trong lòng vẫn còn lòng thù hận, Từ Đạo Hạnh học phép thuật lâu hơn hai người bạn của mình. Nhưng, đó cũng chính là điểm mạnh giúp Từ Lộ hội tụ được hết những tinh hoa của phép thuật mà mình được thụ giáo.
Sau khi trở về từ Tây Thiên, mối thù giết cha vẫn canh cánh bên mình, Từ Đạo Hạnh tìm đến bờ sông Tô Lịch và phóng cây trượng sắt ngược dòng nước chảy, bay đến cầu Tây Dương thì dừng lại, báo hiệu cho sự trả thù sắp diễn ra. Mọi người thấy vậy liền báo cho cao thủ Đại Điên biết. Khi Đại Điên tìm đến bên bờ sông để tìm hiểu sự tình thì bất ngờ cây trượng chợt nảy lên và đập vào trán khiến Đại Điên chết ngay tại chỗ. Sau đó, xác Đại Điên bị Từ Đạo Hạnh niệm thần chú trôi theo dòng nước.
“Khi đã trả được món nợ giết cha, oán thù xưa đã hết. Lòng ngài đã thanh thản hơn, Đức thánh Từ Đạo Hạnh ngao du khắp nơi để tìm nơi thanh tịnh mà tu dưỡng. Sau đó ngài chọn ngọn núi Sài Sơn, nơi có chùa Thiên Phúc làm nơi tu luyện đạo pháp.
Nhờ phép thuật cao siêu, cùng với phẩm hạnh đức độ của ngài cũng như việc dùng phép thuật chữa bệnh hiệu quả. Từ Đạo Hạnh được nhân dân khắp vùng yêu mến và ngưỡng mộ. Khi ấy pháp danh của ngài nổi tiếng khắp vùng”, đại đức Thích Trường Xuân cho biết.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh sau khi được phục dựng |
Những pháp thuật kỳ bí của Từ Đạo Hạnh
Lại nói đến chuyện xác Đại Điên, sau khi trôi theo dòng nước đến phủ Tràng An (nay là Ninh Bình) thì dừng lại. Vì không phục trước phép thuật của Từ Đạo Hạnh, Đại Điên đã đầu thai và nhập vào một đứa trẻ có tên là Giác Hoàng. Mới lên 3 nhưng Giác Hoàng đã tinh thông mọi việc, phàm những việc trong cung vua, không gì là không biết.
Khi đó, vua Lý Nhân Tông tuổi đã cao mà không có người nối dõi. Khi nghe chuyện về Giác Hoàng, ngài liên sai Trung sứ vào tận nơi xem xét. Thấy đứa trẻ thông minh dị thường vua có lòng yêu mến và có ý định lập làm Hoàng Thái tử. Các quan can ngăn không được bèn bày cách để đứa bé thác sanh vào nội cung rồi sau mới lập làm Thái tử được. Vua nghe theo, bèn cho tế lễ bảy ngày đêm để làm phép thoát thai.
Ở trên núi nhưng thiền sư Từ Đạo Hạnh đã nhìn thấy việc này, ngài liền cho kết một tràng hạt đã yểm bùa và lén treo vào đàn tế lễ. Vì thế, Giác Hoàng không thể thác sinh được mà chết ngay sau đó. Tuy nhiên, việc Từ Đạo Hạnh dùng bùa chú ngăn cản, vua Lý Nhân Tông biết chuyện và quyết ra lệnh xử chém vị thiền sư.
Nhưng nhờ có sự giúp đỡ và tin tưởng của Sùng Hiền Hầu là em trai của Lý Nhân Tông, Từ Đạo Hạnh đã thoát chết. Và để trả ơn Thiền sư đã nói với Hiền Hầu rằng: Khi nào phu nhân sắp đến ngày sinh nở thì phải cho người báo trước với ta. Bởi mối nhân duyên ở đời của ta chưa hết, nên phải thác sinh một lần nữa, tạm làm đế vương đến khi già chết làm nhị thập thiên tử”.
Chùa Thầy, nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa |
Để lại xá lợi sau khi đầu thai làm vua Lý Thần Tông?
“Là trụ trì tại ngôi chùa này đã được 20 năm, mọi sự tích hay những tư liệu lịch sử về ngôi chùa Thầy tôi đều nắm rõ trong tay. Tuy nhiên, việc Thiền sư Từ Đạo Hạnh có để lại xá lợi hay không thì tôi không thể đưa ra được câu trả lời chính xác. Chỉ biết rằng, sau khi thác 300 năm thì nhục thân của ngài đã được hóa và người dân địa phương đã dùng tro cốt của Thiền sư bỏ vào trong lòng bức tượng gỗ. Bức tượng ấy cho đến ngày hôm nay vẫn được bảo quản rất cẩn thận, hàng năm chỉ có một ngày vào 7/3 âm lịch, nhà chùa mới được phép tắm rửa cho bức tượng ấy”, vị đại đức cho biết.
Việc đầu thai và sự viên tịch của Từ Đạo Hạnh đến nay vẫn là một bí ẩn. Sử sách ghi lại, trước khi phu nhân của Hiền Hầu lâm bồn thì người nhà của Hiền Hầu đã báo cho Từ Đạo Hạnh. Nhận được tin, ngài đi tắm rửa, thay quần áo và nói với các đệ tử của mình rằng: “Mối nhân duyên của ta chưa hết, ta phải thác sinh làm đế vương trong thời hạn một kỷ (12 năm). Đến lúc ấy, nếu thấy thân thể ta rữa nát thì mới là lúc ta không còn trên cõi đời”.
Theo đại đức Thích Trường Xuân, phần thân thể của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, sau khi thác ở trong hang đá, trải qua mấy tháng trời mà thân thể của ngài vẫn thơm tho, và tuyệt nhiên không có mùi hôi thối nào. Thấy làm lạ, người dân trong làng và các đệ tử liền đưa thi thể của ngài vào trong khám để thờ.
Đến nay, nhiều người vẫn coi Lý Thần Tông chính là Thiền sư Từ Đạo Hạnh đầu thai, bởi lời dặn dò trước khi thác của Từ Đạo Hạnh với Thiền sư Minh Không: “Ta nay sắp xuất thế, ở cái địa vị làm thầy người ta, bệnh trái ở kiếp sau khó tránh nổi. Ta với người có duyên, nên cứu giúp nhau”. Nói xong, ngài đưa cho Minh Không một gói thuốc đã được niệm chú dặn rằng: “20 năm sau, nếu nghe quốc vương bị bệnh thì lập tức đến chữa trị ngay”. Và quả nhiên, sau đó, vua Lý Thần Tông bị bệnh, phải hiệu triệu khắp nơi để vời Minh Không đến chữa trị.
Lại nói về thân thể của Từ Đạo Hạnh, gần 300 năm sau khi thác, quân nhà Minh đã dùng củi đốt 3 ngày, 3 đêm mà xác Thiền sư vẫn như còn y nguyên, quá hoảng sợ quân Minh liền bỏ chạy. Sau đó, người dân ở Sài Sơn nằm mộng và được Thiền sư Từ Đạo Hạnh cho biết chân thân của ngài đã trải qua hàng trăm năm, vì thế muốn thiêu được thì phải dùng củi thơm (gỗ trầm hương) trên núi Sài Sơn để đốt. Quả nhiên làm theo điềm báo, chân thân của Thiền sư đã được đốt cháy, sau đó người dân đã thu lấy phần tro cốt (được coi là xá lợi) để tạo nên bức tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh hiện nay.