Khi nghệ thuật hoài niệm 'thời tem phiếu'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thời kỳ bao cấp, chế độ bao cấp… là những khái niệm có thể xa lạ với thế hệ trẻ ngày nay, tuy nhiên đối với những người từng sống ở thời kỳ ấy thì đó là giai đoạn gian khó nhưng đầy lạc quan. Giờ đây, nhiều người hoài niệm thời “tem phiếu” qua những bài hát, bộ phim để nhớ về một thời chưa xa.
Bộ phim“Ngõ lỗ thủng” về thời tem phiếu đang được giới trẻ tìm xem.
Bộ phim“Ngõ lỗ thủng” về thời tem phiếu đang được giới trẻ tìm xem.

“Xếp hàng” về quá khứ

Thời bao cấp, cách gọi nôm na của người dân là “thời tem phiếu”, “thời đặt gạch xếp hàng” để chỉ giai đoạn từ khi giải phóng miền Nam đến khi đất nước tiến hành công cuộc đổi mới. Mặc dù trước đó, năm 1954 khi miền Bắc được giải phóng, nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung đã được áp dụng nhưng thời kỳ bao cấp đầy đủ nhất ở nước ta là giai đoạn 1976 - 1986. Ở giai đoạn này, hầu hết sinh hoạt kinh tế đều được Nhà nước phân phối theo chế độ tem phiếu, sổ, bìa do Nhà nước nắm toàn quyền điều hành, phân phối hầu hết các loại hàng hoá, hạn chế trao đổi bằng tiền. Chế độ hộ khẩu được thiết lập trong thời kỳ này để phân phối lương thực, thực phẩm, hàng hoá theo đầu người.

Bao cấp, với người dân Việt Nam, được hiểu đơn giản là tất cả đều do Nhà nước đứng ra “bao” hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm, cho đến lương thực hằng ngày… Tem phiếu, bằng khen, sổ đội viên, chiếc chăn con công, thậm chí đôi dép cao su được làm từ lốp xe... là tài sản quý của gia đình. Lương đôi khi cũng được trả bằng hiện vật.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà người ta gọi bao cấp là cái thời “đặt gạch xếp hàng”. Bởi sở dĩ muốn mua được lương thực, thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày, người dân thời đó phải dậy sớm, đi xếp hàng từ 3 - 4 sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết đồ lại phải tay không quay về. Và thời ấy, người dân dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ, thậm chí là những viên đá khắc tên hẳn hoi để “xí chỗ” từ tờ mờ sớm sương và đứng vào chỗ đã “xí” khi cửa hàng mậu dịch bắt đầu mở cửa.

Phần lớn giới trẻ hiện nay hiểu về thời bao cấp qua những mẩu chuyện của ông bà, bố mẹ. Thời ấy, những ngày đói chỉ có tóp mỡ và khoai độn với cơm. Tết của ngày nay là “mâm cao cỗ đầy”, món ăn gì cũng có sẵn để mua và mua bất cứ lúc nào đến mức quen thuộc. Còn Tết của thời bao cấp, có được miếng thịt, miếng giò trong mâm cơm là cả một niềm hạnh phúc.

GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng đây là một thời kỳ thật đặc biệt của đất nước. Thời đó, con người sống tràn đầy niềm tin, tình nghĩa và rất gắn bó. Ông nhớ rõ kỷ niệm những lần phải “đặt gạch xếp hàng” từ 1, 2 giờ sáng, thậm chí từ tối hôm trước để giữ chỗ. Mỗi người có khi phải cùng lúc xếp hàng ở hai, ba nơi, mỗi nơi lại đặt một cục gạch đánh dấu vị trí của mình. Và hiếm người chen lấn. Họ sẵn sàng nhường nhịn nhau nếu ai đó gặp khó khăn.

Còn chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan kể, bà không thể nào quên nét mặt rạng rỡ của một đồng nghiệp khi mua được hai mớ rau muống một lúc tại một cửa hàng mậu dịch. Anh ấy đã hát vang câu hát “chế” đầy hài hước khi cầm hai mớ rau muống: “Cho ngày nay, cho ngày mai, cho… hai ngày sau”. Người ta thường nhớ thời bao cấp với sự thiếu đói triền miên, nhưng cái đói khiến cho mọi người bao bọc, xích lại nhau. Khi khó khăn, họ vay một vài cân khi thùng gạo rỗng là bình thường.

Có thể thấy, người dân thời bao cấp đã biết vượt lên những khó khăn vật chất để tìm thấy niềm vui, để tự động viên mình tiếp tục sống và làm việc.

