101 lý do bị… “ném đá”
Công việc làm từ thiện, là một nghĩa cử cao đẹp của người Việt Nam ta từ lâu đời nay. Việc làm ý nghĩa này, như đã ăn sâu vào trái tim mỗi con người, trong đó, những người nghệ sỹ Việt không phải là ngoại lệ.
Sau ánh hào quang sân khấu, hình ảnh các nghệ sĩ cùng “xắn tay” giúp đỡ đồng bào vùng lũ miền Trung khiến ai nấy đều cảm động. Người bỏ tiền túi ủng hộ, người đứng ra kêu gọi gây quỹ, người trực tiếp đến tận nơi cứu trợ bà con – dù cách thức khác nhau nhưng tất cả đều chung tay “góp gió thành bão” để tiếp sức cho đồng bào vượt qua cơn bĩ cực.
Từ trước tới nay các lớp văn nghệ sỹ qua từng thời đã và đang nối tiếp nhau trao đi trái tim thiện nguyện, giúp đỡ cộng đồng như một lời tri ân với cuộc đời của mỗi nghệ sỹ. Khi có sự tham gia của các văn nghệ sĩ thì hiệu ứng xã hội, sự lan tỏa thiện nguyện rất nhanh chóng và mạnh mẽ.
Những hành động từ thiện âm thầm và lặng lẽ, như phản chiếu cả một trái tim chân thành của những nghệ sỹ đã khiến người hâm mộ càng thêm yêu mến. Giữa lúc các nghệ sĩ đang tận tâm, tận lực chia sẻ nỗi bất hạnh đồng bào thì vẫn có những ánh mắt soi mói, chà đạp khiến nghệ sĩ lòng tốt bị tổn thương.
Họ cho rằng, nghệ sỹ làm từ thiện để PR hình ảnh của mình, bởi thời gian gần đây một vài cá nhân đi làm từ thiện như… chạy show. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ ấy là có được hình ảnh để tung hô mình trên một số phương tiện thông tin đại chúng. Điều này đã khiến những nghệ sĩ chân chính bị tổn thương.
Ca sĩ Thủy Tiên đã tạo hiệu ứng lớn trong dư luận khi từ thiện với số tiền quyên góp khổng lồ từ các mạnh thường quân lên tới hơn 150 tỷ đồng. Hình ảnh ca sĩ Thủy Tiên vượt lũ, đi xuồng tới từng nhà dân ở Quảng Bình, phân phát quà... lay động trái tim hàng triệu người Việt Nam.
Sự dấn thân, tấm lòng hướng thiện của Thủy Tiên nhận được vô số lời khen ngợi và ngưỡng mộ của công chúng. Tuy nhiên, vẫn có một số người “ném đá” vì cho rằng nữ ca sĩ tặng tiền, quà theo cảm hứng – người ít, kẻ nhiều. Họ còn nghi ngờ tính minh bạch trong quá trình sử dụng tiền từ thiện của Thủy Tiên, yêu cầu sao kê rõ ràng, khi sao kê rồi vẫn tiếp tục hoài nghi.
Ca sĩ Thủy Tiên bị xúc phạm, tổn thương tưởng như ngã gục trước sự cay nghiệt của người đời. |
Không chỉ bị chỉ trích, Thủy Tiên còn bị một số người lập nhóm anti-fan với con số gần 10 nghìn thành viên, đồng thời công kích, đe dọa tẩy chay các thương hiệu mà cô ký hợp đồng quảng cáo. Trước “thảm cảnh” này, Thủy Tiên bị xúc phạm, tổn thương tưởng như ngã gục.
Ca sĩ Nguyễn Trần Trung Quân cũng là người tích cực làm từ thiện hướng về miền Trung. Nhưng dưới mỗi bài đăng của nam ca sĩ lại có một số anti-fan cho rằng anh và quỹ Tự Tâm không minh bạch tài chính.
Điều này, anh vô cùng bức xúc nhanh chóng lên tiếng đáp trả. “Anti-fan đọc giúp tất cả bình luận nhé xem là có ai đóng góp cho quỹ Tự Tâm chia sẻ từ tâm mà cảm thấy bất bình và lên tiếng không nhé. Xin lỗi, chúng tôi không làm những việc thất đức và hèn kém đến thế. Còn nếu cảm thấy đủ bản lĩnh nhé, trình bày lên phường, ra công an, chúng ta làm một cuộc đàm đạo xem đứa nào mất dạy, đứa nào lừa đảo hay vu khống là biết ngay”.
H’hen Niê cũng bị “soi mói”. Một số cư dân mạng chê H’hen Niê keo kiệt khi giàu có nhưng chỉ góp 50 triệu hỗ trợ người dân vùng lũ. H’hen Niê khóc nức nở cho biết, cô là người trụ cột của gia đình nên số tiền 50 triệu không phải là ít.
