Học sinh đối diện với stress khi đến trường
Liên tiếp thời gian vừa qua, dư luận đã bàng hoàng về nhiều vụ tự tử ở trẻ vị thành niên tại nhà. Trong tháng 4/2022, Khoa Sức khỏe Vị thành niên (Bệnh viện Nhi Trung ương) tiếp nhận đến 4 trường hợp trẻ tự tử đến cấp cứu.
Một trong số đó là cháu bé 14 tuổi nhập viện trong tình trạng li bì, hôn mê, do trước đó đã uống 1 lượng lớn thuốc ngủ để tự tử. Sau khi được các bác sĩ xử trí cấp cứu, rửa dạ dày… trẻ đã tỉnh, và đến nay sức khỏe đã ổn định.
Theo như chia sẻ của bệnh nhi này, nguyên nhân cháu tự tử là do không có mục tiêu trong cuộc sống, bố mẹ áp đặt quá nhiều, đặc biệt là kỳ vọng vào kết quả học tập cao, trong khi bản thân trẻ lại sợ học. Khi mất phương hướng, không biết chia sẻ cùng ai, trẻ đã tìm đến cái chết.
Khi giãn cách qua đi, cha mẹ và thầy cô phần lớn bàn tính ngay đến việc cho con trở lại trường học. Tuy nhiên, việc hỗ trợ sức khỏe tâm thần và thể chất của bọn trẻ lại chưa được nhắc tới thường xuyên, trong khi đây là vấn đề rất bức bách sau giai đoạn trẻ phải ở trong bốn bức tường, học online qua màn hình máy tính, điện thoại.
Bà Nguyễn Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Nguyễn Tất Thành (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ từ đợt dịch đầu tiên năm 2020, khi hết giãn cách xã hội và HS trở lại trường, bà đã nhận thấy sự tương tác, giao tiếp của các em với thầy cô, bạn bè, trong các hoạt động chung của nhà trường đều bị ảnh hưởng rất nhiều.
“Kết quả kiểm tra giữa học kỳ 2 khi HS quay trở lại trường khiến chúng tôi, nếu nói nhẹ thì là “choáng” mà nặng hơn phải là “sốc”, vì kết quả giảm sút quá nhiều so với kiểm tra cùng kỳ cách đây 2 năm”, bà Thu Anh nói. Điều đó phản ảnh rất rõ những hậu quả để lại về kết quả học tập sau thời gian cách ly của học sinh, trong đó có nguyên nhân quan trọng là những căng thẳng tâm lý.
Áp lực từ việc học chỉ phản ánh một phần, cái chính học sinh đang quá tải về các mối quan hệ với giáo viên (GV), bạn bè và những đối tượng tương đồng khác. Tình trạng bạo lực học đường vẫn tiếp diễn trong khi nhiều học sinh không có người chia sẻ đủ tin cậy, an toàn.
“Mình nhớ rõ hồi lớp 5, bạn gái nổi bật nhất lớp đã kêu gọi các bạn khác bắt nạt mình vì “nhìn không vừa mắt”. Mỗi lần đi học, mình phải đối diện với ánh mắt thiếu thân thiện và lời mỉa mai của mọi người. Nhưng người lớn chỉ xem đó là chuyện trẻ con “trêu đùa” nhau chứ không có gì to tát. Đã có lần mình bị giáo viên lờ đi khi giơ tay báo cáo chuyện bị chọc phá trong giờ học”, Mai Hạnh (21 tuổi, TP HCM) chia sẻ.
Ngày 18/12/2017, Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư số 31 về việc hướng dẫn công tác tư vấn tâm lý cho HS. Đây là tín hiệu vui, giúp cho các học sinh an tâm, có nơi để “giãi bày tâm sự” với người làm công tác tư vấn tâm lý học đường. Tuy nhiên thực tế hiện nay công tác tư vấn học đường vẫn còn là hình thức. Nhiều trường không có phòng tư vấn, hay có nhưng tên gọi cũng rất khác nhau: nơi gọi là phòng “tham vấn tâm lý”, nơi khác là phòng “tham vấn học đường”, có nơi là phòng “tư vấn hướng nghiệp”…
Vì chưa coi trọng đúng mức nên sự đầu tư nguồn nhân lực và tài chính hoạt động này còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ các phòng tham vấn tâm lý đều rất mỏng, có nơi chỉ có một người và phải kiêm nhiệm, không có chuyên môn nên chưa đáp ứng được nhu cầu tư vấn của học sinh. Cơ sở vật chất thiếu thốn, thậm chí có nơi bố trí chung với các phòng chức năng khác, hoặc đặt ở nơi có nhiều người qua lại, trong khi phòng tham vấn tâm lý đòi hỏi phải có không gian gần gũi, ấm cúng, riêng tư và bí mật để học sinh đến chia sẻ.
Ảnh VTC |
Hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho học sinh đúng cách như thế nào?
