Sự thật chát đắng mà biệt kích ngụy muốn lãng quên

(PLO) -Vào năm 1972,  SOG “hoàn thành nhiệm vụ”, chính thức bị giải thể, chấm dứt hoạt động ngầm chống phá miền Bắc. Mãi năm 1990, những thông tin “thâm cung bí sử” của SOG mới phần nào được giải mã.
 
Hình minh họa
Hình minh họa

Phải đến 1996, Tổng thống Mỹ Clinton ký đạo luật duyệt chi 20 triệu đô la, bồi thường cho lực lượng biệt kích Việt Nam Cộng hòa. Đây là những thông tin chát đắng mà người Mỹ và biệt kích ngụy muốn quên đi.

SOG - “đứa trẻ mồ côi”

Trong suốt thời gian hoạt động, SOG và CIA tung ra miền Bắc xấp xỉ 500 gián điệp, biệt kích để hình thành mạng lưới, nhưng Hà Nội bắt gọn từng người một và sử dụng một số để đánh lại trong nhiều năm. 

Theo thống kê chưa đầy đủ, ước tính SOG mất 300 người, trong đó một phần tư là mất tích ở các điệp vụ. Tại thời kỳ có quy mô lớn nhất, ba đơn vị phối thuộc của OP35 có tổng số 110 sĩ quan và 615 lính nghĩa vụ. Mỗi đơn vị phối thuộc có 30 toán thám báo và thực hiện 96% tổng số điệp vụ chống đường mòn Hồ Chí Minh.

Mỗi toán thám báo có ba nhân viên Mỹ và tại bất kỳ năm nào trong giai đoạn 1966 đến cuối năm 1971 có khoảng 270 nhân viên chỉ huy thám báo, ít nhất là trên sổ sách. Trên thực tế, vì tỷ lệ thương vong cao, SOG không bao giờ có đủ biên chế. Ví dụ, trong giai đoạn 1968-1969 chỉ có không đầy một nửa số toán là còn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. 

Giữa tháng Một và tháng Tư năm 1973, Hà Nội trao trả 591 tù binh Mỹ bị giam giữ ở miền Bắc mà không có một nhân viên SOG nào trong số đó. Dư luận nghi ngờ là, ngoài số đã chết, có khoảng 20 người bị bắt giữ khi giao tranh với bộ đội miền Bắc, trong đó rất nhiều người đã tử vong. Những con số này khiến Hoa Kỳ muốn quên đi thất bại ở Việt Nam.

Điều này đặc biệt đúng với quân đội Hoa Kỳ đang bị rệu rã trong những năm 1970. Giới quân sự không chỉ muốn quên đi Việt Nam mà còn muốn tẩy rửa càng nhiều càng tốt mọi tàn tích của chiến tranh đặc biệt mà Tổng thống Kenedy để lại. Vì vậy, các đơn vị lực lượng đặc biệt bị suy yếu dần. Từ đỉnh cao 10.000 người, quy mô giảm xuống còn 3.600 vào giữa thập kỷ 1970. Mặc dù vào cuối thập kỷ, lực lượng đặc biệt được tăng lên ba nhóm, mỗi nhóm 1.400 người, các vấn đề nghiêm trọng vẫn tồn tại.

SOG đưa ra thông tin tổng kết: Khi SOG được thành lập tháng Giêng năm 1964, họ tưởng sẽ nhận được sự hỗ trợ đầy đủ của CIA vì Chỉ thị 57 của Hội đồng an ninh quốc gia đã quy định CIA hỗ trợ hoạt động quân sự gầm quy mô lớn chống Hà Nội.

Thế nhưng, xét cho cùng, dù cố gắng đến đâu, các lãnh đạo của SOG đều có chung nhận xét rằng, họ chỉ đóng vai trò thứ yếu trong hoạt động ngầm chống miền Bắc Việt Nam. Bằng chứng là, CIA từ chối không trợ giúp một cách đầy đủ, thậm chí còn tìm cách giảm thiểu sự dính líu với hoạt động của SOG. CIA coi SOG là kẻ thọc mũi vào việc của người khác và cần phải bị tẩy chay. Cho nên, những người trong cuộc gọi SOG là “đứa trẻ mồ côi”. 

