Khi Đệ nhất phu nhân Mỹ chứng tỏ quyền lực

(PLO) - Được đánh giá là khác biệt với một số Đệ nhất phu nhân khác, không quan tâm đến chuyện “triều chính” của chồng, nhưng bà Melania Trump trong tuần qua đã khiến công chúng được phen bất ngờ khi công khai đề nghị sa thải một trợ lý hàng đầu của Tổng thống Donald Trump. 
Đệ nhất phu nhân Melania
Đệ nhất phu nhân Melania

Động thái chưa từng có tiền lệ

Bước đi đầu tiên trong chuỗi các hoạt động cải tổ nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump sau thất bại của đảng Cộng hòa tại cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra hôm đầu tháng là việc sa thải bà Mira Ricardel - Phó cố vấn an ninh quốc gia.

Tuy nhiên, trong khi việc ông Trump tiến hành cải tổ đội ngũ giúp việc tại Nhà Trắng là điều đã được dự báo từ sớm thì quyết định sa thải bà Ricardel vẫn khiến nhiều người bất ngờ và gây tranh cãi. Bởi, việc loại bà Ricardel khỏi đội ngũ nhân sự cấp cao của ông Trump được đưa ra chỉ 1 ngày sau khi Đệ nhất phu nhân Melania Trump đích thân lên tiếng yêu cầu loại bà Ricardel khỏi Nhà Trắng.

Cụ thể, văn phòng của bà Melania hôm 13/11 đã ra tuyên bố cho rằng cần phải sa thải bà Ricardel. “Văn phòng Đệ nhất phu nhân cho rằng bà ấy không còn xứng đáng với vinh dự được phục vụ trong Nhà Trắng”, bà Stephanie Grisham – người phát ngôn của Đệ nhất phu nhân Mỹ - lý giải về yêu cầu của bà Melania.

Truyền thông Mỹ cho biết, việc một Đệ nhất phu nhân công khai can thiệp vào công việc ở Cánh Tây của Nhà Trắng như đề nghị sa thải nhân sự mà bà Melania đã thực hiện là chưa từng có tiền lệ. 

Theo một số nguồn tin trong chính phủ Mỹ, hành động mang tính chất can thiệp, không đúng quy chuẩn về hoạt động của Đệ nhất phu nhân Mỹ diễn ra sau một số bất đồng nảy sinh giữa bà Melania và nữ quan chức cấp cao của Nhà Trắng. 

Các nguồn tin bị rò rỉ cho hay, khi tháp tùng Đệ nhất phu nhân Mỹ tới các nước châu Phi hồi tháng 10 vừa qua, bà Ricardel đã thẳng thừng “cãi tay đôi” với bà Melania Trump và các nhân viên của bà Melania về xếp chỗ ngồi trên máy bay cho tới việc sử dụng ngân sách nhà nước cho chuyến đi. Bà Ricardel cũng bị cho là phải chịu trách nhiệm về những tin tức tiêu cực nhằm vào bà Melania Trump trong chuyến đi lần này.

Trước khi được bổ nhiệm làm Phó Cố vấn an ninh quốc gia của Mỹ, bà Ricardel từng là nhân sự của Bộ Thương mại Mỹ. Bà được đích thân Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là ông John Bolton lựa chọn làm cấp phó.

Được đánh giá là một người rất cứng rắn, thẳng thắn nhưng bà Ricardel dường như không giành được thiện cảm từ tất cả mọi người trong Nhà Trắng vì đã nhiều lần không ngại ngần lớn tiếng chỉ trích các nhân viên. Các nguồn tin này nói rằng ông Bolton đã đấu tranh để giữ bà Ricardel lại nhưng không thành.

Hồi tháng trước, bà Melania từng nói với truyền thông Mỹ rằng có người trong Nhà Trắng mà bà không tin tưởng. Có vẻ như người đó chính là bà Ricardel. Theo các nhà quan sát, dường như bà đã đề cập đến chuyện sa thải nữ phó cố vấn với ông Trump nhưng ông Trump đã không nghe theo đề nghị của vợ, khiến bà Melania quyết định phải hành động quyết đoán, thực hiện việc được cho là vượt quá quyền hạn khi đưa ra tuyên bố chính thức về quan điểm về nhân sự trong Nhà Trắng.

Quyền lực của bà Melania

Lịch sử Nhà Trắng đã nhiều lần chứng kiến những cuộc “đấu tay đôi” giữa các đệ nhất phu nhân và quan chức. Khi còn là Đệ nhất phu nhân, bà Nancy Reagan được cho là từng cãi nhau tay đôi với Chánh văn phòng Nhà Trắng Don Regan – người về sau cũng đã buộc phải rời khỏi chính quyền. Tuy nhiên, mâu thuẫn giữa họ ít được công khai dù dư luận xôn xao đồn đoán.

Cựu phát ngôn viên Nhà Trắng George Stephanopoulos trong một cuốn hồi ký cũng đã tiết lộ rằng mối quan hệ của ông và cựu Đệ nhất phu nhân Hillary Clinton tại Nhà Trắng không hề êm thấm. Hay cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Robert Gibbs cũng từng căng thẳng khi chồng của bà Michelle nắm quyền.

