Làm xe ôm, bảo vệ… các cử nhân không dám gặp người quen
Cách đây gần chục năm (năm 2011), câu chuyện về một nữ cử nhân sở hữu hai tấm bằng đỏ phải đi bán trà đá để sống qua ngày đã làm nổi lên những cuộc tranh luận sôi sục trên các diễn đàn mạng. Nữ cử nhân này là Ngô Thị Phương T (23 tuổi) quê Thái Nguyên, cựu sinh viên của Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Không xin được việc làm, T đã phải mưu sinh bằng nghề bán trà đá bên lề đường Nguyễn Khang, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Gần chục năm sau, câu chuyện “chất xám văng lề đường” vẫn là vấn đề thời sự, thậm chí “chất xám lăn lộn vỉa hè” còn đông đảo hơn với công việc phong phú hơn như: chạy xe ôm, ship hàng, bán rau, bánh bánh mì rong, bảo vệ…
Trên đường phố, không ít những cử nhân, thậm chí cả thạc sĩ chạy xe ôm, ship hàng, bảo vệ. Nuốt nỗi buồn, Trần Trọng M, trong trang phục bảo vệ, 26 tuổi (Hưng Yên) tâm sự về nghề “Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, M xin việc một vài nơi. Là “lính mới”, công ty nơi M làm thử việc không lương với M bằng cách giao việc sáng pha trà, lau chùi bàn ghế, phòng làm việc, chiều rửa ấm chén lại vệ sinh phòng một lần nữa.
Thời gian còn lại, M làm chân sai vặt, mang giấy tờ từ phòng nọ sang phòng kia. Suốt 2-3 tháng thử việc, M không được giao việc gì đúng chuyên môn mà lương lại không có. M chán nản nghỉ việc. Một thời gian sau, M tiếp tục xin vào công ty bất động sản làm “chân” bán hàng với lương cơ bản là 2 triệu đồng cộng hoa hồng bán nhà.
Suốt 2 -3 tháng gặp gỡ các khách hàng mà không có giao dịch nào thành công trong khi phải bỏ ra chi phí cafe mời khách, M đành buông việc. Đang chán chường, một cậu bạn cùng trường đại học rủ đi làm bảo vệ mức lương 5 triệu đồng/ tháng. Ban đầu, M nghĩ chỉ làm một vài tháng rồi tiếp tục xin việc. Nhưng thời gian trì hoãn càng dài thì cơ hội càng khó.
M tặc lưỡi gắn bó với công việc này. Hiện nay, M có “thâm niên” 3 năm làm bảo vệ. Nhưng tuyệt nhiên, M giấu bố mẹ về công việc của mình. M nói dối mình làm vẫn làm ở công ty bất động sản ở Hà Nội khiến cho bố mẹ ở quê nhà hãnh diện, đi khoe khắp làng xóm.
M sợ nhất là gặp người quen. Có lần có người quen trong làng tới công ty giao dịch, M phải tránh chui lủi để họ không nhìn thấy. Thỉnh thoảng giở tấm bằng đỏ trên tay, M không khỏi xót xa.
Đại biểu Quốc hội Bùi Sĩ Lợi chia sẻ: “Năm 2017 có 200.000 cử nhân thất nghiệp, cũng có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe công nghệ”.
Số còn lại không ít người giấu bằng cấp, xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp. Nguyễn Thủy H (Hà Nam) 26 tuổi, tốt nghiệp loại khá Trường Sư phạm. Tốt nghiệp, H hăm hở mang hồ sơ xin việc thì nhận được câu trả lời đã đủ biên chế, hợp đồng. Có nhiều nơi nhận hồ sơ bảo đợi gọi đi làm. H thất vọng vì không có đơn vị nào gọi thông báo dù đã nhiều tháng trôi qua.
Chờ đợi mãi mà tiền trọ và tiền ăn cạn kiệt, không thể để cho bố mẹ chu cấp khi ra trường, trong khi bố mẹ đã “oằn lưng” vay mượn 50 triệu đồng lo cho việc ăn học của H trên Hà Nội nên H xin bố mẹ cho đi làm công nhân trong lúc đợi việc. Và tới nay, H đã làm công nhân 2 năm với mức lương 5-6 triệu/tháng.
H nhớ như in ngày đầu vào làm công nhân. H không ngờ gặp phải người bạn nam, lớp 10 nghỉ học đi làm công nhân. Người bạn nam ấy bây giờ làm trưởng nhóm với mức lương 12 triệu. Nhìn thấy H vào làm công nhân, người bạn ấy không khỏi sửng sốt buông câu hỏi: “Khi cậu vào học đại học, lớp mình ai cùng mừng. Sao bây giờ cậu lại vào làm công nhân?”. Câu hỏi đó khiến H chực trào nước mắt.
Bức tâm thư của Đồng Thị Ngân - cựu thủ khoa đầu ra của Đại học Thương mại chia sẻ hành trình gian nan đi tìm việc gây xôn xao dư luận. Với tấm bằng đỏ trên tay, tưởng rằng công việc sẽ thênh thang sau khi ra trường nhưng mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Cựu thủ khoa này chia sẻ: “Tôi đã nộp hồ sơ rất nhiều nơi, cả đi nộp trực tiếp lẫn trực tuyến nhưng rất ít nơi gọi tôi đi phỏng vấn. Sau khi được 2 công ty gọi đi phỏng vấn nhưng tôi vẫn không được việc làm, tôi có gửi mail lại hỏi họ lý do để có thể trau dồi và sẽ rút kinh nghiệm cho các cuộc phỏng vấn sau. Họ có mail lại trả lời: Họ yêu cầu tôi phải có kinh nghiệm và họ cho rằng nếu tôi có làm ở đây cũng chỉ là tạm thời.
