Rầm rộ con cháu mở kênh cho cha mẹ
Mới đây, Minh Tiến, người sở hữu kênh YouTube Tiến Lắp đã bị cộng đồng mạng “ném đá” dữ dội vì hành động đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ nhằm ăn mừng kênh đạt 20.000 lượt đăng kí. Được thành lập cách đây không lâu, kênh YouTube của nam thanh niên này đi theo xu hướng tạo những trò lố, gây cười và không ít lần mẹ anh này trở thành “nhân vật chính” trong clip.
Lần này, để ăn mừng kênh đạt số người theo dõi như ý, YouTuber này đã bày ra một trò chơi tai ác là trộn 200 quả trứng sống, đứng từ ban công đổ thẳng xuống đầu mẹ mình đang làm việc dưới sân, quay lại toàn bộ cảnh tượng cùng với phản ứng của bà mẹ và cho đăng lên kênh Tiến Lắp.
Đúng như mong đợi của Tiến, clip nói trên đã nhận được sự chú ý của dư luận, lượt xem tăng vùn vụt, nhưng hầu hết người xem đều rất bất bình với trò chơi thiếu ý thức, bất kính với cha mẹ. Trong cơn mưa “gạch đá” từ phản ứng của người xem, Tiến và người mẹ đã lên tiếng phân bua. Hiện, kênh YouTube lẫn Facebook của Tiến đều phải tạm khóa.
Mở kênh trên YouTube cho cha mẹ là một trào lưu rầm rộ trong thời gian qua. Mở đầu trào lưu là “Bà Tân Vlog”, một kênh được một vlogger mở cho mẹ mình, một phụ nữ làng quê, chuyên để thực hiện những món ăn “khủng” như ly trà sữa, vỉ thịt nướng, chậu kim chi… khổng lồ. Bà Tân nổi lên như một hiện tượng của YouTube khi trở thành YouTuber đoạt nút vàng nhanh nhất Việt Nam, chỉ trong vòng 1 tháng, top 3 YouTube đua sub nhanh nhất thế giới, hiện nay có trên 2 triệu lượt đăng kí.
Video ăn khách nhất của bà hiện đang thu hút trên 8 triệu lượt xem. Không chỉ thế, với sự nổi tiếng đình đám của mình, bà Tân mới đây đã bước một chân vào showbiz với việc tham gia gameshow, gặp gỡ những nghệ sĩ ăn khách hàng đầu làng giải trí. Sự thành công quá nhanh chóng của kênh vlog bà Tân đã khiến cộng đồng lên cơn sốt và hàng loạt kênh ăn theo mở ra: Bà Đường, Bà Tám, Bà Mập, Bà già 61 tuổi, Ông 3… Vlog.
|
Một Vlogger đổ 200 quả trứng lên đầu mẹ để câu view |
Và hầu hết đều có chung 1 cách làm, đó là nấu các món ăn với số lượng lớn, cùng với việc mua vui cho người xem bằng giọng nói vùng miền cộng với sự vụng về của người già. Theo thống kê sơ bộ, hiện trên YouTube có khoảng hơn 100 kênh của các ông, bà miền quê đang hoạt động.
Nông dân làm vlog… chuyên nghiệp!
Một điểm chung dễ nhận thấy là các kênh này đều do các con cháu mở cho cha mẹ, ông bà mình. Hưng, con trai bà Tân, cũng là một vlog khá đình đám đã chia sẻ về trường hợp lập kênh cho mẹ mình. Theo Hưng, sau khi bố mất, thấy mẹ buồn, anh này thường mời mẹ tham gia vào các clip của mình cho vui.
Sau đó, nhận thấy các clip có sự tham gia của mẹ khiến cộng đồng mạng thích thú, ủng hộ, Hưng đã lập riêng 1 kênh để mẹ có cơ hội “trổ tài”, đồng thời giao lưu với khán giả đỡ buồn. Các kênh YouTube của các ông, các bà sau này được lập ra hầu hết cũng với lý do “để cho cha mẹ bớt khổ” đã được Hưng chia sẻ trước đó.
Thậm chí, Tiến Lắp, kênh YouTube có hành vi đổ trứng sống lên đầu mẹ cũng chia sẻ lý do tương tự, nhằm giúp mẹ có một kênh kiếm tiền nhàn hạ, dễ dàng hơn, đời sống bớt khó khăn (!).
Có thể nói, là người đi đầu trào lưu, mục đích lập kênh của Hưng cũng được coi là “ổn” trong số các kênh lập ra hàng loạt hiện nay. Bà Tân Vlog cũng được coi là kênh có nội dung tương đối ổn, tuy mua vui nhưng có sự tiết chế, không làm lố, cách nói chuyện của bà Tân cũng thuần hậu, các món ăn chú trọng đến vệ sinh môi trường.
Tuy nhiên, các kênh của các “ông”, “bà” khác được lập ra hàng loạt sau này thì không hẳn được như thế. Với lý do giúp các ông, bà bước chân ra khỏi đồng ruộng, nhưng thực tế, các ông bà chỉ là “công cụ”. Đây đã là một cuộc chơi, một cuộc ganh đua kiếm tiền dưới danh nghĩa “các cụ” do con cháu đứng đằng sau.
