Ngọn núi mang tên trinh nữ
Núi Bạch Tuyết thực ra chỉ là mấy hòn đá lớn chụm lại cao gần 3m nằm trên núi Lềnh (thôn Linh Thượng, xã Vân Côn, Hoài Đức, Hà Nội), xưa kia là rừng núi hoang vắng, cây cối um tùm. Quán Linh Thượng nằm trên núi Bạch Tuyết, sát UBND xã Vân Côn, người dân thường gọi là quán Bạch Tuyết.
Ông Nguyễn Sỹ Tiến (cán bộ văn hóa xã Vân Côn) cho biết: “Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội mới về kiểm kê các di tích trên địa bàn quản lý. Quán Linh Thượng mới được đưa vào danh mục di tích được quản lý. Trước kia quán bị phá tan hoang, người dân mới quyên góp tiền xây dựng quán và tường rào bao quanh. Quán thờ nhân thần là quan Thượng Lềnh và thiên thần là nàng Bạch Tuyết”.
Ngày mùng một âm lịch, trên ban thờ của quán bày rất nhiều đồ lễ. Người dân địa phương cho biết nơi đây “cực kỳ linh thiêng” và kể nhiều câu chuyện ly kỳ về “hồn ma trinh nữ” ở quán Linh Thượng, được đồn là “thần giữ của” chôn theo kho báu của người Trung Quốc xưa.
Tương truyền rằng nàng tên Bạch Tuyết, là con nhà nghèo, không biết quê ở đâu. Sau khi kho báu được chôn trong hang kín sâu 7 – 8m trong núi, nàng Bạch Tuyết được ròng dây đưa xuống hang, miệng ngậm sâm. Khi sâm tan hết, nàng chết, trở thành “thần giữ của”. Ngọn núi được gọi theo tên nàng là núi Bạch Tuyết.
Ông Vũ Tuấn Tin (thủ từ của đình Linh Thượng và quán Linh Thượng) kể: “Linh Thượng là vùng đất của kho báu. Chúng tôi được nghe kể rất nhiều chuyện về thần giữ của ở Linh Thượng. Nghe kể, năm 1920, người Trung Quốc sang chôn của giấu vàng. Tôi là người giữ được gia phả viết về kho báu chùa Linh Thượng nhưng bản gia phả này sau đó đã bị mất. Có giữ thì cũng không hiểu được những ám chỉ bí mật ghi trong đó”.
Vợ ông Tin tiếp lời: “Ngày xưa, nơi đây thanh vắng lắm. Chùa làng không có sư nên một đêm tôi và bà chị họ tên là Mẽ đã đi lễ chùa Vân Côn. Lúc về, trời khuya, trăng suông nhàn nhạt, bỗng bà Mẽ nói với tôi: “Bà ơi! Có con lợn trắng to đại kìa”. Tôi nhìn không thấy, nghĩ bà Mẽ nhìn nhầm. Sau này lại thấy dân làng kể có nhiều người trông thấy con lợn trắng lớn chạy khắp nơi. Lâu rồi không ai nhìn thấy lợn, gà, vịt gì nữa, trước đây cứ đồn đại đó là “thần vàng báo mộng”. Giờ người ta lại bảo do được thờ cúng nên các “thần” vàng không đói khát nữa nên không phải đi kiếm ăn”.
Người dân kể nhiều chuyện kỳ lạ: Năm 2006, con trai ông Thiềng ở thôn khác, khoảng 18 tuổi, chơi bi da ở quán gần núi Bạch Tuyết đã phóng uế vào một hòn đá ở chân núi. Sau đó chàng trai có biểu hiện kỳ lạ, cứ nửa đêm lại ra núi nói năng lảm nhảm, mấy ngày sau qua đời. Dân đồn chàng trai được nàng Bạch Tuyết chọn làm “chồng”.
Vợ chồng ông thủ từ Vũ Tuấn Tin: “Linh Thượng là vùng đất của kho báu”. |
Còn một người đàn ông tên Vượng bắt rắn núi Bạch Tuyết làm thịt. Cả nhà không ai dám ăn, ông Vượng cứ ăn, sau đó trở nên điên dại, sáu tháng toàn ăn đồ sống. Thịt gà, thịt lợn, ông cũng nhai sống. Gia đình cúng lễ mãi, trùng hợp, sau một thời gian ông này hết bệnh.
Từ đó, người dân càng đồn đại nơi này “cực kỳ linh thiêng”. Người các nơi đổ về, nhang khói nghi ngút.
“Hợp tác” đào kho báu
Hơn 30 năm qua, từ khi có con đường nhỏ chạy qua thôn Linh Thượng, quán Bạch Tuyết đã nằm ở mặt đường. Từ các kẽ đá, cây cối mọc lên um tùm, quanh năm xanh tốt, không có dấu vết gì của việc đào tìm kho báu. Người làng Linh Thượng bảo “lâu quá rồi nên chẳng ai nhớ chuyện đào vàng” và chỉ đường đến gặp ông Nguyễn Tài Hận, người thuê nhân công đào kho báu trước đây.
