Tranh cãi quyết liệt quanh ý tưởng bỏ quyền công dân tự động cho người sinh ra trên đất Mỹ

(PLO) - Dư luận Mỹ trong những ngày qua xôn xao, thậm chí có thể nói chia rẽ sâu sắc trước tuyên bố của Tổng thống Donald Trump, cho biết ông có ý định dùng sắc lệnh hành pháp để hủy bỏ quyền công dân tự động của bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ vốn được đảm bảo theo Hiến pháp của Mỹ. Ý định này nhằm củng cố chính sách chống nhập cư của ông.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Đề xuất bất ngờ

Ý định trên được ông Trump đưa ra trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Axios on HBO” được đăng tải hôm 30/10. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump nói rằng ông muốn chấm dứt quyền tự động được trao quyền công dân Mỹ cho bất cứ ai sinh ra trên lãnh thổ nước này. Theo Tổng thống Mỹ, mục tiêu của ông là dừng việc trao quyền công dân cho những đứa trẻ là con của những người nhập cư không có quốc tịch Mỹ hoặc không được phép ở Mỹ. 

Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ được phê chuẩn năm 1868, sau cuộc Nội chiến của nước này, quy định bất cứ ai sinh ra trên đất Mỹ được quyền có quốc tịch Mỹ. Mục đích ban đầu của tu chính án này là để giúp cho những người từng là nô lệ có được sự bảo vệ trong Hiến pháp. Về sau, quy định này được dùng để đảm bảo quyền công dân cho tất cả những em bé sinh ra trên đất Mỹ sau rất nhiều đơn kiện được gửi tới tòa án và nhiều cấp xét xử. 

“Tất cả mọi người sinh ra hay được nhập tịch ở Mỹ và chịu sự quản lý của pháp luật Mỹ, là công dân của Mỹ và của bang mà họ đang cư trú. Không một bang nào được đưa ra hay thực thi bất cứ luật nào có thể làm giảm các đặc quyền và quyền miễn trừ của Mỹ”, Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ viết. 

Tuy nhiên, một số người Cộng hòa, trong đó có ông Trump, nói rằng quy định nói trên đã tạo động cơ để nhiều người bất chấp đến Mỹ bất hợp pháp để sinh con. “Chúng ta là quốc gia duy nhất thế giới mà một người tới, có con và người con đó tự động trở thành một công dân Mỹ với tất cả những quyền lợi trong suốt 85 năm qua.

Chuyện đó thật lố bịch và phải chấm dứt”, ông Trump tuyên bố. Trong cuộc phỏng vấn, ông Trump cho rằng ông có thể thực hiện việc này bằng một sắc lệnh hành pháp. Theo Tổng thống Mỹ, ông đã tham vấn các chuyên gia luật về kế hoạch nói trên và nhận được câu trả lời rằng đây là điều khả thi. 

Thông báo của ông Trump được đưa ra sau khi ông đã quyết định triển khai hơn 5.000 binh sỹ tới làm nhiệm vụ ở biên giới Mexico – một động thái bất thường mà theo lý giải của Tổng thống Mỹ là để cảnh giác trước sự “xâm chiếm” của những người nhập cư.

Theo AFP, trên thực tế, dù hầu hết các nước trên thế giới không cấp quyền công dân mặc nhiên cho trẻ sinh ra trên lãnh thổ như ở Mỹ nhưng hiện vẫn có hơn 24 nước áp dụng chính sách này. Trong đó, nước láng giềng của Mỹ là Canada hiện vẫn đang áp dụng quy định cấp quyền công dân cho con của những người nhập cư bất hợp pháp được sinh ra ở nước này.

Tranh cãi kéo dài

Đề xuất chính sách nói trên của ông Trump được dự báo sẽ dẫn tới một cuộc tranh cãi pháp lý gay gắt về cách diễn giải ngôn từ trong Hiến pháp của Mỹ cũng như cách áp dụng văn bản pháp lý cao nhất này trong một thế giới biến động như hiện nay. Ngay trong nội bộ đảng Cộng hòa của ông Trump cũng đã có ý kiến trái chiều về việc này.

Sau phát biểu mới nhất của Tổng thống Mỹ, một số nghị sỹ đảng Cộng hòa đã lên tiếng ủng hộ ý định của ông. “Cuối cùng cũng có một tổng thống sẵn sàng có hành động đối với chính sách cấp quyền công dân cho trẻ em vô lý”, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham bình luận. 

Vị dân biểu này cho rằng chính sách cấp quyền công dân cho trẻ em sinh ra tại Mỹ là “thỏi nam châm thu hút những người nhập cư bất hợp pháp” tới Mỹ. Thượng nghị sỹ John Hoeven cũng đã lên tiếng tán thành chủ trương của ông Trump.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

“Quốc hội cần ra tay trong vụ này, rõ ràng chúng ta cần phải làm cái gì đó về chuyện người Mỹ có quốc tịch tự nhiên, về chuyện những người có cha mẹ nhiều khi chả bao giờ sống ở Mỹ nhưng cố sinh con ở Mỹ để có quốc tịch rồi tính chuyện về sau nhập cư vào Mỹ thông qua việc con cái bảo lãnh”, vị nghị sỹ nói.