Một nguyên nhân dẫn đến những thất bại của SOG trong chống phá miền Bắc Việt Nam là không liên kết chặt chẽ với Chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng hòa. Tài liệu của SOG đưa ra một số lý do rút kinh nghiệm chủ yếu là, trong thực hiện nhiệm vụ chống phá miền Bắc Việt Nam, SOG đã không thiết lập được mối quan hệ công tác vững chắc với chính phủ Nam Việt Nam bởi sợ đối tác bị tình báo đối phương xâm nhập.

Chính vì vậy mà khi hành động, SOG đã gạt Tổng nha kỹ thuật chiến lược ra một bên theo hướng giảm càng nhiều dính líu càng tốt. Do đó SOG không thể khai thác được năng lực và kiến thức tại chỗ cần thiết cho hoạt động chống lại miền Bắc. 

Ngoài nguyên nhân này, SOG còn chỉ rõ sự thất bại là do Washington không đồng ý cho SOG gây mất ổn định hoặc lật đổ Chính phủ Hà Nội vì cho rằng việc đó quá rủi ro về chính trị. Sau này, các chỉ huy của SOG ảo tưởng, nếu như được phép gây dựng một phong trào chống đối hoặc hoạt động du kích nhằm các mục tiêu trên, kết quả có thể đã khác đi. 

Cái kết đắng

Ở thời điểm sau khi SOG giải tán, quân đội Mỹ có hiện tượng thiếu hụt lớn về nhân viên làm nhiệm vụ đặc biệt. Việc thu hút được người và giữ họ ở lại lực lượng đặc biệt thêm hai ba niên hạn ngày càng khó khăn hơn. Vào cuối những năm 1970, những nhân viên nghĩa vụ được thay bằng những người dưới một hai cấp so với quy định nắm giữ.

Trình độ kỹ năng và đào tạo dưới mức yêu cầu; thiết bị, hậu cần, và việc chỉ huy kiểm soát cũng ở trong tình hình tồi tệ như vậy. Giới tướng lĩnh quân sự còn trả thù bằng những cách khác nữa. Các trường, học viện quân sự phớt lờ hoạt động chiến tranh đặc biệt và không một học thuyết mới nào được đưa ra để thực hiện các cuộc xung đột ở cường độ thấp. 

Vì vậy, những con người chỉ huy SOG và các bộ phận nghiệp vụ phải tự vượt qua khó khăn một cách nhọc nhằn. Không ai trong số lãnh đạo Lầu Năm Góc quan tâm đến sự hiểu biết về chiến tranh đặc biệt của họ. Một số nhân viên của SOG tiếp tục có những thành tựu to lớn trong quân đội chính thống và lĩnh vực dân sự. Số khác kết thúc đời binh nghiệp và lặng lẽ chuyển sang nghề nghiệp dân sự. 

Hình minh họa
Hình minh họa

Nhiều nhà quan sát và chuyên gia quân sự cho rằng, những thành công của SOG chưa được đánh giá đúng mức vì SOG không chú ý đầy đủ đến việc đánh giá tác động mà các hoạt động của mình tạo ra. Cách đánh giá duy nhất của SOG là đếm số lượng điệp vụ đã được thực hiện.

Sự thiếu chú ý vào vấn đề này là điều không ngạc nhiên vì SOG được thành lập từ những nhân viên có ít hiểu biết về biện pháp và tiêu chí đánh giá. Nhưng về lâu dài, việc không đánh giá được tác động của hoạt động sẽ phải trả giá đắt. Hậu quả là, những người làm nhiệm vụ đặc biệt đã bị bỏ rơi, trong đó đắng lòng nhất là số phận của các biệt kích Việt Nam Cộng hòa.

