“Chảy máu” chất xám – lỗi từ chính sách thu hút nhân tài?

(PLVN) - Hiện nay, không khó để thấy trong đội ngũ xe ôm công nghệ có rất nhiều sinh viên ra trường mà không có cơ hội làm đúng ngành nghề. 
Không ít sinh viên ra trường gác bằng chạy xe ôm công nghệ. Ảnh minh họa
Không ít sinh viên ra trường gác bằng chạy xe ôm công nghệ. Ảnh minh họa

Tạm cất tấm bằng cử nhân, học lại nghề, nhận lương theo công việc phổ thông vẫn đang là một tình trạng phổ biến của nhiều sinh viên sau khi ra trường.  Còn nhớ, VTV đã từng đề cập đến câu chuyện một kỹ sư và một thạc sĩ kinh tế “gác” bằng để chạy xe ôm công nghệ đã thu hút sự chú ý của dư luận.

Chàng kỹ sư trẻ tuổi cho hay, anh tốt nghiệp đại học đã 2 năm nhưng không tìm được việc làm ưng ý nên chạy xe ôm công nghệ mưu sinh. Mỗi tháng, anh kiếm được 8 triệu đồng trong khi không nhất thiết phải làm toàn thời gian trong ngày. Còn thạc sĩ kinh tế thì chia sẻ, anh vẫn làm công việc chuyên ngành tại công ty nhưng ngoài giờ chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập, nuôi sống bản thân và gia đình. 

Trước hai câu chuyện này, có hai luồng ý kiến trái chiều, một bên cho rằng, đó là công việc chính đáng, là giải pháp mưu sinh hiệu quả của những người chưa tìm được việc như mong muốn. Một bên lại cho rằng như vậy là lãng phí chất xám và suy nghĩ ngắn hạn.

Không chỉ với người tốt nghiệp trong nước mà nhiều du học sinh từ nước ngoài trở về cũng ôm thất vọng: Anh Phạm Quốc Thái, kỹ sư tài năng ngành Kỹ thuật xây dựng của Trường ĐH Bách khoa TP HCM từng làm cho một công ty của Mỹ với mức lương 12 triệu đồng/tháng.

Sau đó, anh nhận được học bổng chương trình thạc sĩ tại ĐH Arizona (Mỹ). Học xong, anh về nước và được phân công về Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP HCM. Công việc hàng ngày của anh chỉ cần trình độ tốt nghiệp THCS là có thể hoàn thành tốt: nhận tờ khai của doanh nghiệp thực phẩm nộp vào, kiểm tra việc điền thông tin về truy xuất nguồn gốc có khớp không, nếu không khớp sẽ hướng dẫn điền cho đúng.

Với mức lương gần 2,8 triệu đồng/tháng, để bám trụ ở TP HCM, ngoài việc dè sẻn chi tiêu, anh phải xin tiền nhà, cuối tuần làm thêm ở Tây Ninh và mới đây đăng ký chạy GrabBike vào buổi tối kiếm thêm thu nhập.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, cả nước hiện có trên 225.000 cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp. Trong đó, nhiều người đang phải cất tấm bằng ĐH đi để chuyển sang học nghề hoặc chỉ để xin được một việc làm phổ thông đã cho thấy một sự lãng phí lớn về tiền bạc và thời gian. Từ đây một câu hỏi đặt ra là phải chăng chính sách thu hút nhân tài, trọng dụng nhân tài đang có vấn đề?

Ông Uông Chu Lưu - Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đã từng nói, về chính sách thu hút tài năng, chúng ta đã có quy định trong các Nghị định, văn kiện của Đảng, cần xem lại để áp dụng chính sách đãi ngộ người có tài thực sự phát huy được năng lực. Rõ ràng tình trạng chảy máu chất xám, không thu hút được người tài năng là do chính sách của ta còn có những bất cập.

Có thể thấy, việc sử dụng nhân lực không đúng chuyên môn; môi trường làm việc không phù hợp; việc đối xử, đãi ngộ thiếu công bằng đã tước đi cơ hội chứng tỏ tài năng một cách chính đáng cùng với hoài bão cống hiến bằng trí tuệ, tâm huyết của người khác.

Đây cũng là một nghịch lý trong công tác đào tạo và định hướng nghề nghiệp gây lãng phí lớn nguồn nhân lực, tiền bạc, thời gian cho mỗi cá nhân, gia đình và xã hội. Và là một sự lãng phí chất xám lớn của cả xã hội, gây ảnh hưởng tới sự phát triển chung của đất nước.

Đọc thêm