Bộ trưởng Pháp và những bữa tối xa xỉ
Một ngày giữa tháng 7, Bộ trưởng Môi trường Pháp Francois de Rugy đã đệ đơn từ chức sau một tuần chịu chỉ trích của công chúng với cáo buộc dùng tiền ngân sách cho bữa tiệc xa xỉ với tôm hùm, rượu vang, và sử dụng nhà ở công sai mục đích. Ông quyết định từ chức dù đã bác bỏ mọi cáo buộc của dư luận.
Trước đó, tạp chí điều tra Mediapart đã công bố bức ảnh một bữa tối tại toà nhà làm việc của vị cựu Bộ trưởng. Người ta thấy những con tôm hùm khổng lồ và rượu vang được cất giữ tại hầm rượu tòa nhà quốc hội có giá 452 USD/chai cho một bữa tiệc khoảng 30 khách mời.
Bữa tiệc này được kê khai là sự kiện xã hội, sử dụng tiền ngân sách nhà nước. Tạp chí này còn cho biết, ông Rugy đã chủ trì nhiều bữa tối sang trọng như vậy tại tòa nhà làm việc của ông này trong thời gian là chủ tịch Quốc hội Pháp (2017-2018).
Đáng nói, vị chính trị gia này tại thời điểm đương nhiệm chức Bộ trưởng là nhân vật quyền lực thứ 3 trong chính quyền Pháp, chỉ sau Tổng thống Macron và Thủ tướng Edouard Philippe. Ông Rugy thừa nhận những bữa tối như vậy đã được tổ chức, nhưng mục đích là phục vụ quan hệ giữa Quốc hội Pháp và các tổ chức xã hội.
Ông Rugy cho biết mình dị ứng với tôm hùm và không thích uống rượu vang. Vụ việc này đã được Tổng thống Macron yêu cầu Chính phủ làm rõ vụ việc, đồng thời tuyên bố mọi quyết định sẽ được đưa ra “dựa trên sự thật”.
Dù vậy, trước áp lực của công chúng, vị chính trị gia này đã nộp đơn khiếu nại Mediapart tội phỉ báng danh tiếng của mình, đồng thời nộp đơn xin từ chức. Cựu Bộ trưởng Pháp trả lời công chúng rằng: “Đây là sự rút lui cần thiết tôi buộc phải thực hiện sau những lời công kích và sự săn đuổi của báo chí nhắm vào gia đình”.
Bộ trưởng Mexico làm trễ chuyến bay
Khoảng cuối tháng 5, chuyến bay 198 từ thành phố Mexico đến Mexicali (gần biên giới Hoa Kỳ) đã bị hoãn lại tới 38 phút bởi một lý do không rõ ràng. Một hành khách chia sẻ trên Twitter rằng: “Khi chuyến bay đã sẵn sàng cất cánh thì phi công thông báo họ phải quay trở lại bởi lệnh của một quan chức cấp cao”.
|
Bộ trưởng Mexico từ chức vì làm trễ chuyến bay 38 phút |
Sau khi Bộ trưởng Môi trường Josefa González Blanco lên máy bay, một hành khách đã chụp lại một bức ảnh của nữ bộ trưởng này cùng con trai rồi đăng tải trên mạng xã hội với sự giận dữ, gọi đây là hành vi “tham nhũng”, “kiêu ngạo”. Thậm chí, có hành khách đã gửi đơn khiếu nại trực tiếp tới Bộ trưởng González-Blanco.
Ông Andrés Manuel López Obrador - Tổng thống Mexico công bố, nữ Bộ trưởng đã yêu cầu một giám đốc điều hành của Hãng hàng không Aeroméxico – hãng hàng không hàng đầu của đất nước, người mà bà được cho là có mối quan hệ bạn bè, chờ sẵn khi trong chuyến bay sắp đến. Chính vì thế, tất cả các hành khách và nhân viên chuyến bay đều phải chờ bà đến.
Sau khi vụ việc được lan rộng, bà González Blanco đã viết một lá thư xin lỗi kèm theo đơn xin từ chức. Cựu Bộ trưởng xin lỗi vì không thể tiếp tục nỗ lực mang đến cuộc sống dân chủ và công bằng ở đất nước Mexico.
Bà khẳng định: “Không ai được có đặc quyền và đặt lợi ích của một người trên lợi ích của đa số, ngay cả khi đang thực hiện nghĩa vụ. Và tôi là người duy nhất chịu trách nhiệm cho những gì đã xảy ra”.
Từ chức bởi cáo buộc bạo hành vợ cũ
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan bất ngờ từ chức hôm 18-6, bởi cáo buộc ông bạo hành vợ cũ. Trong khi làn sóng bảo vệ phụ nữ ngày càng tăng cao, công chúng càng phẫn nộ trước thông tin trên, cho rằng ông không đủ năng lực và tư cách nắm giữ chức vụ.
Không từ chối trực tiếp, ông Shanahan lựa chọn né tránh vấn đề bằng tuyên bố: “Thật không may, một tình huống đau buồn và cực kỳ riêng tư liên quan đến gia đình từ cách đây rất lâu đang bị đào xới”.
|
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ từ chức vì cáo buộc bạo hành vợ cũ. |
Ông Shanahan, 56 tuổi, nhận chức quyền Bộ trưởng quốc phòng vào tháng 1/2019. Theo USA Today, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đã điều tra những mâu thuẫn giữa ông Shanahan và vợ cũ trong suốt 9 năm. Ông Shanahan khẳng định “chưa bao giờ bạo hành vợ cũ”. Thay vì thế ông còn nhận rằng “mình đã bị bạo hành” về mặt tinh thần.