Ngược lại, nhiều thành viên của đảng Cộng hòa cho rằng không thể thay đổi một quy định được xem là nền tảng trong hệ thống chính sách nhập cư của Mỹ chỉ đơn giản bằng một chữ ký của tổng thống. “Anh không thể hủy bỏ quyền công dân của một người ngay từ khi sinh ra chỉ bằng một sắc lệnh hành pháp”, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan nêu rõ trong một cuộc phỏng vấn.

“Tôi là một chính trị gia bảo thủ và tôi tin Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp đã rõ ràng”, ông Ryan khẳng định. Nghị sỹ Carlos Cuberlo vốn ủng hộ chính sách cải cách các quy định về người nhập cư ở Mỹ nhưng cũng đã lên tiếng chỉ trích ý định của ông Trump. “Người dân Mỹ được Hiến pháp bảo vệ quốc tịch, Tổng thống Trump không thể chấm dứt nó bằng một lệnh hành pháp được”, vị nghị sỹ nhận định.

Song, cũng có ý kiến cho rằng động thái của ông Trump nhằm mục tiêu chính trị ngắn hạn hơn – là cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ sẽ được tổ chức vào ngày 6/11 – hơn là thay đổi quy định của pháp luật.

Theo các nhà quan sát, trong tuần cuối cùng trước khi diễn ra cuộc bầu cử giữa kỳ, tuyên bố về vấn đề quyền công dân nói trên có thể xem như “tiếng kèn xung trận” của ông Trump, đẩy mạnh cuộc chiến nhằm giữ thế đa số tại Quốc hội. Theo nhiều người, ông Trump dường như muốn giành sự ủng hộ dành cho đảng Cộng hòa trước cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ tới. 

Có điều, đề nghị của ông cũng được nhiều người ví như con dao hai lưỡi, gây náo loạn ngay cả trong nội bộ của đảng. Những tranh luận nói trên đã khiến ngay cả các chính trị gia thuộc đảng Cộng hòa cũng lo ngại về số phận của họ trong cuộc chiến chung hòng giữ thế đa số của Đảng trong Quốc hội Mỹ.

Một số nhà quan sát cho rằng đề nghị của ông Trump có thể giúp cho các ứng cử viên của đảng Cộng hòa tại các tiểu bang như Bắc Dakota hay Montana giành được thêm ghế nhưng lại có thể làm hại đến các ứng cử viên ở các bang khác như Thượng nghị sỹ Dean Heller ở Nevada hay Thống đốc bang Florida Rick Scott.

Dư luận và các tổ chức chính trị - xã hội ở Mỹ cũng đã có những phát biểu phản ứng ý định của ông Trump. Ông Omar Jadwat - người đứng đầu Dự án về Quyền của Người nhập cư (ACLU) – cho rằng đề xuất của ông Trump rõ ràng không hợp hiến. “Tổng thống rõ ràng không thể ký sắc lệnh để lật ngược Hiến pháp. Thậm chí việc ông chỉ bày tỏ ý định thôi đã là chuyện phi lý”, ông nói.

Theo các chuyên gia về pháp luật của Mỹ, theo quy định của luật pháp nước này, để có thể thay đổi được Hiến pháp, sắc lệnh của ông Trump cần có sự ủng hộ của 2/3 thành viên quốc hội – một điều gần như không thể có trong bối cảnh chia rẽ sâu sắc như hiện nay.

Do vậy, có chăng, ông Trump chỉ có thể thay đổi một phần chính sách về cấp quyền công dân tự động dựa trên một đoạn trong Tu chính 14 quy định rằng người sinh ở Mỹ sẽ trở thành công dân Mỹ nếu “chịu sự quản lý của pháp luật” Mỹ. Diễn giải câu chữ ở đoạn này được cho là có thể loại bỏ được những người nhập cư bất hợp pháp, tức không chịu sự quản lý của pháp luật Mỹ. 

Trên thực tế, lý giải thêm vào ngày 31/10, ông Trump cũng khẳng định Hiến pháp Mỹ không đảm bảo quyền có quốc tịch Mỹ cho bất cứ ai sinh ra ở Mỹ. “Cái gọi là Quyền tự động có quốc tịch Mỹ khi sinh ra ở Mỹ khiến đất nước chúng ta mất hàng triệu USD và rất bất công đối với các công dân chúng ta, sẽ phải chấm dứt bằng cách này hay cách khác. Nó không được đề cập trong Tu chính án thứ 14 bởi vì có cụm từ “chịu sự quản lý của pháp luật Mỹ”””, ông nói.

Theo một nghiên cứu do Trung tâm nghiên cứu Pew của Mỹ thực hiện năm 2015, trong năm 2014, tại Mỹ có 270.000 trẻ em là con của những người di cư bất hợp pháp được sinh ra. Nếu ông Trump thực hiện thành công ý định đã được công bố thì đây sẽ là động thái mạnh mẽ nhất của một tổng thống Mỹ về vấn đề người nhập cư trong nhiều thập niên qua.

Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là ý định ông Trump muốn thực hiện chưa có tiền lệ. Trước Mỹ, hàng loạt các nước Tây Âu khác cũng đã bãi bỏ các quy định tương tự, ví dụ như Anh vào năm 1983 đã bãi bỏ quy chế cấp quốc tịch tự động cho người sinh ra ở nước này.