…Tại Đồng Tháp chính quyền tỉnh khá chủ động trong cải cách, còn tại Cà Mau chính quyền tỉnh lại thụ động và chỉ dừng lại ở việc tuân thủ cac chỉ đạo từ trung ương.
Kinh nghiệm từ Đồng Tháp
Vốn bị coi là một tỉnh nghèo, không có nhiều đóng góp cho nền kinh tế, nhưng Đồng Tháp mang lại một câu chuyện khá bất ngờ về nỗ lực của DN và chính quyền địa phương trong tìm kiếm các giải pháp nội tại hơn là sự trợ giúp từ bên ngoài. Chính sách của chính quyền tỉnh Đồng Tháp tập trung vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), cụ thể là cải thiện môi trường kinh doanh với sự tham vấn chặt chẽ của khối DN này.
Một góc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp |
Trong đó, chỉ số PCI không chỉ là biểu kế đo lường chất lượng điều hành của tỉnh mà còn là công cụ tích cực dùng để sửa đổi những khía cạnh yếu kém của môi trường kinh doanh. Chính vì khảo sát năm 2008 và 2009 cho thấy dịch vụ hỗ trợ kinh doanh là một trong những điểm yếu của tỉnh, nên từ đó Sở Kế hoạch và Đầu tư thành lập một trung tâm hỗ trợ DNNVV.
Tinh thần tự lực cộng với sự đồng thuận giữa các cấp chính quyền của tỉnh đã thúc đẩy địa phương này tiến lên phía trước: lãnh đạo Tỉnh ủy với tầm nhìn năng động về kinh tế địa phương; UBND tỉnh và các sở, ban ngành sẵn sàng chuyển biến tầm nhìn này thành hành động thông qua liên kết chặt chẽ với khu vực tư nhân.
Tỉnh tập trung vào hoạt động khai thác tài nguyên đất đai và sông nước hiệu quả thay vì các hoạt động đầu cơ. Mối quan hệ và giám sát xã hội có thể hạn chế sự lạm dụng của DN đối với chính quyền địa phương và sự lạm dụng quyền của cán bộ tỉnh.
Trong khi đó, tỉnh Cà Mau mang cũng mang lại một trải nghiệm khác. Tỉnh địa đầu này có một số DN lớn chủ yếu là trong ngành thủy sản. Hơn 20 DN lớn tham gia vào chế biến thủy sản và nhiều cơ sở nhỏ tham gia vào nuôi trồng thủy sản, nhưng chỉ có một DN thủy sản là DN nước ngoài. DN lớn nhất là công ty Minh Phú với quy mô hàng chục nghìn lao động và kim ngạch xuất khẩu lên đến 300 triệu USD trong năm 2010.
Tỉnh đã cam kết sử dụng 100 tỷ đồng ngân sách cho việc đào tạo và nâng cao năng suất cho ngành thủy sản trong giai đoạn 2010 – 2015. Đây là một khoản đầu tư lớn, tuy nhiên việc sử dụng khoản ngân sách này cho xúc tiến phát triển ngành thủy sản dường như chưa thể mang lại ngay lợi ích cho DNNVV.
Đâu là sự khác biệt?
Rõ ràng, trong khi cộng đồng DNNVV có vị trí nhất định trong các quyết sách của chính quyền địa phưởng Đồng Tháp, thì ở Cà Mau, các nỗ lực của tỉnh chủ yếu chỉ tập trung vào một ngành công nghiệp, còn các ngành kinh tế khác thì ít được quan tâm hơn. Hay nói cách khác, mối quan hệ tốt đẹp giữa DN lớn của một số ngành hẹp và chính quyền địa phương chưa đem lại lợi ích cho nền kinh tế địa phương nói chung.
Khối DNNVV không có ảnh hưởng nhiều đến cải cách điều hành tại Cà Mau. Hàng năm có đôi ba cuộc họp giữa các cơ quan chính quyền và các DNNVV nhưng cũng cuộc gặp này chỉ mang tính chất hình thức. Một số doanh nhân trẻ đã cố gắng thay đổi điều này bằng cách thành lập riêng một hiệp hội để đối thoại với chính quyền, nhưng hiệp hội DN trẻ có ít thành viên và ít ảnh hưởng. Trong 3 năm hoạt động, hiệp hội này hầu như không được mời tham gia bất kỳ cuộc họp nào liên quan đến cải cách điều hành. Đây là điểm khác biệt hoàn toàn so với Đồng Tháp.
Tại Cà Mau, các cơ quan có thẩm quyền có vẻ như đánh giá thấp vai trò của các DNNVV đối với nền kinh tế của tỉnh. Ngược lại, các DNNVV ít quan tâm đến cải cách điều hành. Vì vậy, không có động lực cho các chính sách tác động theo chiều ngang đến từ phía các DNNVV. Cũng không hề có động lực cho các chính sách theo chiều dọc đối với các ngành khác, ngoài ngành thủy sản.
Trong báo cáo nghiên cứu “Động lực cải cách kinh tế tại các tỉnh ở Việt Nam” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Nghiên cứu Phát triển thuộc Đại học Sussex, Vương quốc Anh vừa công bố, tại Đồng Tháp chính quyền tỉnh khá chủ động trong cải cách, còn tại Cà Mau chính quyền tỉnh lại thụ động và chỉ dừng lại ở việc tuân thủ cac chỉ đạo từ trung ương.
Tại Cà Mau, chính quyền địa phương chỉ tập trung vào các ngành đủ sức cạnh tranh quốc tế và không còn “sức” quan tâm tới các ngành khác. Ngược lại, Đồng Tháp lại không có được nguồn tài nguyên phong phú để khai thác, do đó buộc chính quyền tỉnh phải hỗ trợ các DNNVV địa phương.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Phó trưởng Ban Pháp chế của VCCI, cộng đồng DN và đặc biệt là khu vực tư nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy cải cách ở những tỉnh có những cải tiến bền vững về chất lượng điều hành kinh tế địa phương. Tuy nhiên, như bất cứ một cuộc cải cách nào, yêu cầu tiên quyết đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng và của chính quyền tỉnh, cũng như sự cởi mở để làm việc với khu vực DN và giải quyết vấn đề của họ.
Ngọc Anh