Xin dẫn chứng một số tình tiết về lời kể của các biệt kích bị bắt trong lần xâm nhập, phá hoại miền Bắc Việt Nam để chứng minh. Tháng 4/1973, các tù binh Hoa Kỳ bị giam giữ ở Hà Nội được chuyển giao cho đại diện Hoa Kỳ và đưa sang căn cứ không quân Clark ở Philippines. Tại đây, các tù binh Hoa Kỳ được khám sức khoẻ, kiểm tra “an ninh”.

Mỹ cử một thiếu tá lục quân đưa một số người đại diện các cơ quan dân chính (của Hoa Kỳ) từ Sài Gòn bay qua Philippines để nắm thông tin. Nhưng tại đây, đại diện cho cơ quan an ninh quốc phòng (DIA) chỉ quan tâm đến số phận của các tù binh Mỹ. Họ không có hồ sơ nào về các biệt kích quân Việt Nam ký giao kèo làm việc cho đơn vị MAVC và SOG. Theo Trung tá Trowbridge, các biệt kích quân đã chết, và nếu họ vẫn còn sống thì chính quyền Việt Nam Cộng hòa phải lo cho họ, chứ không phải chính quyền Hoa Kỳ.

Trong số những tù binh được trao trả cho Mỹ theo Hiệp định Paris có các biệt kích từng đột nhập phá hoại miền Bắc và bị bắt. Điển hình là Hoa Kỳ đã can thiệp để Nguyễn Quốc Đạt, phi công Không quân Việt Nam Cộng hòa; Phan Thanh Vân, phi công lái C-47 chở biệt kích MACV-SOG bị bắn rơi ở Ninh Bình ngày 1/7/1961 và Nguyễn Văn Chiến, thông ngôn trong toán biệt kích. Đáng chú ý, khi được tin Nguyễn Văn Chiến đòi SOG trả tiền lương kể từ ngày bị bắt, thì người Hoa Kỳ đã rất bực tức.

Theo thống kê từ năm 1968, phần lớn trong số khoảng 500 biệt kích được tung ra miền Bắc đã bị chết, chỉ còn lại một số ít sống sót trong nhà tù và được Hà Nội sử dụng để đánh lại SOG. Những con người này bị gạch tên vì được coi là mất tích tại hậu phương của đối phương, vào lúc ký Hiệp định Paris tháng Giêng năm 1973, các nhà đàm phán Hoa Kỳ không hề đả động gì đến họ.

Vào cuối những năm 1970, Hà Nội bắt đầu trả tự do dần cho số biệt kích bị bắt, có người bị bắt từ những năm 1961-1962. Vào cuối những năm 1980, đại đa số đã trở về với gia đình ở miền Nam. Vào những năm 1990, họ được phép rời Việt Nam; khoảng 150 người đã sang Mỹ tạo lập cuộc sống mới. 

Năm 1995, những cựu chiến binh của cuộc chiến tranh bí mật của Hoa Kỳ gửi đơn kiện lên Toà án Liên bang ở Washington đòi tiền bồi thường, trả truy lĩnh theo hợp đồng với họ. Chính phủ liên bang quyết định theo đuổi vụ kiện. Các luật sư của Lầu Năm Góc lập luận là Mỹ không có trách nhiệm hợp đồng với họ: Họ ký hợp đồng với đối tác Nam Việt Nam - Tổng nha kỹ thuật chiến lược.

Điều này cho thấy, mặc dù đúng về mặt kỹ thuật, lập luận trên là vô đạo đức và trở thành một sự đáng xấu hổ về chính trị. Để gỡ vấn đề này, năm 1996, Tổng thống Clinton ký đạo luật duyệt chi 20 triệu đô la bồi thường, khoảng 40.000 đô la một người. Tuy nhiên cựu chiến binh biệt kích vẫn không được tiếp cận với phúc lợi y tế; năm 1998, họ tiếp tục kiện đòi được hưởng phúc lợi này. 

Có thể nói, những thông tin trên đây là cái kết đắng cho một chương trình chiến tranh ngoại lệ đặc biệt vô cùng tốn kém mà Nhà Trắng đã chỉ đạo quân đội thực hiện ở miền Nam Việt Nam … 

Đọc thêm