Trước những thực trạng đáng báo động về vấn đề tâm lý của học sinh tại nhà và tại học đường hiện nay, giải pháp tốt nhất mà các chuyên gia tâm lý đề nghị đó chính là nên thực hiện tư vấn tâm lý học đường cho trẻ ngay từ khi chúng còn đang ngồi trên ghế nhà trường, đặc biệt chú ý tới giai đoạn trẻ dậy thì. Tham vấn tâm lý có thể giúp học sinh tháo gỡ được những vướng mắc, khó khăn trong học tập, cuộc sống, từ đó sẽ không cảm thấy quá căng thẳng, áp lực, nặng nề, mệt mỏi.
Tuy nhiên, phòng tham vấn tâm lý sẽ không thể phát huy tối đa công năng nếu không có sự đồng hành, hỗ trợ từ cả phía cha mẹ và thầy cô như một chiếc kiềng ba chân. Việc lắng nghe, quan tâm trẻ đúng cách, cho trẻ không gian được chấp nhận, tôn trọng và giãi bày là rất quan trọng để ngăn ngừa những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), ưu tiên số 1 phải là phòng ngừa thay vì điều trị; thứ hai là phải phát hiện, can thiệp sớm thì hiệu quả cao hơn. Người có thể phát hiện, can thiệp sớm các dấu hiệu sức khỏe tâm thần của trẻ có vấn đề, không ai khác chính là cha mẹ các em, sau đó là GV rồi mới đến cộng đồng.
Trong bối cảnh hiện nay, so với việc sẽ cho trẻ học trên trường như thế nào, người lớn cần ưu tiên tới sức khỏe tinh thần của học sinh, phục hồi những tổn thương và giúp nhau trở nên bền bỉ, mạnh mẽ hơn trước diễn biến dai dẳng của COVID-19. Không chỉ vậy, cha mẹ và thầy cô thờ ơ với những vấn đề tinh thần của bọn trẻ bởi chính họ cũng đang thờ ơ với những tổn thương của bản thân. Người lớn cũng phải tìm cách để tự giúp mình, học cách lắng nghe bản thân, chuyển hóa những sự căng thẳng, lo âu, những nỗi đau vốn âm ỉ bấy lâu nay bị khuếch đại bởi dịch bệnh. Khi đó, họ không những giúp được cho trẻ, mà người hưởng lợi đầu tiên là chính mình.
Cần tháo gỡ những “nút thắt”
Theo Tổ chức Y tế Thế giới năm 2017, cứ bốn học sinh từ 14-15 tuổi lại có một em gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn cư xử... Tại Việt Nam, báo cáo nghiên cứu về Sức khỏe tâm thần và tâm lý xã hội của trẻ em và thanh niên tại Việt Nam do ODI, Unicef phối hợp Bộ Lao động và Thương binh Xã hội nghiên cứu năm 2018 cũng chỉ ra, tỷ lệ trẻ em và vị thành niên hiện nay mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần chung là từ 8% đến 29%. Các loại hình vấn đề sức khỏe tâm thần phổ biến gồm hướng nội (lo âu, trầm cảm, cô đơn) và các vấn đề hướng ngoại (tăng động và giảm chú ý). Việc gặp phải những vấn đề về tâm lý có thể dẫn tới suy giảm chất lượng học tập, chất lượng sống kém, ảnh hưởng đến các mối quan hệ, thậm chí dẫn tới nguy cơ tự sát cao.
Trong bối cảnh hiện nay, sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19 tràn qua, không thể phủ nhận nhiều người gặp phải rất nhiều khó khăn về tâm lý, đặc biệt là trẻ em. Đã có học sinh giảm sút trong học tập do các em không tập trung được vì học trực tuyến, phải ở trong nhà quá lâu, thiếu không gian chơi phù hợp với lứa tuổi, thiếu tương tác với thế giới bên ngoài, với môi trường tự nhiên, do đó càng nhận được nhiều áp lực học tập từ phía cha mẹ. Các em cũng cảm thấy lo lắng khi có sự đứt gãy mối quan hệ, giao tiếp với bạn bè, thầy cô giáo. Bên cạnh đó, việc ở nhà lâu cùng bố mẹ cũng phát sinh mâu thuẫn giao tiếp và mối quan hệ giữa cha mẹ - con cái.
Đại dịch đã và đang khiến cuộc sống cha mẹ gặp nhiều khó khăn, căng thẳng. Nếu không có khả năng hóa giải những nút thắt tinh thần của mình, theo cơ chế lan truyền, nơi hấp thụ những cơn sang chấn của cha mẹ rất có thể là căn phòng của lũ trẻ. Việc giữ bọn trẻ ở trong nhà hàng tháng trời dường như giữ được bọn trẻ an toàn về mặt thể lý với dịch bệnh, nhưng rất có thể đang khiến chúng “phơi nhiễm” những rủi ro đối với vấn đề sức khỏe tâm thần. Trẻ phải chịu đựng những tổn thương kép từ chính trải nghiệm của chúng với biến cố dịch bệnh và cả căng thẳng thứ cấp hấp thụ từ sang chấn của cha mẹ, khiến ít nhiều đã làm trầm trọng thêm vấn đề tâm lý xã hội ở trẻ em.