Ca sỹ hải ngoại "đổ bộ"
Có thể thấy một dấu ấn nổi bật trong làng âm nhạc Việt
Rồi dần dà, ca sĩ hải ngoại được coi là át chủ bài nhằm lôi kéo khán giả đến với các chương trình ca nhạc. Nhờ thế mà lịch biểu diễn của “nữ hoàng nhạc trữ tình” Phi Nhung hay “phiến đá sầu” Tuấn Ngọc ở Việt Nam càng lúc càng dày đặc.
Dòng nhạc xưa còn trong ký ức thế hệ lớn tuổi vẫn chứng minh được giá trị của nó khi ngày nay đang hấp dẫn được một bộ phận đông đảo giới trẻ. Dòng nhạc này chính là một chiêu bài quan trọng để các ca sĩ hải ngoại có được lượng khán giả không nhỏ tại quê nhà. Bên cạnh sự hâm mộ “chung thủy”, thủ tục đi về biểu diễn đỡ phức tạp hơn, sự “chăm sóc tử tế” của các đơn vị tổ chức sự kiện cũng thúc đẩy sự “tìm về” của các ca sĩ hải ngoại. Về nước biểu diễn nhờ đó mà trở thành một lựa chọn sáng sủa đối với các ngôi sao hải ngoại, đặc biệt là những người mà tên tuổi đã bão hòa ở trời Tây.
Ca sỹ Quang Lê và người chị thân thiết Nguyễn Cao Kỳ Duyên sắp có liveshow xuyên Việt hoành tráng
Trong những chuyến trở về ấy, có thể kể đến liveshow xuyên Việt hoành tráng của ca sỹ Quang Lê vào tháng 3 tới đây tại năm thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Huế. Trong chuyến lưu diễn kéo dài 6 đêm nhằm tri ân người hâm mộ trong nước của Quang Lê còn có sự góp mặt của Nguyễn Cao Kỳ Duyên - một người chị thân thiết của ca sĩ này.Cát-sê “khủng”, giá vé “khủng”
Vài năm trước, mức cát-sê “khủng” là một rào cản trong việc mời ca sỹ nước ngoài về nước biểu diễn. Nhưng gần đây, vấn đề này đã trở thành “chuyện nhỏ”.
Vào những tháng cuối năm 2010, công chúng Thủ đô đã mãn nhĩ với show diễn của Tuấn Vũ với nhan đề “10 năm tái ngộ” tại Nhà hát lớn. Không kém cạnh, Hương Lan - Phi Nhung cũng trở về hoành tráng với “Hoàng hôn màu tím”. Còn Trường Vũ, trong lần đầu về quê cha đất tổ vào đúng dịp miền Trung vừa qua cơn đại hồng thủy, nam ca sĩ này đã có đêm nhạc đầy ý nghĩa “Thương về miền Trung”.
Vậy các đơn vị truyền thông và tổ chức sự kiện đã vượt qua rào cản cát-sê “khủng” bằng cách nào? Câu trả lời rất ngắn gọn: Tăng giá vé!
Để “tái ngộ” với Tuấn Vũ, khán giả phải móc hầu bao mua vé với giá lên tới 1,7 triệu đồng. Nhà tổ chức sự kiện này là Công ty CP Truyền thông và tổ chức sự kiện Hội nghệ sĩ đã tỏ ra am tường trong tính toán bởi giá vé cao như vậy nhưng vẫn tiêu thụ được. Thật vậy, giọng ca mùi mẫn của Tuấn Vũ khi kết hợp với các ca sĩ hải ngoại như Giao Linh, Hương Lan đã khiến một bộ phận không nhỏ khán giả Thủ đô sôi sục. Vé nhanh chóng được bán hết theo kênh chính thức. Chưa hết, ngay trước cửa Nhà hát Lớn khi đêm diễn sắp mở màn, giá vé đã được phe vé đẩy lên mức 6 triệu đồng/cặp.
Hay như đêm nhạc “Hoàng hôn màu tím” của hai danh ca Hương Lan -Phi Nhung tại Trung tâm Âu Cơ, dù giá vé ở mức “khủng” 1-1,5 triệu đồng/vé nhưng cũng hết veo.