Ngay lúc căng thẳng Mỹ - Iran leo thang, sức ép của dư luận đã khiến vị chính trị gia này phải chủ động từ chức ngay khi ông vừa mới thông báo quyết định triển khai thêm khoảng 1.000 binh sĩ đến Trung Đông vào ngày 17-6 để đối phó với điều mà ông gọi là “mối đe dọa” Iran.
Bộ trưởng Thuỵ Điển lái xe khi uống rượu
Vụ việc cuối cùng được nhắc tới là vào tháng 8 - 2016, nữ Bộ trưởng trẻ nhất trong lịch sử Thụy Điển - Aida Hadzialic, đã thông báo rời chức vụ tại Bộ Giáo dục sau khi bị phát hiện lái xe lúc say rượu. Theo Reuters, cựu bộ trưởng cho biết bà đã dự một buổi hòa nhạc ở Copenhagen (Đan Mạch), ăn tối và uống 2 ly rượu vang.
Sau khi chờ khoảng 4 giờ, bà đã lái xe đến Malmö khi nghĩ rằng lượng rượu đó đã không còn ảnh hưởng nhiều. Khi bị cảnh sát thành phố Malmo chặn lại trên cây cầu giữa Đan Mạch và Thụy Điển; kết quả kiểm tra sau đó cho thấy, nồng độ cồn trong máu của bà Hadzialic ở mức 0,2 gram/lít máu - mức vừa đủ để bị xem là vi phạm luật giao thông Thụy Điển, dù chỉ số này thấp hơn nhiều so với các nước khác. Thậm chí, bà Hadzialic có thể phải đối mặt với 6 tháng tù tại thời điểm đó.
Tại buổi họp báo về vụ việc này, nữ Bộ trưởng đã nghẹn ngào bày tỏ đây là sai lầm lớn nhất của cuộc đời mình. Tốt nghiệp bằng luật và thông thạo năm thứ tiếng, bà Hadzialic được đánh giá là gương mặt sáng giá trong giới chính trị Thuỵ Điển khi được bổ nhiệm vào năm 2014.
|
Nữ bộ trưởng Thuỵ Điển từ chức vì lái xe sau khi uống rượu, nồng độ cồn đo được là 0,2_mille. |
Dẫn lời bà Hadzialic: “Tôi biết có rất nhiều người ắt hẳn đã thất vọng về tôi. Và tôi cũng đang giận chính bản thân mình, tôi thật sự rất hối tiếc vì điều đó. Tôi quyết định từ chức vì tôi tin rằng sự vi phạm của mình là nghiêm trọng”.
Văn hoá và pháp luật
Đọc đến đây, chắc hẳn mỗi người đọc đều có những suy nghĩ riêng khi thấy rằng những lỗi lầm có thể được cho là bình thường ở Việt Nam như lái xe khi uống rượu bia, ăn uống xa xỉ, sử dụng thân quen để được đặc quyền đặc lợi… lại bị chỉ trích gay gắt ở những nước phát triển đến vậy. Trong khi đó, từ chức là một chuyện rất đỗi bình thường ở nước ngoài nhưng lại “xa lạ” với người Việt.
Từ câu chuyện từ chức của các vị lãnh đạo đầu ngành ở các nước trên thế giới, có thể thấy, từ chức đã như một thứ văn hóa mang tính truyền thống “ăn sâu, vào tận gốc rễ” trong tiềm thức và đời sống của người dân cũng như của các quan chức ở những nước này.
Việc vi phạm pháp luật, vi phạm các quy tắc chung của cộng đồng có thể coi như hành vi chống lại sự bình đẳng trong xã hội, đi ngược lại nguyên lý vận hành của những xã hội phát triển. Bên cạnh đó, đây cũng là vấn đề đạo đức con người cũng như trách nhiệm với xã hội. Như nữ cựu Bộ trưởng Thuỵ Điển đã tự nhận hành vi của mình là sai phạm “nghiêm trọng”.
Như một lẽ đương nhiên, nếu trong một xã hội bình đẳng, công bằng, chỉ cần có một người, bất kể là ai, được đối xử đặc cách; sự bình đẳng ấy sẽ chỉ là “giả tạo”. Một khía cạnh khác có thể thấy, đó là tiếng nói của dư luận có sức mạnh to lớn kể cả đối với những người quyền cao chức trọng.
Người dân các đất nước này đều không chấp nhận việc mình phải đi làm và nộp thuế nuôi những quan chức không đủ cốt cách thực hiện những hành vi vi phạm đạo đức xã hội, vi phạm pháp luật.
Còn ở Việt Nam, xã hội chúng ta vẫn chưa có thói quen, nền tảng về mặt xã hội lẫn pháp lý về văn hoá từ chức. Nói đến “văn hoá” phải xuất phát từ ý thức xã hội, từ nhận thức của mỗi cá nhân dẫn đến một sự đồng lòng chung của cả cộng động về nhận định, phản đối một hành vi sai phạm.
Còn về mặt pháp lý, việc xây dựng các quy định về từ chức, nếu không cẩn thận, có thể trở thành “hành lang pháp lý” cho người sai phạm “rũ bỏ trách nhiệm” một cách an toàn.
Như Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, từng nói: “Trên thực tế ở Việt Nam đã tồn tại việc “từ quan”, “ở ẩn” của các bậc sỹ phu. Thầy giáo Chu Văn An là một trong những bậc trí nhân điển hình. Nhưng xã hội không gìn giữ, phát huy khí tiết đó nên không tạo ra được văn hóa từ chức.
Tạo ra văn hóa từ chức trên nền tảng của pháp luật là thứ văn hóa đẹp nhất, chắc chắn nhất, có cơ sở để giải quyết các vấn đề phát sinh. Nói đúng hơn, pháp luật dẫn đường tạo thành văn hóa pháp lý từ chức”.