Khát vọng từ những vùng đất mang tên rồng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Rất nhiều địa danh nổi tiếng của nước ta gắn liền với tên rồng. Nào Thăng Long, Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, sông Cửu Long, Hoàng Long, núi Hàm Rồng, đảo Bạch Long Vĩ… Những tên sông, tên núi không chỉ thiêng liêng mà còn nhắc nhở mỗi “con Rồng cháu Tiên” về một khát vọng hùng cường, “vượt vũ môn hóa rồng”.
Hoàng thành Thăng Long - biểu tượng lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Vnexpress
Hoàng thành Thăng Long - biểu tượng lịch sử và văn hóa của Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Vnexpress

Vùng đất mang tên rồng xưa nhất nước ta có lẽ là đất Long Đỗ - Hà Nội ngày nay. Long Đỗ nghĩa là bụng rồng, rốn rồng. Sau này, nhận ra đây là nơi thắng địa, là chỗ tụ hội trọng yếu bốn phương. Vua Lý Công Uẩn đã ra chiếu dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Truyền thuyết kể rằng, khi thuyền của nhà vua vừa cập bến dưới thành thì thấy một con rồng vàng xuất hiện, lẩn khuất trong mây. Vì thế vua xuống chiếu đổi tên Đại La thành Thăng Long (nghĩa là rồng bay lên).

Việc đổi tên thành Thăng Long cho thấy dân tộc đủ lớn mạnh để lập đô ở nơi có thể đưa đất nước phát triển đi lên, trở thành một quốc gia độc lập, thịnh vượng, nhân dân được hưởng ấm no, hạnh phúc. Đồng thời đánh dấu son chói lọi cho sự phát triển rực rỡ kéo dài 216 năm của nhà Lý, của Kinh đô Thăng Long và quốc gia Đại Việt bấy giờ.

Truyền thuyết Vịnh Hạ Long kể rằng, ngay từ những ngày đầu lập nước, người Việt đã bị giặc ngoại xâm tấn công theo đường biển. Ngọc Hoàng liền sai rồng mẹ mang theo một đàn rồng con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Khi thuyền giặc chuẩn bị ồ ạt tiến vào bờ, đàn rồng lập tức phun ra vô số châu ngọc và thoắt biến thành muôn ngàn đảo đá trên biển làm đoàn thuyền giặc đâm vào các đảo đá vỡ tan tành. Nơi rồng mẹ đáp xuống là Hạ Long, nơi rồng con đáp xuống, cúi đầu chào mẹ chính là Bái Tử Long và nơi những chiếc đuôi quẫy mạnh được gọi là Bạch Long Vĩ.

Một góc Vịnh Hạ Long. Ảnh: Internet

Một góc Vịnh Hạ Long. Ảnh: Internet

Núi mượn tên rồng biểu trưng cho sự uy nghiêm. Núi Hàm Rồng ở Thanh Hóa với dáng đứng sừng sững bên bờ sông Mã. Trong thời kỳ kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược, địa danh Hàm Rồng đã đi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với chiến công bắn rơi 47 máy bay giặc Mỹ trong hai ngày 3 - 4/4/1965. “Thanh Hóa thắng địa là nơi/Rồng vờn hạt ngọc, Hạc bơi chân Thành”, khẳng định Hàm Rồng không chỉ có vị trí chiến lược trong chiến đấu mà còn là vùng đất địa linh, nơi hội tụ tinh hoa của đất trời với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ. Xa hơn về phía Nam, ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) có núi Long Cương, hình dáng núi tròn và đẹp đẽ như mày ngài nên còn gọi là Nga Mi Sơn. Thuở xưa Đào Duy Từ từng dựng nhà đọc sách ở trên núi để làm khúc Long cương vãn bày chí khí.

Trong văn hóa phương Đông, hình ảnh rồng gắn liền với nền văn minh lúa nước. Rồng được coi là linh vật thiêng canh giữ nguồn nước, nguồn sống của người dân. Có lẽ vì vậy mà ở đất Nam bộ, tên sông, tên bãi có chữ “Long” khá nhiều và đều là sông lớn, bãi to. Trên lãnh thổ Việt Nam, nhánh sông Hậu, sông Tiền đổ ra Biển Đông bằng chín dòng sông nhánh qua chín cửa, quanh co, uốn khúc như chín con rồng ôm chặt lấy mảnh đất phì nhiêu của đất nước. Trước cảnh sông nước hùng vĩ ấy, ông cha ta đã đặt sông là Cửu Long giang (sông chín rồng).

Sông Cửu Long là con sông mang lại phù sa bồi đắp cho vùng đồng bằng Tây Nam bộ, vì thế, vùng đất này còn gọi là Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là vựa lúa lớn nhất của cả nước. Sông ngòi là nguồn cung cấp thủy sản và cũng là mạng lưới giao thông quan trọng trong vùng.

Núi Rồng - Sông Mã - Cầu Hàm Rồng là biểu tượng tự hào của xứ Thanh. Ảnh: UBND tỉnh Thanh Hóa

Núi Rồng - Sông Mã - Cầu Hàm Rồng là biểu tượng tự hào của xứ Thanh. Ảnh: UBND tỉnh Thanh Hóa

Đất Bà Rịa - Vũng Tàu còn có tên “Cửu Long thập phước”, nhưng địa danh nổi tiếng và hấp dẫn hơn cả là bãi biển Long Hải, ngoài ra còn có các địa danh Long Sơn, Long Điền, Long Đất... Sông Đồng Nai có tên chữ là Phước Long chảy qua tỉnh Phước Long. Đồng Tháp có bãi lớn Long Sơn do sông Tiền bồi lên địa phận Tân Châu, Hồng Ngự. Xuống nữa có sông Long Phương chảy thông với sông Sa Đéc, đoạn chảy về Vĩnh Long, quanh co giữa những thôn xóm, bờ bãi trù phú nên gọi là Long Hồ.

Đặc biệt, đối với người Việt Nam, Bến Nhà Rồng (TP Hồ Chí Minh) là nơi chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành - Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị cha già của dân tộc ra đi tìm đường cứu nước. Và rồi ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng đã được kéo lên tại đây, đánh dấu chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến giành độc lập, thống nhất đất nước. Ngay sau ngày đất nước thống nhất, ngôi Nhà Rồng được giữ lại làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh theo Quyết định số 1315/QĐ-UB, ngày 9/7/1979 của UBND TP Hồ Chí Minh.

Trong suốt hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, các thế hệ người Việt truyền tụng rằng tổ tiên của chúng ta là dòng giống Tiên Rồng, vì thế mà hình ảnh rồng luôn gắn bó, hiện diện trong đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc Việt, trở thành biểu tượng của những phẩm chất cao đẹp, sức vươn lên mạnh mẽ và là niềm tự hào dân tộc của dòng giống Lạc Hồng.

Đọc thêm