Khi bao nhiêu tuổi, bạn được định đoạt tài sản riêng?

(PLO) - Bố chồng để lại di chúc cho con trai tôi (mới 15 tuổi) thừa kế gia sản lớn và muốn cháu tự quản lý. Theo luật, con tôi có quyền chưa hay phải nhờ bố mẹ?

Về quyền thừa kế, theo Điều 609 và Điều 610 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân có quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật; mọi cá nhân đều bình đẳng về quyền quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Do vậy, theo Điều 613 Bộ luật Dân sự, con anh/chị vẫn được quyền hưởng thừa kế theo quy định và sẽ có quyền sở hữu đối với tài sản được thừa kế theo quy định của pháp luật.

Theo khoản 3 Điều 21 Bộ luật này, người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ 15 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

Theo khoản 4 Điều 21 Bộ luật Dân sự, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.

Như vậy, tùy theo loại tài sản thừa kế và giao dịch dân sự mà con của anh/chị sẽ có quyền quản lý và tự định đoạt đối với tài sản thừa kế hoặc phải có sự đồng ý của người đại diện hợp pháp (theo khoản 1 Điều 136 Bộ luật Dân sự, cha mẹ là đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên).

Tuy nhiên, trong trường hợp này, do con của anh/chị chưa thành niên nên các đồng thừa kế có thể thỏa thuận để cử ra người quản lý di sản đối với phần di sản được thừa kế của con anh/ chị.

Đọc thêm