Bà Melania và ông Trump
Bà Melania và ông Trump

Các Đệ nhất phu nhân của Mỹ được cho là đã gây áp lực với chồng của họ trong vấn đề điều hành. Việc một Đệ nhất phu nhân công khai can thiệp vào công việc ở Cánh Tây của Nhà Trắng là có xảy ra, nhưng họ không ra tuyên bố về công tác nhân sự như cách mà bà Melania đã làm. 

Việc này càng khiến nhiều người bất ngờ hơn khi trước nay bà Melania tỏ ra là một Đệ nhất phu nhân khá yên lặng ở phía sau hậu trường, hiếm khi thể hiện tầm ảnh hưởng của mình. Bà Melania còn từng được nhận xét rằng bà là Đệ nhất phu nhân hoàn toàn khác biệt, luôn tách khỏi những hỗn loạn trong Nhà Trắng và chỉ chú tâm quán xuyến hoạt động ở Cánh Đông. 

Chính vì vậy nên theo các nguồn tin, không ít các quan chức cấp cao của Mỹ đã rất bối rối trước việc ra tuyên bố của bà. Ngay cả Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly và Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders đều ngạc nhiên với tuyên bố của bà Melania, không hiểu tại sao bà lại có động thái như vậy. 

Theo truyền thông Mỹ cách bà Melania đã công khai nhằm thẳng vào vị trí của bà Ricardel và cách xử lý của Tổng thống sau đó thể hiện quyền lực mềm đặc biệt có thể làm “khuấy động” Nhà Trắng của bà Melania. Theo hãng tin CNN, tuyên bố đề nghị sa thải nhân sự của bà Melania đã đẩy Tổng thống vào thế khó xử.

Trước việc vợ công khai kêu gọi một trợ lý hàng đầu của mình, ông Trump có thể bất chấp ý kiến của bà, nhưng dường như vị Tổng thống thấy được rằng việc bà Melania đã “bước qua ranh giới” thường thấy trong việc gây ảnh hưởng phía sau hậu trường chính trị của các Đệ nhất phu nhân cho thấy bà hoàn toàn có thể có các động thái khác có thể khiến xung đột gia tăng.

Lựa chọn an toàn hơn mà ông có thể làm là chấp nhận để bà Ricardel rời khỏi đội ngũ của ông – đây thực tế cũng là cách mà ông Trump đã chọn. Và tuyên bố đưa Phó cố vấn sang làm một công việc khác, nhưng không nói rõ là công việc nào, được cho là cách để ông Trump giữ thể diện. 

Bộc phát, hay đã suy tính kỹ?

Theo các nhà quan sát, từ cách hành động của bà Melania cho thấy bà là một người có khuynh hướng làm chính trị quyết đoán và mạnh mẽ, khác hoàn toàn với những gì truyền thông thường mô tả về bà. Có ý kiến chỉ ra rằng những hành động của bà Melania đã được suy tính kỹ, không phải là hành động bộc phát.

Điều này thể hiện ở chỗ bà đã chọn đúng thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Bolton đi công du ở châu Á để đưa ra tuyên bố yêu cầu sa thải bà Ricardel. Bởi, theo các nhà quan sát, ông Bolton và bà Ricardel được xem là “cặp đôi hoàn hảo” trong công việc nên chắc chắn nếu ở trong nước, ông sẽ tìm cách để bảo vệ bà Ricardel mạnh hơn. 

Hôm 14/11, ông Trump cũng được dẫn lời cho biết sẽ tiến hành cải tổ nội các trong thời gian tới. “Rất nhiều người muốn gia nhập chính phủ, nhiều chính trị gia đã có sự nghiệp rất thành công muốn gia nhập”, ông Trump nói.

Theo truyền thông Mỹ, nhân vật quan trọng nhất sẽ rời đi là Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly. Vị trí của ông Kelly cũng được cho là đã bị suy yếu vì ông này cũng có mâu thuẫn với bà Melania Trump. Các nguồn tin cho rằng bà Melania Trump đã tức giận vì ông Kelly từ chối thăng chức cho một số trợ lý của bà. 

Thực ra, những người thân cận với gia đình Trump đã kể lại rằng khác với hình ảnh không chú tâm đến việc chính sự của chồng mà bà Melania vẫn thể hiện, bà là một trong những người có tiếng nói mạnh mẽ nhất đối với vị tổng thống vốn nổi tiếng về việc không tuân thủ những quy tắc, không thích chịu sự kiểm soát.

Thậm chí, nhiều người đã tìm đến bà như một “cầu nối” giúp cải thiện quan hệ với ông Trump khi bị ông chỉ trích hoặc “cho ra rìa”. “Ông ấy nghe bà Melania hơn bất cứ ai khác và tôn trọng lời khuyên của bà ấy. Điều đó không chỉ vì bà ấy là vợ của ông Trump mà còn do ông ấy đánh giá cao sự chung thủy, trí tuệ và trực giác của bà ấy”, ông Thomas Barrack Jr. – một người bạn của ông Trump - cho biết. 

Vẫn theo ông Barrack, dù vậy nhưng bà Melania cũng là một người cứng rắn và thẳng thắn. Khi có quan điểm khác với chồng, bà không ngại ngần chia sẻ, tranh luận đến cùng. “Đối với bà ấy, Tổng thống Trump chỉ là “Donald””, ông Barrack nhận xét.

Đọc thêm