Khẩu vị thuộc về ai?

(PLO) - Trong thế giới luật pháp và tư pháp, việc bảo vệ thương hiệu, trí tuệ công nghiệp, bản quyền phát minh sáng chế trải qua thời gian cho tới nay đã trở thành tất yếu. Một trong những tiền đề cần thiết là xác định rõ ràng và cụ thể đối tượng được bảo hộ, đương nhiên ở đây phải theo những tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện được nhất trí và công nhận chung. Cho nên chuyện kiện tụng ở Hà Lan về khẩu vị là chuyện xưa nay chưa thấy.

Chuyện này liên quan đến hai loại pho mát của xứ Hà Lan tên là Heksenkaas và Witte Wievenkaas. Heksenkaas xuất hiện trước trên thị trường và được người tiêu dùng xác nhận là “rất độc đáo”, thậm chí cả đến mức “độc đáo nhất” hay “đặc sắc duy nhất”. Nhưng rồi loại pho mát thứ hai xuất hiện trên thị trường và cũng được người tiêu dùng ưa chuộng, đánh giá tương tự.

Hãng Levola, chủ sở hữu của thương hiệu Heksenkaas, vì thế mới khởi kiện đối thủ cạnh tranh kia vi phạm quy định về bảo vệ sở hữu thương hiệu và bản quyền phát minh sáng chế, lập luận rằng hãng kia đã xâm hại nên mới có thể có được chất lượng tương tự.

Sản phẩm cụ thể khác nhau. Tên gọi cũng khác nhau cho dù cùng là pho mát. Người tiêu dùng cảm nhận khoái khẩu như nhau. Nhưng khẩu vị là cảm nhận thưởng thức của từng người chứ không phải là sản phẩm của nhà sản xuất nào đó. Nhà sản xuất làm ra sản phẩm và người tiêu dùng thẩm định nó có hợp với khẩu vị của mình hay không. Người bình thường chỉ với nhận thức bình thường thôi chắc sẽ cho rằng khẩu vị không thuộc về riêng ai. Việc hãng Levola nhận khẩu vị thuộc về mình không có gì là khó hiểu vì chỉ như thế mới có thể loại được đối thủ cạnh tranh kia ra khỏi thị trường.

Chuyện chỉ có vậy mà lên tới tận cấp xét xử cao nhất của châu Âu. Cấp này cũng cho rằng khẩu vị không phải là sản phẩm của sáng tạo mà chỉ là cảm nhận mà mỗi người có cảm nhận khác nhau nên không thể nói là ai đó cụ thể có bản quyền về khẩu vị. 

Đọc thêm