Khi thầy cô vượt qua… bản ngã

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đôi khi, trong hành trình làm “người đưa đò”, những vụn vặt thường nhật làm thầy cô quên đi những khát vọng nguyên sơ, những lý tưởng thuở ban đầu. Và khi được nhắc nhớ, lấy lại cảm hứng, thầy cô của chúng ta sẽ có những cuộc “trở về” trong yêu thương...
Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”.
Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi”.

Thầy cô chúng ta đã thay đổi

Dù đã được thực hiện trong 2 năm qua nhưng series phim của Đài Truyền hình Việt Nam VTV7 “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” vẫn khiến người xem vẹn nguyên cảm xúc, đặc biệt là mỗi dịp “Tết thầy cô”.

Serie mới lạ, hướng tới cải thiện mối quan hệ trong trường học, giúp các giáo viên toàn quốc nỗ lực thay đổi và vượt qua những khó khăn mà giáo viên phải đối mặt trong quá trình giảng dạy.

Thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi, đó chính là những yếu tố mang đến một lớp học hạnh phúc. Nhưng thay đổi là một hành trình gian nan, cần sự nỗ lực và bền bỉ. Chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” sau khi lên sóng đã lan toả giá trị tích cực đến những ngôi trường trên cả nước. Các giáo viên lấy lại sự tự tin và tạo ra môi trường học tập - nơi mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đều hạnh phúc và hài lòng.

Serie gồm 9 tập, trong đó có 8 thầy, cô giáo với 8 câu chuyện, 8 hành trình khác nhau. Hầu hết các thầy, cô giáo, khi tham gia chương trình đều là những người mong muốn được thay đổi, được thoát ra khỏi cái “tù mòn” đã khiến mình quên đi ý nghĩa đích thực và “ngọn lửa” với nghề. Các thầy, cô giáo ấy, khi tham gia chương trình đã mang theo rất nhiều khát vọng đổi thay và lòng dũng cảm. Bởi, để công khai lớp học của mình và chấp nhận thử thách, phơi bày ra những cái chưa hay của bản thân thì cần phải rất có tâm với nghề và quyết tâm thay đổi đến nhường nào.

Mỗi câu chuyện là một lát cắt trong cuộc sống sư phạm giảng dạy hàng ngày của thầy cô. Đó là những chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt hàng ngày, từ chuyện cô giáo nóng giận, học trò mất tập trung, môn học không được coi trọng... Mỗi một câu chuyện thật và sống động ấy đem lại cho người xem bao xúc cảm, vì nó không chỉ chạm được đến tâm tư của những thầy cô mà còn chạm đến trái tim của tất cả chúng ta, những người từng ngồi trên ghế nhà trường.

Trong chương trình, đã có những sự thay đổi ngoạn mục. Có những đổ vỡ được hàn gắn lại. Có những giọt nước mắt đã rơi. Và người xem cũng rơi nước mắt khi tận mắt chứng kiến những trăn trở, tâm tư, nỗ lực của thầy, cô giáo.

Những giọt nước mắt hạnh phúc

Ngay từ ở tập 1 mang tên “Trường học là sự tôn trọng”, người xem đã được đến với một câu chuyện nhiều xúc động của một cô giáo dạy Sử ở Vĩnh Phúc. Cô Lê Thanh Nga là một cô giáo từng nhiều nhiệt huyết. Nhưng rồi, ngày qua ngày, trong quá trình làm nghề, cô giáo Nga cảm thấy mệt mỏi, chán nản và từng muốn bỏ nghề.

Cô giáo Nga bắt đầu thử thách thay đổi bản thân mình từ tháng 11/2016, các máy quay được lắp đặt trong lớp học để ghi lại những hình ảnh chân thực nhất về cảm xúc, hành động của cô giáo và học sinh. Cô là một giáo viên giỏi, có kiến thức chuyên môn, có năng lực. Nhưng tất cả nỗi niềm gây cho cô sự chán ngán, khi cô cảm giác học trò không tôn trọng mình.

Cô nói đường cô, học trò làm đường học trò, sự cáu gắt, thậm chí giận dữ của cô giáo đổi lại là sự lờn mặt, thờ ơ của học trò. Các góc máy đã đem lại cho người xem bức tranh bức bối như thế.

Nhưng, mọi vấn đề đều đến từ hai phía. Nếu như với cô giáo Nga, cảm giác học sinh không tôn trọng mình đè nặng thì với học sinh, những tiếng la mắng, cái lắc đầu, ánh mắt chán nản, sự phán xét của cô cũng tạo ra những áp lực vô hình đè nặng lên học trò, khiến các em thấy cô xa lạ, cả hai bên không tìm được tiếng nói chung. Và nếu muốn thay đổi, cô Nga là người phải bước đến các em trước.

Cô dần dà học cách bao dung hơn, cười với các em nhiều hơn, giao tiếp với các em sâu sắc hơn. Cô chủ động tìm hiểu về các em. Và rồi, bỗng nhiên không khí lớp học đổi thay. Tiếng cười xuất hiện, cả cô và trò cùng cười với nhau. Lớp học sôi nổi hơn, vui vẻ hơn rất nhiều.