Vì Nhà nước đã có những chính sách đãi ngộ riêng với những đối tượng như tôi nên khi có cơ hội tôi sẽ đi luôn mà không gắn bó lâu dài với công ty họ. Họ nói vậy nhưng thú thực, cho tới bây giờ, đã 3 năm trôi qua tôi chưa hề nhận được bất kỳ đãi ngộ nào”.
Cuối cùng, nữ thủ khoa ấy đành làm tạm những công việc phổ thông để trang trải cuộc sống và hấu hết là những công việc không đúng chuyên ngành được học.
Gần hai năm về trước, dư luận cả nước đã có một dịp xôn xao về thủ khoa sư phạm đầu ra Bùi Thị Hà (Hà Giang) sau khi ra trường đã về quê… chăn lợn.
Thủ khoa sư phạm đầu ra Bùi Thị Hà (Hà Giang) sau khi ra trường đã về quê… chăn lợn. |
Lúc bấy giờ, em thủ khoa này đã viết tâm thư cho Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh để mong muốn có việc làm đúng với chuyên môn mà mình được đào tạo. Nhưng mọi sự cố gắng của em Bùi Thị Hà đã không thành hiện thực. Em về nhà trồng rau, bán rau quả và chăn lợn để phụ giúp gia đình.
Thạc sĩ cũng ngậm ngùi “mài mặt” trên đường
Câu chuyện thạc sĩ làm xe ôm khiến nhiều người ngỡ ngàng, chua xót. Phạm Quốc Thái tốt nghiệp loại giỏi tại ĐH Arizona, về nước làm việc ở Ban quản lý An toàn Thực phẩm TP. HCM với mức lương 2,8 triệu đồng, buộc anh phải chạy thêm xe ôm Grab để duy trì cuộc sống.
Anh Thái khóc dở, mếu dở khi chia sẻ: “Công việc xe ôm tôi đang làm là lao động phổ thông mà một người trình độ lớp 9 cũng có thể làm được. Điều tôi bức xúc đó là việc tôi học về kỹ thuật xây dựng công trình nhưng lại phân về quản lý thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thịt heo, một lĩnh vực mà tôi không hề có kiến thức gì cả”.
Theo số liệu của trang Wikipedia tiếng Việt, 70% du học sinh Việt Nam không trở về nước sau khi có bằng tốt nghiệp. Việt Nam được đánh giá là một trong những nước “chảy máu chất xám” lớn nhất trên thế giới.
Còn 30% những nhân tài về nước thì có bao nhiêu người được xếp việc đúng chuyên ngành đào tạo, bao nhiêu người bỏ việc ở các cơ quan nhà nước ra làm ngoài? Những người như anh Thái chắc chắn rằng bỏ việc ngay lập tức khi hết thời hạn hợp đồng như cam kết trong lúc nhận học bổng.
Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) cho rằng: “Đó là sự lãng phí rất lớn tiền của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, nhưng sự lãng phí thời gian và thui chột tài năng của biết bao nhân tài còn lớn hơn. Tuổi trẻ là tuổi của học tập, sáng tạo và cống hiến, nhưng biết bao người đang phải tiêu hao mòn mỏi tuổi thanh xuân của mình để làm những việc của người học cấp 1, cấp 2 cũng làm được.
Đến khi họ không làm việc phổ thông thì sức lực giảm sút, nhiệt huyết tiêu tan, ý chí hao mòn, liệu còn đủ tâm huyết và nghị lực để lại bắt đầu một sự khởi đầu mới hay không? Chỉ cần một năm không sử dụng kiến thức là sẽ có lỗ hổng lớn, sau này muốn đi làm cũng sẽ khó hòa nhập và nhà tuyển dụng cũng không chấp nhận”.
Hình minh họa. |
Có ý kiến cho rằng, trường cao đẳng, đại học mở ra ở khắp nơi, điều này có nghĩa mở ra nhiều lựa chọn cho các thí sinh. Nhưng cũng giống như đi vào trong một khu chợ, đứng trước bao nhiêu mặt hàng, bạn chỉ nên chọn thứ nào phù hợp với mình và hãy là người tiêu dùng thông thái. Chọn trường, chọn nghề cũng vậy. Nếu thấy khả năng của mình không học cao, học rộng được thì nên dừng, đừng “cố đấm ăn xôi” chỉ “béo” mấy ông mở ra trường lớp.
Ông Đinh Đoàn, Công ty TNHH tư vấn tâm lý, đào tạo phát triển Cá nhân & Cộng đồng nhận định: “Với phương châm: “Học để biết, học để biết làm, học để chung sống, học để tự khẳng định bản thân”, thì những “nhân tài” có “chất xám” hãy kiểm lại xem vốn liếng, hành trang của mình đã có những gì?
Học đại học, thạc sĩ, có bằng giỏi, bằng đỏ mà tưởng mình đã là “siêu sao”, là “nhân tài”, là “chất xám” thì các bạn đã thiếu kỹ năng nhận thức và quản lý bản thân, nói thẳng là các bạn chưa biết mình là ai. Thú thật, mấy năm học đại học, với chương trình đào tạo còn tụt hậu như hiện nay, chỉ nên coi đó là học để chờ lớn, học để xóa mù chữ thôi.
Nhiều bạn học xong, những kiến thức cơ bản, kỹ năng đơn giản của nghề cũng không biết, dù thi đạt điểm cao. Đa số những người tuyển dụng khi nhận cử nhân, thạc sĩ ra trường đều phải đào tạo lại mới sử dụng được…”.