Sự vào cuộc quyết liệt
Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Nam Định đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các cấp ủy, chính quyền, sở, ban, ngành tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết đến từng đơn vị, từng cán bộ, đảng viên ở cơ sở. UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo về Chuyển đổi số của tỉnh; 100% các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo do thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban và Tổ giúp việc về chuyển đổi số ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình; 100% thôn, xóm, tổ dân phố thành lập và triển khai hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng.
Tiến sĩ Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nam Định chia sẻ về công tác chuyển đổi số tại hội nghị giao ban báo chí tháng 7 năm 2023 |
Qua đó, đã có sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động trong tiến trình thực hiện chuyển đổi số của tỉnh. Các chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh về chuyển đổi số được cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai kịp thời, hiệu quả.
Triển khai 5 nhiệm vụ trọng tâm - mang nền tảng số đến hộ gia đình
Xác định thực hiện chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, nhận thức là quyết định, UBND tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, đào tạo, tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh, tạo được sự đồng thuận, vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi số, cụ thể:
Một là, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị phổ biến kiến thức về chuyển đổi số cho cán bộ, lãnh đạo tỉnh Nam Định. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hội trường UBND tỉnh và trực tuyến tới điểm cầu của 10 UBND huyện, thành phố; 226 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cho gần 4.000 đại biểu tham dự.
Hai là, hoàn thành việc tổ chức các hội nghị về chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị. Tổng số lượng đại biểu tham dự trực tiếp tại các điểm cầu là 22.780 đại biểu; số lượng người tham dự trực tiếp trên Nền tảng số và các nền tảng Mạng xã hội là hơn 43.000 lượt người.
Ba là, phối hợp với Cục Chuyển đổi số Quốc gia - Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức đào tạo về Chuyển đổi số xã trên nền tảng học trực tuyến mở Onetouch. Tổ chức chương trình đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn với tổng số hơn 2.500 lượt người tham dự.
Bốn là, chuyên mục Chuyển đổi số trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Chuyên trang của tỉnh về chuyển đổi số và Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến được xây dựng và thường xuyên cập nhật kịp thời các tin bài, văn bản, tài liệu về chuyển đổi số; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.
Năm là, Ban hành Kế hoạch số 54/KH-BCĐCĐS ngày 04/05/2023 về tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số năm 2023, trong đó Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ban, ngành Trung ương và UBND tỉnh Nam Định dự kiến tổ chức Diễn đàn Quốc gia về Kinh tế số và Xã hội số lần thứ nhất tại tỉnh Nam Định vào tháng 9 năm 2023.
Ông Vũ Trọng Quế (ảnh trái) tại Diễn đàn Quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số lần thứ nhất được tổ chức thành công tại Nam Định - một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thực hiện chuyển đổi số. |
Khát vọng mang nền tảng số đến hộ gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân
Sau 02 năm triển khai thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả quan trọng góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số, dữ liệu số của tỉnh được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện theo hướng đồng bộ, hiện đại. Hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được tích cực triển khai đảm bảo phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử.
Công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số; công tác đào tạo, tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật kỹ năng số cho các cơ quan, đơn vị, người dân được triển khai đẩy mạnh, nhận thức về chuyển đổi số được nâng lên rõ rệt. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ về xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số đều đạt hoặc vượt so với yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Chỉ số xếp hạng chuyển đổi số (DTI Index) của tỉnh các năm 2021, 2022 xếp hạng thứ 11/63 tỉnh, thành phố; Chỉ số đánh giá sự hài lòng của người dân doanh nghiệp trên Cổng dịch vụ công Quốc gia năm 2022 Nam Định đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố. Kinh tế số tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bức tranh toàn cảnh về lĩnh vực chuyển đổi số tỉnh Nam Định |
Có thể nói Nam Định đã có những bước đột phá trong chuyển đổi số, mà Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) là đơn vị nòng cốt, chủ lực trong công tác triển khai, thực hiện. Tiến sĩ Vũ Trọng Quế - Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Nam Định bày tỏ mong muốn: “Mang nền tảng số đến hộ gia đình” và ông cũng là người tiên phong trong việc triển khai, thực hiện với phương châm: “cầm tay chỉ việc” - “đơn giản - tự nhiên - thiết thực”.