“Khát” vốn tu bổ đê điều: Hơn 700 km đê chực chờ vỡ!

(PLO) - Trước năm 2014,  mỗi năm có khoảng 250 tỷ đồng để tu bổ đê điều. Nhưng gần đây, với sự ra đời của Luật Đầu tư công, kinh phí cho việc này giảm còn… 50 tỷ đồng/năm, trong khi đang có gần 3.000 km đê cấp 3 và cấp đặc biệt cần tu sửa. 
Gia cố đê sông Bùi trong đợt lũ lịch sử ở Hà Nội hồi tháng 7/2018
Gia cố đê sông Bùi trong đợt lũ lịch sử ở Hà Nội hồi tháng 7/2018

PLVN trao đổi với ông Trần Công Tuyên  -  Phó Vụ trưởng Vụ quản lý đê điều, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNN) về vấn đề này.

Nhiều tuyến đê thiếu cao trình chống lũ

Thực trạng đê điều của nước ta hiện nay đang như thế nào, thưa ông?

- Hiện, chúng ta đang có khoảng 39.300km đê trên cả nước. Trong đó khoảng 2.900 km đê biển, 6.400km đê sông. Do đặc thù và phân cấp, đê sông được tính từ Hà Tĩnh trở ra các tỉnh phía Bắc, còn đối với Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 34.000km bờ bao. Phân cấp theo tầm quan trọng, có khoảng 2.700 km đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, tuyến đê bảo vệ Thủ đô Hà Nội được coi là đặc biệt.

Hệ thống đê điều của nước ta hiện nay, do được đắp qua nhiều thời kỳ, chủ yếu là đất đắp và không có yếu tố kỹ thuật nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ có thể gây ra hậu quả khó lường cần tu bổ kịp thời. Vụ Quản lý đê điều cũng thường xuyên có văn bản hướng dẫn, yêu cầu các địa phương xây dựng các phương án bảo vệ trọng điểm đê, có phương án cụ thể về vật tư, kỹ thuật và nhân lực xử lý khi mùa mưa bão đến gần. Theo phương châm “4 tại chỗ” vì công tác này cần phải chủ động và kịp thời.

Ông có thể cho biết cụ thể hơn về những tồn tại mà hệ thống đê điều đang gặp phải?

- Trong toàn bộ hệ thống đê điều của nước ta hiện nay, có khoảng 244km đê thiếu cao trình chống lũ, tập trung chủ yếu tại hạ du các sông thuộc hai tỉnh Thanh Hóa và Thái Bình. Ví dụ, đê bao quanh Thủ đô Hà Nội có cao trình ít nhất là 13,4m, ngoài ra còn phải cộng thêm độ cao an toàn và yếu tố kỹ thuật khác mới đảm bảo được. Nếu không đảm bảo về cao trình, rất dễ có nguy cơ bị tràn khi lũ lớn.

Chúng ta cũng còn tới 726km đê chưa đảm bảo mặt cắt thiết kế, có nguy cơ bị vỡ bất cứ lúc nào. Hiện còn có 12km đê thường xuyên xảy ra đùn sủi, 66km đê có nguy cơ thẩm lậu bởi đã được đắp từ lâu. Ngoài ra còn có 93 cống dưới đê bị hư hỏng nặng cần được xây mới bởi có nhiều cống được xây từ thời Pháp thuộc, 355 cống cần tư bổ, 220km kè có nguy cơ gây sạt lở.

Trước những con số “biết nói” như vậy, chúng ta cần một nguồn kinh  phí rất lớn để duy trì, tu bổ hệ thống đê điều trên cả nước.

Ông Trần Công Tuyên
Ông Trần Công Tuyên

Thiếu tiền “trị thủy”?

Vậy, nguồn ngân sách dành cho những hạng mục này như thế nào ? 

- Có thể nói, ngân sách dành cho việc tu bổ, quản lý cũng như sửa chữa đê điều đã được quan tâm đầu tư. Nguồn kinh phí chủ yếu được cấp qua Bộ NN&PTNN rồi từ Bộ giao về cho các địa phương để tổ chức thực hiện.

Về tu bổ đê điều hàng năm, trước năm 2014, trung bình mỗi năm kinh phí có khoảng  200 đến 250 tỷ đồng. Số tiền này được phân bổ cho 19 tỉnh, thành có hệ thống đê từ cấp 3 đến cấp đặc biệt, vào khoảng  2.700km. Số tiền này tuy còn hạn chế nhưng đã được sử dụng rất hiệu quả, tăng cường khả năng chống lũ và được tu bổ thường xuyên.

Sau năm 2014, với sự ra đời của Luật Đầu tư công, kinh phí đến giai đoạn 2020 giảm mạnh xuống chỉ còn 50 tỷ đồng/năm cho toàn bộ 2.700km đê như tôi đã nói ở trên. Nguồn kinh phí này thực sự quá ít, không đáp ứng được nhu cầu hiện nay đang đặt ra.

Về công tác duy tu, bảo dưỡng đê điều. Số tiền ngân sách được sử  dụng nhằm mục đích sửa chữa thường xuyên các hư hỏng theo thời gian. Nguồn kinh phí cũng được cấp qua Bộ NN&PTNN vào khoảng 300 tỷ đồng/năm. Qua đánh giá và phân bổ về cho các địa phương, số tiền này chỉ đáp ứng được khoảng 40% so với nhu cầu.

Do hạn hẹp về nguồn kinh phí, các địa phương phải thắt chặt chi tiêu nhưng chất lượng tuổi thọ, chống xuống cấp đê điều đã được cải thiện và nâng cao đáng kể. Nhiều địa phương làm rất tốt công tác sửa chữa khi có phát sinh hoặc các hư hỏng của đê điều trước mùa mưa bão.

Ngoài nguồn ngân sách hạn hẹp nói trên, hệ thống đê điều ở  nước ta có được đầu tư thêm từ nguồn nào khác nữa không? 

- Cuối năm 2005, Bộ NN&PTNN đã trình Thủ tướng Chính phủ các chương trình củng cố, nâng cấp đê sông, đê biển và nhận được sự ủng hộ. Theo đó, đã có Quyết định 2068 năm 2009 về nâng cấp, củng cố đê sông; hệ thống đê biển có Quyết định 58 năm 2006, đối với hệ thống đê từ Quảng Ninh đến Quảng Nam; Quyết định 667 năm 2009 đối với hệ thống đê từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang. Chương trình này còn kết hợp với hệ thống giao thông và nâng cấp hạ tầng cơ sở. Tổng số các dự án cho chương trình đã được phê duyệt là khoảng 40.000 tỷ đồng. Do được phê duyệt từ năm 2006, đến thời điểm hiện nay nên có trượt giá, vật tư tăng nên nguồn kinh phí đã tăng lên khoảng 80.000 tỷ đồng. Số tiền này, Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp trực tiếp cho các địa phương. Nhưng đến nay, nguồn kinh phí này mới chỉ đáp ứng được khoảng 50% so với nhu cầu. Trong khi nguồn kinh phí xã hội hóa và các tổ chức nước ngoài hoặc phi chính phủ rất hạn chế. 

Là cơ quan tham mưu và quản lý các vấn đề về đê điều, chúng tôi hiểu nguồn kinh phí hiện nay không đáp ứng được nhu cầu mà các địa phương dự toán hàng năm. Tuy nhiên, chúng ta cần khắc phục khó khăn và thắt chặt chi tiêu, để từng đồng vốn ngân sách sử dụng có hiệu quả.

Xin cảm ơn ông!

Đọc thêm