Cần sẵn sàng cho một xã hội già hóa
Như vậy, thời gian tăng gấp đôi tỷ lệ NCT dự kiến chỉ là 27 năm (2011 - 2038), Việt Nam thuộc nhóm quốc gia già hóa nhanh nhất thế giới (Trung Quốc 26 năm, Thái Lan 22 năm, Brazil 21 năm…). Quá trình già hóa dân số ở các nước như Pháp là 115 năm, Thụy Điển 85 năm, Úc 73 năm … Điều này cho thấy, thời gian chuẩn bị cơ sở vật chất, tâm lý xã hội cho dân số già của Việt Nam ngắn hơn rất nhiều so với các nước đã phát triển.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội Trường Đại học Kinh tế Quốc dân chia sẻ, với thời gian “già hóa” quá ngắn, nền kinh tế còn đang phát triển, Việt Nam chưa kịp chuẩn bị các mạng lưới an sinh xã hội phù hợp để đón một xã hội nhiều người già.
GS. Nguyễn Đình Cử cho biết, theo nghiên cứu cho thấy NCT nước ta có một số đặc điểm sau. Thứ nhất, NCT là nữ chiếm số đông. Năm 2019, trong tổng số hơn 11,4 triệu NCT thì có tới trên 6,6 triệu cụ bà (chiếm 58%), còn lại là 4,7 triệu cụ ông (chiếm 42%). Nói khác đi, cứ 100 cụ ông thì có tới 139 cụ bà.
“Cần chú ý rằng, tuổi càng cao thì số cụ bà càng nhiều hơn số cụ ông. Từ tuổi 85 trở lên, số cụ bà gấp hơn 2 lần số cụ ông. Năm 2019, tỷ lệ nam giới cao tuổi đang có vợ là 88% nhưng đối với nữ cao tuổi đang kết hôn chỉ có 53,3%. Đặc biệt, cả nước có hơn 474.000 cụ ông góa vợ thì có tới trên 2,7 triệu cụ bà góa chồng, nhiều gấp 5,7 lần so với cụ ông. Rõ ràng, già hóa, chủ yếu là già hóa nữ và phụ nữ khi về già thường thiệt thòi hơn nam giới: sống đơn côi và có thể vẫn phải tiếp tục thực hiện trách nhiệm với cha mẹ già và những đứa con chưa trưởng thành.
Từ phân tích trên, chúng ta có thể rút ra kết luận là chính sách đối với NCT, hoạt động của Hội NCT cần chú ý nhóm nữ, nhất là nhóm nữ góa chồng”, GS. Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
Thứ hai, NCT ở nước ta chủ yếu sống ở nông thôn, đa số không có thu nhập thường xuyên. Tổng điều tra dân số năm 2019 cho thấy 67,2% NCT sống ở nông thôn. Cư trú ở nông thôn, nên thế hệ cao tuổi ngày nay phần lớn làm nông nghiệp, là nông dân, hầu hết không có lương hưu. Hiện nay chỉ có khoảng 23% NCT hưởng lương hưu hoặc trợ cấp từ nguồn Quỹ Bảo hiểm xã hội, số còn lại sống dựa vào hỗ trợ của con cháu/người thân hoặc tự lao động mưu sinh… Theo dự báo đến năm 2060 cũng chỉ có 10 triệu người hưởng lương hưu, chiếm 31,8% NCT. Như vậy, thu nhập của NCT không chỉ là thách thức lớn hiện nay mà còn cả trong tương lai xa.
Cùng với đó, người dân cần chủ động lên kế hoạch từ trước để chuẩn bị cho tuổi nghỉ hưu, già hóa của mình cả về vật chất lẫn tâm lý. Thực tế hiện nay số lượng NCT tăng nhanh, tuổi thọ tăng cao nhưng chất lượng đời sống của NCT Việt Nam còn rất kém. Do đó, để sẵn sàng cho một xã hội già hóa, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới an sinh xã hội tốt, có hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT để nâng cao chất lượng sống cho họ.
Từng thực hiện một cuộc khảo sát về “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống về già của người Việt Nam” với hơn 2.000 người đại diện cho dân số 30 - 44 tuổi trên cả nước đã công bố vào năm 2022, GS.TS Giang Thanh Long, chuyên gia cao cấp về dân số và phát triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, khoảng 67% người được phỏng vấn mong muốn độc lập khi về già, không phụ thuộc vào ai.
Các yếu tố họ không muốn phụ thuộc đó là về sức khỏe, tài chính và các quyết định của mình trong cuộc sống. Thế nhưng, tỉ lệ đã lên kế hoạch cho tuổi già chỉ chưa đầy 30%. Điều đó có nghĩa là 2/3 số người mong muốn nhưng chỉ 1/3 đã lập kế hoạch.
Với cuộc sống hiện nay nhiều người trung niên, thậm chí trẻ tuổi xác định tương lai sau này sẽ vào trung tâm dưỡng lão ở nếu con cái không có điều kiện chăm sóc. Muốn vậy phải chuẩn bị tài chính trong nhiều năm và nên lo cho tuổi già từ khi còn trẻ.
