Số người bị tai nạn lao động (TNLĐ) và bệnh nghề nghiệp (BNN) ở nước ta mỗi năm một tăng, nhưng Quỹ TNLĐ&BNN lại đang tồn dư lớn. Mâu thuẫn này kéo theo hệ lụy là nhiều lao động bị sa thải khi mắc BNN, nhiều lao động bị tai nạn nhưng chủ sử dụng giấu giếm…
Tồn hàng ngàn tỉ đồng
Thực trạng trên được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội lên tiếng tại Báo cáo thẩm tra về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong năm 2009. Báo cáo này mới được công bố và đại diện Cục An toàn lao động (Bộ LĐTB&XH) cũng thừa nhận số người bị TNLĐ&BNN hàng năm rất lớn, nhưng thực tế Quỹ TNLĐ&BNN lại rất khó chi. Lý do chính là do doanh nghiệp không chủ động khai báo và không làm các thủ tục để người lao động được hưởng chế độ.
Tuy nhiên, dưới góc độ giới chủ, đại diện một số doanh nghiệp được hỏi lại có cho rằng các thủ tục để người lao động được hưởng chế độ từ Quỹ nói trên rất phức tạp.
Cụ thể, khi người lao động mắc BNN, phải điều trị tại bệnh viện thì chủ sử dụng phải ứng trước tất cả các chi phí để tri trả viện phí, thuốc men. Khi ra viện, lao động nộp lại giấy ra viện hoặc giấy khám bệnh cho chủ sử dụng lập hồ sơ giới thiệu lao động ra Hội đồng Giám định y khoa để giám định mức suy giảm khả năng lao động. Sau đó, chủ sử dụng mới lập hồ sơ và làm văn bản đề nghị giải quyết các chế độ BNN. Hồ sơ này được gửi cho cơ quan BHXH giải quyết và chủ sử dụng sẽ được cơ quan BHXH trả lại tiền đã tạm ứng.
Rắc rối và phức tạp như vậy cho nên tới năm 2009, số người mắc BNN được ngành Y tế phát hiện qua kiểm tra sức khỏe định kỳ là khoảng 30 ngàn người, song chỉ có hơn 300 người được giải quyết chế độ. Hơn thế, cơ quan chức năng còn chỉ ra rằng, có hiện tượng chủ sử dụng cố tình né tránh để không phải “đụng chạm” đến “khâu” giải quyết chế độ cho người lao động mắc BNN. Nhiều trường hợp , người lao động mắc bệnh bị cho nghỉ việc và phải tự xoay xở chữa bệnh trong hoàn cảnh ngặt nghèo.
Quỹ thì tồn dư, người lao động chưa được hưởng đầy đủ quyền lợi |
Trường hợp TNLĐ cũng không “sáng sủa” hơn do nhiều chủ sử dụng vô trách nhiệm với người lao động bị tai nạn. Khi tai nạn xảy ra, chủ sử dụng giấu giếm không báo cáo, bồi thường cho người lao động một khoản tiền “lấy lệ” để được “cho qua”. Rất ít trường hợp được báo cáo và làm các thủ tục để người lao động được hưởng quyền lợi từ Quỹ TNLĐ&BNN. Bởi thế, khi Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội “vào cuộc” thẩm tra, phát hiện Quỹ trên dư hàng ngàn tỉ đồng là điều không hề khó hiểu.
Quỹ chờ quỹ
Trong khi Quỹ TNLĐ&BNN do BHXH Việt Nam quản lý còn tồn dư hàng ngàn tỷ đồng do “khó chi” thì Bộ LĐTB&XH lại đang ráo riết xây dựng phương án hình thành Quỹ bồi thường TNLĐ&BNN mới.
Với phương án này, Bộ LĐTBXH cho rằng sẽ khắc phục được phần nào tình trạng người lao động bị tai nạn, bị BNN mà bị chủ sử dụng “lơ là”, bỏ quên.
Theo ông Vũ Như Văn- Quyền Cục trưởng Cục An toàn lao động - thì Quỹ TNLĐ do BHXH Việt Nam quản lý và chi trả, hiện nay chủ sử dụng chịu mọi chi phí và bồi thường nhưng thực tế người lao động rất thiệt thòi.
Vì vậy, hướng xây dựng của Quỹ bồi thường TNLĐ&BNN là chi trả thẳng cho các chi phí mà người lao động phải chi trả khi điều trị (do bị BNN hoặc TNLĐ). Chủ sử dụng sẽ phải đóng quỹ theo mức Nhà nước quy định và khi xảy ra TNLĐ&BNN, cơ quan quản lý quỹ sẽ có trách nhiệm chi trả cho người lao động các chi phí theo quy định hiện hành.
Ông Văn cho biết, hiện cơ chế thu chi của Quỹ đã xây dựng xong, vấn đề còn lại là cần một chế tài thực sự nghiêm minh, đủ mạnh để chủ sử dụng tự nguyện đóng góp vào quỹ. Dự kiến BHXH vẫn là đơn vị quản lý và điều hành Quỹ này. |
Thanh Lương