Khi AI chi phối công nghiệp văn hóa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc phát triển mạnh mẽ của trí tuệ nhân tạo (AI), trong đó có ChatGPT, Deepfake, Công nghiệp văn hóa đặt ra các vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng AI một cách có trách nhiệm…
Cho đến nay, chưa có bất kỳ quốc gia nào công nhận trí tuệ nhân tạo trực tiếp là tác giả của các tác phẩm. (Ảnh minh hoạ)
Cho đến nay, chưa có bất kỳ quốc gia nào công nhận trí tuệ nhân tạo trực tiếp là tác giả của các tác phẩm. (Ảnh minh hoạ)

AI sẽ đóng vai trò quan trọng với công nghiệp văn hóa

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục: “Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với đặc trưng bởi sự tiến bộ trong công nghệ như AI đã có tác động đáng kể đến văn hóa; đến quá trình hội nhập quốc tế về văn hóa, tìm hiểu các nền văn hoá đa dạng. Biến đổi các khía cạnh khác nhau của văn hóa, bao gồm âm nhạc, phim ảnh, văn học và các loại hình nghệ thuật khác; cho phép cá nhân hóa trải nghiệm văn hóa; thay đổi các hình thức kiểm duyệt truyền thống về văn hóa, như đối với lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh... khiến công chúng dễ dàng tiếp cận sản phẩm văn hóa, nghệ thuật…”.

Trong lĩnh vực Công nghiệp văn hóa (CNVH), AI được xem là công cụ hữu hiệu trong phân loại hình ảnh, tạo âm thanh hoặc văn bản, với hiệu suất tốt nhất. Theo đó, tác động của AI trong ngành CNVH trong nhiều loại hình như hội họa, kiến trúc, âm nhạc, điện ảnh, khiêu vũ và nghệ thuật biểu diễn. Sự thay đổi từ AI đến các sản phẩm văn hóa có tác động rất lớn trong đời sống văn hóa của người dân, từ quá trình sáng tạo, phát triển, phân phối, tiêu thụ và tiêu dùng sản phẩm văn hóa. Ở lĩnh vực mỹ thuật, công chúng cũng dần quen với việc xem triển lãm mỹ thuật thông qua ứng dụng “Thuyết minh đa phương tiện” đã được ứng dụng tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đây là ứng dụng đa phương tiện (audio, text, ảnh chất lượng cao) trợ giúp người dùng tham quan trực tuyến hoặc trực tiếp tại bảo tàng. Ứng dụng có những tính năng vượt trội như cho phép xem hình ảnh chất lượng cao của tác phẩm; đọc nội dung bài giới thiệu; xác định chính xác vị trí trưng bày hiện vật; xem sơ đồ hệ thống trưng bày; phân biệt các phòng đã, đang và chưa tham quan bằng màu sắc...

Trong xu thế phát triển của kỷ nguyên 4.0, ngành CNVH ngày càng chịu sự tác động của AI. Sự sáng tạo sản phẩm văn hóa từ AI đã phá vỡ phương thức thiết kế và sản xuất của các sản phẩm văn hóa có tính truyền thống từ góc độ thị trường, trở thành chìa khóa để nâng cao lợi ích kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh của các sản phẩm văn hóa truyền thống. Tháng 8/2023, Công ty Meta (công ty mẹ của mạng xã hội Facebook) đã cho ra mắt một công cụ hoạt động dựa trên AI có tên AudioCraft hỗ trợ người dùng tạo ra các bản nhạc hoặc âm thanh chỉ từ các yêu cầu bằng văn bản. Trước đó, Công ty Google cũng giới thiệu công cụ AI có khả năng tạo ra âm thanh mang tên MusicLM... Open AI - một công ty phát triển Chat GPT ở Mỹ cũng tạo ra Jukebox có thể sáng tác âm nhạc nhờ học từ hàng triệu bài nhạc thô.