Ví dụ như kênh “Ông 3 Vlog”, mặc dù chia sẻ vui là “thấy bà Tân được hâm mộ quá nên cũng muốn lấy lại danh dự cho cánh đàn ông”. Thực chất, đứng đằng sau những clip cho vui của Ông 3 là các cháu ông, chủ nhân các kênh mạng xã hội có tiếng, kiếm tiền tốt mang tên Tam Mao.
Tương tự, hầu như tất các các kênh của các ông, các bà, đứng đằng sau đều là các con, cháu, những vlog nút vàng, nút bạc đã thuộc làu các đường đi nước bước cách thức kiếm tiền nhờ YouTube. Đằng sau những lời lẽ hồn nhiên, mua vui tưởng chừng bộc phát trong clip đều là những kịch bản được dựng sẵn của con, cháu các ông bà.
Giúp đỡ hay trục lợi từ cha mẹ?
Cho dù chủ nhân thực sự của các kênh đã chia sẻ mục đích gì đi nữa, nhưng cần nhìn nhận sự thật rằng, các “ông”, “bà” nói trên đã “hái ra tiền” cho con cháu thông qua các clip giải trí. Ví dụ trường hợp Bà Tân Vlog. Mặc dù mới chỉ đăng tải khoảng 30 video, kênh của bà đã có gần 100 triệu lượt xem video.
|
Vlog cũng là một trường hợp trong làn sóng YouTuber nông dân |
Theo trang SocialBlade, chuyên trang chuyên theo dõi một số thông số trên YouTube, kênh YouTube của bà Tân có thể mang đến thu nhập từ 23.300 USD đến 372.100 USD mỗi tháng, tương đương từ 279.100 USD cho tới 4,5 triệu USD mỗi năm. Một con số “khủng trong giới vlog, còn so sánh với người lao động trí óc thông thường thì… quá chênh lệch.
Mặc dù không đạt mức thu nhập kinh khủng như của bà Tân, nhưng các kênh Youtube nông dân khác kiếm được số tiền cũng không hề nhỏ so với mặt bằng doanh thu của người lao động. Việc mỗi YouTuber kiếm được bao nhiều tiền mỗi tháng cho kênh của mình thường không được công khai, nhưng có thể suy đoán dựa trên lượng đăng kí trang, lượt xem mỗi bài viết… Có thể ước lượng mỗi kênh của các ông, bà nông dân đã được YouTube bật tính năng kiếm tiền có thể kiếm trên 100 triệu hàng tháng.
Nếu như chỉ với mục đích “cho cha mẹ vui”, dĩ nhiên, chủ nhân các kênh YouTube nói trên sẽ có những cách giải trí, giao lưu nhẹ nhàng hơn là “chạy đua view” bằng cách bắt chước nội dung lẫn nhau, hoặc có những cách làm nội dung rất câu view rẻ tiền, bất chấp phản cảm như cách mà Tiến Lắp đổ trứng lên đầu mẹ mình.
Nhiều clip khác, thấy rõ sự dàn dựng trong kịch bản, các “ông”, “bà” xuất hiện với ngôn ngữ thô vụng, gây cười khá hời hợt, vô duyên, thậm chí nhiều “ông”, “bà” còn bị con cháu bắt làm lố trước ống kính…
Chung quanh hiện tượng nông dân làm YouTuber này cũng có nhiều luồng ý kiến. Một số người đồng tình, cho rằng đó là một cách để những người nông dân “chân lấm tay bùn” mở rộng tầm nhìn ra thế giới, có thể kiếm tiền cải thiện đời sống. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, việc ra đời những kênh nông dân thuần giải trí như thế vốn không đem lại giá trị hữu ích nào cho người xem.
Đồng thời, tiền bạc thực sự chưa hẳn đã đem về cho các ông, bà, mà thực chất thuộc về các “ông chủ” thực sự đứng đằng sau, là con cháu họ. Những người nông dân chỉ được xem như công cụ “hái ra tiền” mà thôi.
Cuộc chạy đua view, chạy đua kiếm tiền giữa các kênh YouTube nông dân vẫn đang rất rầm rộ. Nó làm thay đổi đời sống, suy nghĩ cũa nhiều nông dân làng quê Việt. Hiện nay, nhiều nông dân khác với sự dẫn dắt của con cháu cũng đang chuẩn bị ra mắt kênh YouTube của mình.
Thu nhập có kiếm được vào túi các nông dân này hay vào túi con cháu họ thì không rõ, nhưng việc xáo trộn đời sống là có thật. Cạnh đó, nó đặt những người nông dân “chân lấm tay bùn” vốn quen với đời sống bình yên, giản dị ra trước dư luận, vừa “giải trí” cho dư luận, vừa đối mặt với sự ném đá, chỉ trích, chê bai nếu như khiến dư luận không hài lòng.
Có lẽ, cần có thêm một thời gian nữa để cơn sục sôi nông dân làm YouTube qua đi, những hào quang lóng lánh của thế giới mạng, của lượt view và kì vọng kiếm tiền qua đi mới có thể nhìn rõ được việc dùng cha mẹ kiếm tiền từ YouTube lợi hại thế nào.