Hoa hậu H’hen Niê bật khóc khi bị một bộ phận cư dân mạng “ném đá”. |
Hơn nữa, chính mẹ của H’hen Niê luôn động viên cô lo cho cộng đồng rồi mới đến gia đình. H’hen Niê cảm thấy đau đớn khi lòng tốt của mình bị “ném đá”. Hoài Linh bị chê chỉ giỏi kêu gọi chứ không bỏ tiền riêng đóng góp; Dương Triệu Vũ bị nhắc “bán nhà phải mang tiền đi làm từ thiện”.
Đừng “ngáng chân” những nghệ sĩ thiện nguyện
MC - diễn viên Quyền Linh cũng bị hàng tá người vào chửi: “Ông hiến thì hiến đi, nói làm gì” khi anh chia sẻ việc mình hiến tạng và vận động mọi người hiến tạng trên trang cá nhân. Nổi tiếng là một MC - diễn viên hết lòng vì người nghèo, miệt mài rảo bước khắp nẻo đường đất nước, đến những thôn quê xa xôi để hỗ trợ những mảnh đời bất hạnh, Quyền Linh vẫn bị không ít khán giả chỉ trích là “tham tiền”, “tham còn than”, “nhận nhiều show để “đánh bóng” tên tuổi”, “chảnh chọe”... Anh sốc và cảm thấy tổn thương ghê gớm khi sự tận tụy của mình đổi lại là búa rìu dư luận.
Nam ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “đấu” lại dân mạng: “Sao không kéo lên xem tôi đã viết bao nhiêu trạng thái và đăng tải số tài khoản quyên góp? Mà cứ thấy tôi đăng tải tin cá nhân lên là nhào vô chửi”. “Nghệ sĩ cũng lao động đổ mồ hôi sôi nước mắt… kiếm đồng tiền chứ có ai đem tiền tới phát không đồng nào cho nghệ sĩ không mà quy trách nhiệm, mà giáo dục, truy cứu, hạch hỏi như quan tòa”.
Chuyên gia truyền thông Nguyễn Hoàng Tú phân tích: “Nhiều bạn trẻ sử dụng nó như một cái máy chửi. Mạng xã hội giúp họ ẩn náu danh tính, đâu sợ người ta biết mình là ai. Và thế là họ tha hồ chửi mà không ý thức trách nhiệm của mình. Đáng báo động là bất cứ cái gì họ cũng có thể chửi được, kể cả điều tốt. Họ chửi mà không cần xét đến bản chất, nguồn gốc câu chuyện, chửi theo đúng slogan “mình thích thì mình chửi thôi.
Thậm chí, họ tranh nhau chửi cho thật độc, thật nanh nọc, bẩn tưởi hòng gây sự chú ý. Đó cũng là một cách dìm đối phương xuống và tự nâng mình lên theo đúng hội chứng tự luyến. Họ chửi xong rồi quên ngay nhưng người hứng chịu thì bị tổn thương nghiêm trọng. Chửi rủa, chê bai không căn cứ, vô tội vạ sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc của người bị chê. Cảm xúc tiêu cực sẽ dẫn đến hành động tiêu cực”. MC
Trấn Thành từng chia sẻ rằng: “Nếu mọi người cứ luôn nghi ngờ, phán xét tiêu cực thì không chỉ các nghệ sĩ mà nhiều người cũng sẽ ngại việc làm từ thiện, khi đó các hoàn cảnh khó khăn sẽ không được giúp đỡ. Tôi nghĩ cũng có một vài ca cần an ninh mạng vào cuộc để răn đe, đặc biệt là đối với những người ý thức kém và tự cho mình quyền chỉ trích hay mạt sát, dựng chuyện vu khống người khác. Rất nhiều nghệ sĩ khi làm từ thiện phải gặp những thể loại như thế.
Họ chịu đựng và im lặng, nhưng tôi thì không. Tôi cần phải lên tiếng để mọi thứ tốt hơn cho công việc từ thiện lâu dài, để các nghệ sĩ không bị áp lực hay tránh né cho yên thân. Bởi điều đó vô tình làm người nghèo bị thiệt thòi”.
Ca sĩ người Mỹ Kyo York tâm sự: “Có nhiều lời chê rất ác, làm tổn thương, hạ nhục nghệ sĩ. Hồi mới vào nghề, nghe những lời như vậy tôi vừa khó chịu vừa buồn lòng. Nhưng mình tự nhủ bất kỳ nghệ sĩ nào cũng có người thương, kẻ ghét. Nói thật nghệ sĩ chúng tôi phải có bản lĩnh lắm mới đối đầu được. Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến”.
Các nghệ sĩ nhắn nhủ: “Khi các bạn thấy người ta có lòng thương xót đồng bào đi cứu trợ, điều làm nhỏ nhất, nếu không cho được bằng hiện vật thì im lặng cũng là giúp ích lắm rồi. Vì ai cũng có lòng tự trọng. Họ đang cố gắng hết mình để góp một phần công sức song lại bị chửi, soi mói như là tội phạm. Khi họ nản, buồn, sĩ khí sẽ nguội lạnh thì mất một người có ích để giúp đồng bào”.