Có thể nhận thấy, công nghệ AI đã có bước “cách mạng hóa” quy trình sản xuất trên nhiều ngành công nghiệp khác nhau, trong đó có CNVH thông qua nâng cao năng suất, hiệu quả và tính linh hoạt bằng các thuật toán máy tính. Ở góc độ tích cực, AI đóng vai trò như một chất xúc tác văn hóa và giúp hệ thống hóa các dữ liệu và nâng cao hiệu quả, chất lượng của các sản phẩm cũng như tăng cường khả năng sáng tạo của con người trong các lĩnh vực như truyền thông, tạo nội dung, sản phẩm có tính hàng loạt…

Như trong điện ảnh, AI có thể làm nhiệm vụ lồng tiếng khi chỉ cần một đoạn ghi âm giọng nói của diễn viên, phần mềm có thể tạo ra các câu thoại y hệt với bất kỳ nội dung nào được nhập vào, giúp việc hợp lý hóa, tiết kiệm thời gian, tối ưu hóa hoạt động khi loại bỏ những tác vụ lặp đi lặp lại. Điều này sẽ mang lại lợi ích cho mọi người bằng cách cho phép họ làm được nhiều việc hơn, được tập trung vào công việc đòi hỏi sự sáng tạo và cảm xúc.

Đồng thời, AI cũng giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn bằng cách cung cấp, phân tích dữ liệu chính xác và kịp thời theo cách sử dụng các hướng dẫn bằng ngôn ngữ đơn giản mà không cần được đào tạo chuyên môn sâu. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, ở Anh AI cũng được sử dụng kết hợp tạo ra các nghệ sĩ ảo trình diễn tạo ra màn song ca đầy mê hoặc, xóa nhòa ranh giới giữa con người và máy móc. Các biên đạo múa cũng sử dụng thuật toán Al để tạo ra các kiểu chuyển động mới và sáng tạo cho các vũ công của họ thách thức các quan niệm truyền thống về khiêu vũ.

Chính vì thế, việc lựa chọn các sản phẩm văn hóa từ AI sẽ ảnh hưởng đến thói quen, hành vi tiêu dùng, thị hiếu thẩm mỹ… của công chúng và về lâu dài cũng ảnh hưởng đến việc xây dựng các chính sách tương ứng và việc thực hiện việc ra quyết định liên quan của cơ quan quản lý văn hóa…

Cần có trách nhiệm về đạo đức, pháp lý

Meta phát triển mô hình AI đua với ChatGPT. (Ảnh: FB).

Meta phát triển mô hình AI đua với ChatGPT. (Ảnh: FB).

Tuy nhiên, AI cũng có những bất lợi như việc đầu tư phát triển, thực hiện tốn kém. Các sản phẩm văn hóa được làm từ AI thiếu cảm xúc và sự sáng tạo. AI cũng không thể sản xuất các chương trình truyền hình, phim điện ảnh gần với những gì khán giả mong đợi và có thể không bao giờ là sự thay thế để thỏa mãn nhu cầu thực sự của con người bởi việc sử dụng dữ liệu đã được sáng tạo sẽ khó có thể tạo ra những tác phẩm khiến khán giả rung động.

Do đó, khi AI tham gia quá trình tạo nên sản phẩm mỹ thuật thì không chỉ đơn thuần là chỉ là “lắp ghép” dữ liệu đã có để tạo nên một sản phẩm theo yêu cầu. AI tái lập nên một sản phẩm mà ở đó hội tụ hình ảnh đúng ý đồ những gì bạn đang yêu cầu từ màu sắc, hình dạng, tỷ lệ, kết cấu, bề mặt chất liệu… Hay có thể hiểu đây là một sản phẩm hoàn toàn mới và rất khó có thể phân giải xem các dữ liệu gốc tạo nên sản phẩm này được lấy từ đâu, ngay kể cả với người sử dụng phần mềm trên nền tảng AI. Bởi vậy, việc phân định quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm do AI tạo nên sẽ là một thách thức.