Sau hơn 2 tháng tự bản thân thay đổi, cô Nga đã dần tìm lại được những nụ cười, niềm đam mê mà tưởng như đã mất đi nhiều tháng trước đó. Cô chia sẻ: “Hóa ra mình đã sai, sự khoảng cách giữa trò và cô là không cần thiết. Sự tôn trọng không có nghĩa là mình có khoảng cách, mà nó phải bắt nguồn từ tình cảm. Nếu học sinh không có sự yêu quý giáo viên thì đó chỉ là sợ chứ không phải tôn trọng”.

Và rồi, khoảnh khắc cô Nga bước từ trên bục xuống, giang tay như muốn ôm tất cả các em học sinh vào lòng là khoảnh khắc mà bức tường giữa đôi bên đã được phá bỏ. Cả cô và trò giờ đây không còn là “người dạy” và “người nghe” mà thật sự là thầy trò thân thiết. 9 tháng là cả một khoảng thời gian dài để cô Nga nhận ra trường học là sự tôn trọng lẫn nhau giữa cô và trò! Niềm hạnh phúc như chực vỡ òa khi các em nhẹ nhàng ôm cô và nói rằng: “Cô Nga là người mẹ thứ 2 của chúng em”. Dẫu biết sau này trên con đường giảng dạy sẽ còn có những lúc mệt mỏi và chán chường nhưng chúng tôi tin, bằng tình yêu nghề và thương yêu học trò, cô Nga sẽ luôn mạnh mẽ và sẵn sàng thay đổi bản thân để bước tiếp.

Cô Lê Thanh Nga trong tập 1 chương trình

Cô Lê Thanh Nga trong tập 1 chương trình

Thay đổi để hạnh phúc

Ở mỗi một tập phim, ta bắt gặp một câu chuyện, một khía cạnh khác nhau trong đời sống như thế.

Đó là cô giáo Lê Thị Nếp, Trường Tiểu học và THCS Bắc Sơn (Hưng Hà, Thái Bình), người thẳng thắn chia sẻ rằng mình đã đi theo lối mòn giảng dạy, đã thi hành “kỉ luật sắt” với các em, và rồi tâm sự: “Tôi cũng gặt hái được một số thành công, học sinh ngoan, nghe lời cô, đặc biệt là giấy khen tôi nhận được hàng năm, tôi nhủ rằng mình đã đi đúng hướng. Nhưng như thế, tôi có thực sự hạnh phúc với nghề không? Thú thực, đã có lúc tôi đứng hình trên bục giảng khi nhận được phản ứng từ học sinh như lườm nguýt, lẩm bẩm... Tôi không bao giờ được nghe những lời bộc bạch của các em. Học sinh cứ xa lánh tôi, thu mình lại và tự xây một bức tường làm lá chắn cho mình”.

Sau chương trình, đã có một cô Nếp khác trong mắt học trò mình.

Và chuyện thầy Hà Văn Thắng (giáo viên dạy môn Địa lý Trường Trung học thực hành - Đại học Sư phạm TP HCM) tham gia chương trình với mong muốn “Tôi muốn mình thật sự đổi mới trong cách dạy học. Chắc chắn tôi không phải là người hoàn hảo thì việc tiếp cận cách dạy mới, thay đổi cách dạy cũ là đương nhiên”. Và kết thúc câu chuyện bằng hình ảnh học trò bế bổng thầy lên cao.

Chương trình đã mạnh dạn đưa những hình ảnh không đẹp của các thầy cô lên sóng, như trừng mắt, lớn tiếng quát tháo, tạo áp lực khiến học sinh bật khóc, trách mắng khiến các em không còn động lực đến trường và để chính thầy xem lại những việc làm thiếu trách nhiệm của mình đối với học sinh. Các em học sinh cũng thẳng thắn chia sẻ cảm nhận về giáo viên của mình, cả về mặt tốt lẫn mặt chưa hài lòng. Ban cố vấn của chương trình gồm những giáo viên, chuyên gia, cùng nhau phân tích từng nguyên nhân, ý nghĩa và tác hại của những hành động không đẹp ấy.

Sự dũng cảm của các thầy cô khi tham gia chương trình đáng trân trọng biết nhường nào. Và lòng dũng cảm ấy đã truyền cảm hứng cho biết bao nhiêu thầy, cô giáo khác trên cả nước. Để thầy cô hiểu rằng, không có gì là không thể. Rằng cho dù nhiều năm đứng trên bục giảng, có thể lối mòn đã khiến các thầy cô đánh mất đi “ngọn lửa” thuở ban đầu, nhưng nếu muốn, lửa vẫn có thể thắp lại, bằng sự nỗ lực đổi thay của các thầy cô. Hạnh phúc, thành công và những yêu thương đã trở về. Bởi hơn tất cả, nghề giáo là nghệ thuật của tri thức và yêu thương.

Những chương trình như thế cũng giúp chúng ta hiểu rằng, thầy, cô giáo hạnh phúc, học trò sẽ hạnh phúc và thế giới đổi thay. Đừng để các thầy, cô giáo phải gánh lấy trách nhiệm “tạo hạnh phúc” trong đơn độc. Các thầy, cô giáo cần đến sự giúp sức của cả xã hội.

Đọc thêm