Niềm vui khi người bệnh được chữa khỏi
Hội Đông y Quận Tây Hồ thành lập ngày 13/6/1998, trong 20 năm hoạt động, Hội đã có rất nhiều thành tích ấn tượng. Thành tích đáng tự hào nhất của Hội là thường xuyên tham gia khám chữa bệnh, tư vấn và cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách trên địa bàn, với hàng ngàn lượt người mỗi năm, trị giá từ 250-300 triệu đồng/năm.
Năm 2017, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, Hội cũng tiến hành cấp phát thuốc miễn phí cho các đối tượng chính sách, hội cựu Thanh niên xung phong và hội người khuyết tật với tổng số 230 người…
Vừa là Chủ tịch Hội Đông y quận Tây Hồ (từ năm 2010 đến 2015), vừa làm thường vụ Ban chấp hành Hội Đông y thành phố Hà Nội, kiêm chủ nhiệm Câu lạc bộ Hội Đông y thành phố Hà Nội, ông Phạm Ngọc Hồng đã chia sẻ: “Làm thầy thuốc đông y phải giống như người tu Phật. Người thầy thuốc không được phép lưu manh, trục lợi, thủ đoạn. Mỗi người, đặc biệt là người thầy thuốc phải sống nhân đức, nhân ái, phải có cái tâm cái đức, cống hiến sức mọn cho cộng đồng xã hội”.
Ông Hồng cho biết, đến nay Hội Đông y quận đã nhận được gần 100 bằng khen. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho tập thể Hội vào năm 2014. Năm 2015, Hội nhận bằng khen của Bộ Y tế; UBND TP Hà Nội cũng tặng Hội Đông y quận Tây Hồ bằng khen 5 năm thực hiện nghị quyết 24 của Ban Bí thư Trung ương về phát triển Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới.
Ngoài ra còn hàng loạt các bằng khen từ Hội Đông y Việt Nam, Hội Châm cứu Việt Nam, Hội Liên hiệp Kỹ thuật Việt Nam…Chính những thành tích đã đạt được, từ khi hoạt động cho đến nay, chính quyền quận Tây Hồ và TP Hà Nội đều rất ủng hộ hoạt động của Hội. Phía quận đã cung cấp cho Hội một trụ sở và hàng năm hỗ trợ khoảng 50 triệu đồng.
Kể từ khi nắm giữ cương vị là Chủ tịch Hội Đông y quận Tây Hồ, ông Hồng cũng đóng góp công sức không mệt mỏi cho các hoạt động từ thiện. Mới đây, ông cùng với Hội Phật giáo TP Hà Nội đã tổ chức khám- chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 500 đối tượng chính sách ở chùa Vạn Phúc (Phù Lũ, Sóc Sơn) với mỗi suất quà 500 ngàn đồng. Trước đó, tháng 6/2014, ông cũng tham gia với đoàn Hội Đông y Hà Nội về huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên khám - chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho 500 đối tượng chính sách trong vòng 2 ngày.
Chuyến đi xa nhất của ông Hồng là tới Chùa Đá ở Đức Hòa, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh vào năm 2015 cùng với Hội Đông y Hà Nội. Tại đây, ông và đoàn đã tư vấn và khám chữa bệnh miễn phí cho các nhà sư, các đối tượng chính sách khó khăn và người dân địa phương trong suốt 3 ngày. Chia sẻ về cảm xúc trong mỗi lần hoạt động từ thiện, cứu người, ông Hồng phấn khởi: mỗi khi một người bệnh được chữa khỏi là điều mà một người thầy thuốc như tôi cảm thấy rất vui, mãn nguyện và càng trân quý cái nghề của mình hơn.
Một khát khao nho nhỏ…
Trò chuyện với ông Hồng, nhiều người mới hiểu, con đường trị bệnh cứu người mà ông theo đuổi không kể đến tuổi tác. Ông luôn tự nhủ, làm nghề thầy thuốc nếu không học hỏi, không nghiên cứu, sáng tạo để nhận ra những điều khác biệt thì người thầy thuốc rất dễ mắc sai lầm. Vì vậy chỉ có con đường học tập chân chính, học từ người xưa qua sách vở, học từ thầy qua trường lớp, học từ bạn bè đồng nghiệp và học ngay trên chính bệnh nhân… mới giúp người thầy thuốc tự hoàn thiện mình.
Kể từ khi trở thành người dẫn dắt Hội Đông y quận Tây Hồ, ông Hồng luôn động viên nhiều thành viên, đặc biệt là những người trẻ tích cực học tập hơn nữa, trau dồi kiến thức cho bản thân. Ông nói rằng, đã là một thầy thuốc, cần phải không ngừng khát khao được học, được nghiên cứu, được mang kiến thức của mình để chữa trị cứu người, giúp đời.
Cho đến nay Hội đã có hơn 100 thành viên và hầu hết đều có bằng cấp, chuyên môn nghiệp vụ và giấy phép hành nghề. Số lượng hội viên có bằng đại học trở lên chiếm 1/3, thậm chí rất nhiều người là giáo sư, tiến sĩ. Bản thân ông Hồng cũng tự mình tôi luyện qua nhiều trường lớp, không chỉ Đông y mà cả Tây y và dược sĩ.
“Một thầy thuốc có tâm với nghề thì việc học là vô cùng quan trọng, bởi Đông y là nghề đúc rút từ kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu. Nếu chỉ có kiến thức chuyên môn cơ bản vẫn không đủ để chữa bệnh cứu người. Cũng chính vì vậy, nhiều thành viên trong Hội Đông y quận Tây Hồ vẫn tích cực đi học”, ông Hồng cho biết.
Tâm sự về mong muốn trong tương lai, ông bảo không mưu cầu gì cho bản thân mà chỉ mong Hội Đông y quận Tây Hồ sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các thành viên trong hội thường xuyên cùng nhau tích cực sinh hoạt tập thể, từ đó chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chữa bệnh để cùng nhau nghiên cứu, đưa ra các bài thuốc hay, phương thuốc tốt, từ đó rút ra những gì tinh túy nhất để nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề.
Để thỏa mong muốn giúp người, cứu đời, ông Hồng cũng như các thành viên trong Hội Đông y quận Tây Hồ đều có chung một nguyện vọng, đó là có được một phòng khám từ thiện tại khu vực quận để giúp đỡ, chữa trị cho người dân quanh vùng và các đối tượng chính sách gặp nhiều khó khăn.