Hoài niệm và lạc quan cuộc sống

Với mong muốn lưu giữ và làm sống lại ký ức một thời của Hà Nội những năm 1980, Nhà hát Tuổi trẻ đã thực hiện chương trình mang tên “Chuyện phố thời bao cấp” diễn ra vào tối ngày 14/10/2023 tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội).

NSƯT Sĩ Tiến, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Qua “Chuyện phố thời bao cấp”, Nhà hát Tuổi trẻ muốn kể câu chuyện về Hà Nội những năm 1980 của thế kỷ XX bằng âm nhạc. Khi ấy, cuộc sống còn rất thiếu thốn, khó khăn nhưng đời sống tinh thần của người dân khá sôi nổi, vui tươi. Văn nghệ thời bấy giờ có nhiều chuyển động ghi dấu ấn, với sự đa dạng, phong phú và hấp dẫn. Từ âm nhạc dân tộc, cổ truyền, đến âm nhạc cách mạng, âm nhạc phương Nam, âm nhạc phương Tây và nhiều vùng miền khác cùng hòa trộn… Tất cả sẽ được làm sống dậy trong chương trình “Chuyện phố thời bao cấp” nhưng với cách kể đầy mới mẻ, trẻ trung”.

“Không phải là một chương trình âm nhạc đơn thuần, “Chuyện phố thời bao cấp” giống như một câu chuyện âm nhạc, đưa khán giả đến một gia đình tứ đại đồng đường sống ở phố cổ Hà Nội. Những vui buồn và cả những hạnh phúc riêng tư phản ánh một phần đời sống của người Hà Nội những năm 1980. Mỗi người một cá tính, một công việc, một sở thích khác nhau. Có mâu thuẫn, có va chạm nhưng chính âm nhạc với những giai điệu tuyệt vời như liều thuốc, liệu pháp chữa lành, hàn gắn và hóa giải mọi khúc mắc, đưa mọi người gắn kết với nhau”, NSƯT Lê Ánh Tuyết cho biết. Tại chương trình, khán giả không chỉ thưởng thức âm nhạc mà còn được đắm chìm trong không gian của một thời hoài niệm với những quầy hàng mậu dịch bán đủ các mặt hàng bằng tem phiếu thời bao cấp.

Các ca khúc được thể hiện như: Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, Hoa sữa (Hồng Đăng); Nhớ mùa thu Hà Nội (Trịnh Công Sơn); Nhớ về Hà Nội (Hoàng Hiệp); Thành phố buồn (Lam Phương); Bảy ngày đợi mong, Chuyện hẹn hò (Trần Thiện Thanh); Như khúc tình ca, Ơi cuộc sống mến thương (Nguyễn Ngọc Thiện); Câu chuyện nhỏ của tôi (Thanh Tùng); Mặt trời bé con, Tạm biệt chim én (Trần Tiến); Em như tia nắng mặt trời (Nguyễn Đức Trung)...

Không chỉ thưởng thức âm nhạc, giới trẻ giờ đang tìm xem lại bộ phim “Ngõ lỗ thủng” 29 tập do Trần Quốc Trọng làm đạo diễn, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (Đài Truyền hình Việt Nam) sản xuất năm 2009... Kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên và tiểu thuyết “Tiễn biệt những ngày buồn” của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Bộ phim gợi không khí của cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi đất nước trong cơn chuyển mình, đôi lúc đến mức quyết liệt, để bước vào một thời kỳ đổi mới với ngổn ngang những bi hài. Những biến động và khó khăn của đất nước đã ảnh hưởng sâu sắc đến nhận thức xã hội, mối quan hệ giữa người với người.

Mâu thuẫn giữa tốt - xấu, thiện - ác, chân chất - thực dụng, tầng lớp trí thức - người lao động, ngay thẳng, thật thà - tính toán, ích kỷ... và những nghịch cảnh trớ trêu trong xã hội càng được dịp phơi bày. Sự sắp đặt có dụng ý những nhân vật góc cạnh bên cạnh những nhân vật hiền lành, những người chân chất, hồn hậu cùng những người toan tính, vụ lợi. Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ với cái bảo thủ, lạc hậu… luôn song hành khiến bộ phim ngồn ngộn những chi tiết và những tình huống thú vị.

Những chương trình ca nhạc, bộ phim được các nghệ sĩ thực hiện từ tình yêu với Thủ đô, tình cảm gắn bó, nhớ thương, hoài niệm về một “thời tem phiếu”. Các nghệ sĩ muốn lưu giữ và làm sống lại những ký ức đó, để khán giả từng trải qua có thể trở về và các bạn trẻ thêm hiểu sự vất vả trong cuộc sống của thế hệ ông, cha để trân quý những giá trị đương thời.

Đọc thêm