Ngoài vấn đề tài chính, các chuyên gia cũng cho rằng người trẻ cũng nên chuẩn bị sức khỏe cho tuổi già khi còn trẻ. Từ thực tế các bệnh lý tim mạch, ung thư, huyết áp, đột quỵ… ngày càng trẻ hóa, GS Nguyễn Đình Cử nêu vấn đề nếu tuổi trẻ không có ý thức giữ gìn, nâng cao sức khỏe bằng việc thay đổi lối sống, hạn chế sử dụng các chất kích thích thì có khi chỉ 30 - 40 tuổi đã gặp các vấn đề về sức khỏe và đối mặt với nguy cơ bệnh tật.
Khuyến sinh - không đặt gánh nặng lên vai gia đình trẻ
|
Việt Nam đang ở tốp già hóa dân số nhanh nhất thế giới. (Ảnh minh họa: H.Ái) |
Đồng thời, những năm gần đây, mức sinh ở Việt Nam đã thấp nhất trong lịch sử. Cũng theo Tổng cục Thống kê, tổng tỉ suất sinh năm 2023 Việt Nam là 1,95 con/phụ nữ, giảm so với năm 2022 (2,01 con) và dưới kế hoạch mức sinh thay thế 2,1 con.
GS.TS Nguyễn Đình Cử lo ngại nếu mức sinh tiếp tục xuống thấp, Việt Nam nhanh chóng đối mặt với “hội chứng 4-2-1” giống như Trung Quốc hiện nay, tức cứ 4 người già (ông bà nội, ngoại) mới có 2 con và 1 cháu. Gánh nặng chăm sóc, nuôi dưỡng người già (người phụ thuộc) sẽ đè nặng lên giới trẻ nếu chúng ta không làm tốt vấn đề an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, về hậu quả xã hội ít trẻ con, nhiều người già, GS. Nguyễn Đình Cử phân tích xã hội toàn người già thì lực lượng lao động giảm, đồng thời kéo theo nhiều người phải bỏ thời gian, công sức chăm sóc, nuôi dưỡng người già. Như vậy, xã hội thiếu lao động, tăng hệ thống an sinh, “thu ít mà chi nhiều”.
Năm 2021, chỉ có gần 46% NCT có thu nhập thường xuyên (lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hưu trí xã hội) với mức hưởng còn thấp. Đa số NCT mắc bệnh mãn tính và chủ yếu sống cùng con. Bối cảnh này, nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, xã hội, thì các gia đình trẻ sẽ gặp khó khăn lớn trong việc đảm đương “vai trò kép” vừa phụng dưỡng cha mẹ già, vừa chăm sóc trẻ nhỏ. Do đó, họ sẽ lựa chọn sinh ít con.
Rõ ràng, già hóa dân số lại trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến mức sinh thấp. Vì vậy, tăng cường an sinh xã hội cho NCT là một trong những giải pháp nâng cao mức sinh, đảm bảo “duy trì mức sinh thay thế”.
Để tăng mức sinh hiện nay, GS.TS Nguyễn Đình Cử cho rằng, việc để các cặp vợ chồng được quyết định số con, khoảng cách giữa các lần sinh là phù hợp khi Việt Nam đạt được mục tiêu “mỗi gia đình chỉ có 2 con” một cách vững chắc. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy mức sinh không chỉ phụ thuộc chính sách, luật pháp mà cơ bản phụ thuộc trình độ phát triển. Việt Nam đang phát triển mạnh về kinh tế - xã hội, tạo ra điều kiện thuận lợi và hỗ trợ mạnh mẽ xu hướng giảm sinh. Quan trọng hơn, với tư cách là quốc gia thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ký Công ước về “Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”. Theo đó, quyền tự do và trách nhiệm như nhau khi quyết định về số con, khoảng cách giữa các lần sinh và có quyền tiếp cận thông tin, giáo dục và các biện pháp để thực hiện những quyền này.
Nghị quyết 21-NQ/TW khóa XII yêu cầu: “Rà soát, điều chỉnh hoặc bãi bỏ một số quy định về xử lý vi phạm trong công tác dân số; đồng thời đề cao tính gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện chính sách dân số, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc”. Đối với lĩnh vực sinh sản, có thể bãi bỏ quy định “mỗi cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con” và xử lý vi phạm sinh con thứ 3 trở lên. Có cơ sở để khẳng định rằng, việc bãi bỏ những quy định này không làm dân số “bùng nổ”, theo GS. Nguyễn Đình Cử.
Và nếu việc sinh con không chỉ mang lại lợi ích cho cặp vợ chồng, cho gia đình mà còn mang lại lợi ích cho xã hội, cung cấp nguồn nhân lực cho xã hội, “là yếu tố quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” thì đương nhiên, việc nuôi dạy trẻ em không thể chỉ là trách nhiệm của gia đình. Đặc biệt là khi “chi phí nuôi dạy con” ngày càng lớn so với thu nhập của vợ chồng trẻ. Vì vậy, Nhà nước, gia đình và xã hội cần “chung tay nuôi, dạy trẻ”, cần đa dạng hóa các hình thức chia sẻ “chi phí nuôi, dạy con” với các cặp vợ chồng, như: Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng năm; giảm thuế thu nhập cá nhân; miễn, giảm nghĩa vụ đóng góp trong cộng đồng khi nuôi con nhỏ; miễn giảm học phí… Đa dạng hóa chế độ nghỉ việc có lương khi mang thai, sinh đẻ, con ốm; cặp vợ chồng đang nuôi con nhỏ cần được hưởng chế độ làm việc linh hoạt như: Giảm giờ làm, đi muộn, về sớm; nghỉ không lương, làm việc tại nhà,…