Ông Hận ở thôn Quyết Tiến. Nhà ông rất dễ tìm vì có cánh cổng bằng gỗ lớn, cổng nhà xây đắp công phu với hình hai con cá chép to. Không như lời đồn thổi cho rằng ông đã nghèo “nát xơ mướp” sau vụ đào kho báu. Ôngg Hận vẫn là “đại gia” với ngôi nhà mái bằng xây trên mảnh đất 500m2, nhiều đồ quý giá.
Ông nói, tên ông rất “độc”, đã “Tài” còn “Hận”, do đó, ông đề nghị gọi tên ông là Tài (theo bút danh nhà thơ của ông).
Ông Tài dẫn chúng tôi đến nơi hơn 30 năm trước ông đã đào kho báu, ông kể: Năm 1982, dân đói lắm nên đào đất trên núi bán cho người ta làm đường. Khi đào sâu dưới 2m thấy phát lộ những tảng đá trắng to, dấu hiệu có bàn tay con người xây dựng, không phải do thiên nhiên tạo ra. Ông đi qua, thấy người dân xúm xít lại xem những gì đã đào được. Rồi mọi người bàn nhau đào kho báu.
Họ hỏi ông: Có chung không? Xem xét kỹ, ông Tài đồng ý và thỏa thuận sẽ bỏ tiền ra đào kho báu. Nếu đào được vàng thì chia nhau. Nếu đào được cổ vật có giá trị văn hóa thì ông sẽ lấy cổ vật, còn vàng thì chia cho mọi người. Có khoảng 14 - 15 người hăm hở đồng ý. Việc đào kho báu được xin phép chính quyền địa phương.
Ông Tài Hận chỉ đường đi tới kho báu. |
Người bí ẩn lấp đường vào hang
Điểm đào kho báu đầu tiên ở nơi cách núi Bạch Tuyết 50m (nay nơi đây được xây dựng thành trường học), phát lộ con đường đá ở sâu trong lòng đất hơn 2m, rộng 2m. Đào hơn 10 ngày thì đường đá đó chạy thẳng sang núi Bạch Tuyết, đến đây hết đường do một hòn đá to chặn không có lối vào. Đào vòng quanh núi lại phát hiện một đường hầm có hòn đá to bằng quả mít chắn ngang. Lấy búa tạ đập hòn đá, thấy có lối vào trong chính giữa hang núi Bạch Tuyết. Nơi đây có diện tích 12m2 do bốn hòn đá lớn chụm thành. Trong hang tối, có một đống đất to khoảng 2m2 và rất nhiều than củi, một ít đồ sành sứ cổ, cái vỡ, cái lành.
Điều kỳ lạ là trong hang có một hõm nhỏ khoét sâu vào lòng núi có thể để vừa được bát hương. Trên vách có hình một con rùa chầu xuống dưới. Những dấu hiệu này cho thấy có bàn tay con người. Cái miếu trên đỉnh núi Bạch Tuyết được phá bỏ. Mọi người đào sâu xuống dưới thấy vẫn là đất, đào tiếp thành cái hang sâu hoắm. Đất trong hang được đào khuôn ra ngoài, mọi người cứ đào sâu xuống lòng núi 1m, 2m rồi 5m vẫn không có dấu hiệu của kho báu. Các tảng đá nằm rất sâu dưới đất nên đào mãi vẫn chưa thấy chân.
Càng ở sâu, hang càng tối. Nhìn lên thấy phía trên là hòn đá lớn có thể sụp xuống bất cứ lúc nào bịt kín cái hang. Ông Tài sợ nên cho thợ dừng lại rồi báo cáo Chủ tịch UBND xã Vân Côn. Xã cho người xuống xem xét, đào thêm hai ngày nữa vẫn chẳng thấy gì nên rút quân, tuyên bố dưới hang không có gì.
Việc đào bới mất khoảng nửa tháng. Ông Tài tốn kha khá tiền của nhưng ông nói: “Hồi đó, tôi đi làm ăn khắp nơi, anh em thật thà nên tiêu một đồng khai một đồng, cũng không tốn kém lắm”.
Cuộc đào kho báu dừng lại, để lại một đống đất đá nham nhở trên mặt đất. Theo thủ từ, do sợ “phạm đến thần thánh” nên ông Tài đã thuê xe ủi san lấp lại đường hầm kho báu như cũ. Tuy nhiên, ông Tài cho biết: “Tôi không thuê xe san lấp lại kho báu. Một hôm có một cái xe xúc về đậu ở đây. Một người đàn ông sau khi ngắm đi, ngắm lại địa thế khu vực này đã chỉ đạo cho xe xúc đất lấp lại đường hầm như cũ. Hồi đó cũng không thấy chính quyền địa phương hỏi người san lấp là ai và anh ta cũng không báo chính quyền.
Ngày hôm sau và cho đến nay, không ai thấy lại đường đến kho báu nữa. Tuy nhiên, khi con đường hầm từ núi Bạch Tuyết chạy ra Mỏ Đá được phát hiện thì nghi ngờ của mọi người tăng lên. Trong quá trình xây dựng nhà, đào đất, thỉnh thoảng có người dân nhặt được khi thì là quả cau, khi là lá trầu màu vàng, nhưng kho báu vẫn là điều bí ẩn./.