Nhạc nội cũng... chẳng thua!
Nói thế không có nghĩa là giới showbiz trong nước khoanh tay ngồi nhìn các ca sĩ hải ngoại tung hoành. Nhạc ngoại có các màn tái ngộ thì nhạc nội cũng có màn “trăm hoa đua nở” và “mùa nào thức ấy”.
Chẳng hạn như chào mừng ngày 20/10, có “Hoa cúc vàng”, 20/11 ghi nhận show diễn “Những bông hồng vào đông”, rồi “Yêu” của Tùng Dương - Thanh Lam và các thế hệ vàng dòng nhạc tiền chiến trong đêm “Dư âm”...
Thường thì giá vé cao khi đêm diễn được tổ chức tại Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, một số đêm nhạc tổ chức tại Trung tâm Âu Cơ, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt-Xô hay Rạp xiếc Trung ương, giá vé cũng cao ngất.
Nói đến các đêm nhạc “nặng đô” trong nước, danh mục đầu bảng phải kể đến các đêm nhạc của Phú Quang. Đặc điểm của nhạc sĩ Hà thành này là ông chỉ tổ chức đêm nhạc của mình tại Nhà hát Lớn. Đã thành thông lệ, vé dự các đêm nhạc của Phú Quang luôn được bán trước ngày biểu diễn từ rất lâu. Phú Quang thẳng thắn nói rằng chương trình nghệ thuật của ông có chất lượng cao nên giá cũng phải cao. Theo đó, giá vé để vào “liên hoan nghệ thuật” của Phú Quang thường dao động ở mức 400.000 đồng đến 1,5 triệu đồng. Tưởng vé như thế thì sẽ hạn chế lượng khán giả đến xem, ấy vậy mà đã có những thông tin cho rằng ngoài chợ đen, có lúc vé dự đêm nhạc Phú Quang bị đẩy lên tới 8 triệu đồng.
Hòa chung vào không khí sôi động ấy, sân khấu kịch miền Bắc cũng đang có những tín hiệu tích cực khi có vở kịch mà giá vé đã lên tới 1 triệu đồng. Đó là vở “Cuộc chiến hay Người tự xé xác” của Đoàn kịch nói Quảng Ninh vừa được công diễn tại Nhà hát Lớn. Giá vé cao, người ta đã chuyển thành giấy mời cho những nhà tài trợ cho vở diễn vì đã xây dựng thành công hình tượng người chiến sĩ công an tận tâm với nghề.
Nhiều chương trình khác, như của Tuấn Ngọc, Khánh Hà hay “Lời hát ru tình yêu”... đều không thành công về khán giả như dự kiến. Thực tế, những đêm diễn như vậy sức hút của ca sĩ, nhạc sĩ không đủ để công chúng móc hầu bao mua vé. Có buổi diễn còn thảm bại chỉ tại giá vé, khán giả dù yêu thích cũng chùn tay trước giá vé ngất ngưởng, để rồi cuối cùng, người ta phải “quy đổi” thành vé mời cho đầy khán phòng.
Hụt hẫng
Ở một góc độ khác, năm vừa qua không ít khán thính giá đã cho rằng, không phải chương trình nghệ thuật nào cũng xứng “đồng tiền bát gạo”. Những “thượng đế” này ấm ức cũng phải bởi họ đã vô tình trở thành “nạn nhân” của một số nghệ sĩ muốn thể hiện đẳng cấp của mình về một chương trình hoành tráng nên cố tình “thổi” giá vé lên cao. Chẳng hạn như một sân khấu bài trí sơ sài, ban nhạc chơi mắc lỗi liên tục, âm thanh ậm oẹ không đưa lại hiệu ứng nghệ thuật như mong muốn. Ngay trong đêm biểu diễn của Minh Tuyết cho đến Lưu Bích mới đây, khán giả xem xong thấy chưng hửng, hụt hẫng. Sân khấu thiết kế đơn giản, khán giả luôn phải chờ... ca sĩ chính thay đồ. |