Như vậy, trước xu thế vận động chung của thời đại, việc kiểm soát AI theo hướng có lợi cho ngành CNVH ở Việt Nam sẽ là một thách thức bởi tốc độ phát triển AI nhanh chóng, trong khi luật pháp, quy định liên quan chỉ được xây dựng từ thực tiễn triển khai và thường đi sau. Tuy nhiên, điều quan trọng trong công tác quản lý văn hóa phải bảo đảm các sản phẩm văn hóa được tạo nên từ AI phù hợp với nền tảng chuẩn mực của xã hội. Theo đó, nếu không bắt đầu ngay từ hôm nay sẽ rất khó để kiểm soát và hạn chế hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn từ các sản phẩm văn hóa được tạo nên từ AI.

Tại Tọa đàm “Trí tuệ nhân tạo với khoa học xã hội nhân văn, xu hướng và cách tiếp cận” đề cập vai trò của AI trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, TS. Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Bộ Khoa học và Công nghệ rất quan tâm đến vấn đề đạo đức, pháp lý liên quan đến AI, trong đó có việc tích hợp các kết quả nghiên cứu của khoa học xã hội vào phát triển và xây dựng các hệ thống AI của ngành tâm lý học như cảm xúc, tính cách, ngôn ngữ... bao gồm có ảnh, video, tác phẩm nghệ thuật. Về xây dựng quy chuẩn đạo đức, pháp lý trong nghiên cứu và ứng dụng AI trong đời sống xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với các đối tác nước ngoài có các hợp phần xây dựng, phát triển sử dụng AI một cách có trách nhiệm.

Theo Ủy viên chuyên trách Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Hoàng Hải thì “Thách thức nổi lên như tính đúng - sai của thông tin vì các ứng dụng trí tuệ nhân tạo tạo sinh cần khối lượng lớn dữ liệu để tìm hiểu và tạo ra nội dung mới, nếu dữ liệu được sử dụng để đào tạo cho hệ thống bị sai lệch hoặc không đầy đủ thì thông tin do hệ thống tạo ra có thể không chính xác, thiếu trung thực, gây hiểu lầm”. Hệ thống được huấn luyện bởi con người nên có thể nhiễm ý kiến chủ quan của con người, vì vậy, vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng khi nội dung liên quan đến văn hóa, lịch sử, địa lý, chính trị của các quốc gia, cộng đồng, dân tộc bị lợi dụng để gây bất lợi nào đó.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, ngay ở những nơi khai sinh và hồ hởi đón nhận AI đã và đang đặt ra những vấn đề đạo đức và pháp luật cho sự phát triển của nó. Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, sự phát triển mạnh mẽ của AI, trong đó có ChatGPT, Deepfake… đặt ra các vấn đề đạo đức và pháp lý liên quan đến ứng dụng AI một cách có trách nhiệm.

Và cuộc đấu tranh lợi dụng AI trên lĩnh vực văn hoá, tư tưởng trong kỷ nguyên số hóa, toàn cầu hóa, cạnh tranh phát triển sẽ diễn ra quyết liệt, phức tạp, đòi hỏi tiếp tục nâng tầm trí tuệ Việt Nam.

Việt Nam có thể làm sàn thương mại điện tử giúp hình thành thị trường văn hoá số; xây dựng môi trường văn hóa số và không gian số giúp văn hóa thích nghi trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Trong khi hành lang pháp lý chung cho ứng dụng AI trên toàn thế giới đang bị chậm hơn sự phát triển theo chiều thẳng đứng của công nghệ thì chúng ta càng phải quan tâm lĩnh vực này. Trí tuệ nhân tạo, trí tuệ Việt Nam phải có nhiều sáng tạo, nhiều ứng dụng mạnh mẽ giúp người Việt Nam nắm bắt sâu rộng và phát huy bản sắc văn hóa Việt.

Tại Hội thảo “80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển”, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi - đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả và cũng là cách chủ động dẫn dắt bảo vệ an ninh văn hóa. Khi trí tuệ thông minh, trí tuệ Việt tham gia nền tảng công nghệ mới bằng các sản phẩm công nghệ cao thì cũng chính là tiến một bước tới sự bình đẳng trong hưởng thụ, đấu tranh bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc.

Đọc thêm