Khó hiểu về hậu quả của hành vi “gây rối…”?

(PLO) - Liên quan đến vụ “3 mẹ con bị hàng xóm xông vào nhà hành hung” tại  22 Vũ Tùng (quận Bình Thạnh, TP HCM) thì mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an quận Bình Thạnh đã có Kết luận điều tra đề nghị truy tố 3 bị can về tội  “Cố ý gây thương tích” và 1 bị can  về tội “Gây rối trật tự công cộng”.
Nhà bà Hoàng (mái ngói) và nhà Âu Trường Sơn (bên cạnh).
Nhà bà Hoàng (mái ngói) và nhà Âu Trường Sơn (bên cạnh).

Đáng nói, bị can bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” trên đây lại chính là bị hại của vụ án và có nhiều dấu hiệu cho thấy người này đã bị khởi tố oan.

Vì sao cơ quan điều tra “bó tay”

Theo Kết luận điều tra, trong quá trình kinh doanh buôn bán mặt hàng thờ cúng, giữa gia đình Âu Trường Sơn (SN 1976, số 20 Vũ Tùng) và gia đình bà Lê Thị Hoàng (SN 1953, số 22 Vũ Tùng) nảy sinh mâu thuẫn, thường xảy ra cự cãi.

Khoảng 17h30 ngày 13/2/2015, sau khi cãi nhau với bà Hoàng, Sơn gọi điện cho Đỗ Minh Vương (SN 1988) và Phạm Anh Tài (SN 1994) đến hỗ trợ mình đánh nhau. Nhận được điện thoại, Tài chở Vương đem theo một túi đựng cần câu, 1 gậy đánh golf và 3 đoạn tuýp kim loại dài 80cm đến nhà 20 Vũ Tùng. Vương và Tài xuống xe rồi sang nhà 22 Vũ Tùng đạp đổ hàng hóa của nhà bà Hoàng. Hai bên dùng hàng hóa ném nhau rồi rượt đuổi đánh nhau. Hậu quả làm bà Hoàng bị thương tích 34% sức khỏe, anh Lê Hoài Bảo (SN 1970, con trai bà Hoàng) bị 2% sức khỏe và anh Lê Hiếu (em anh Bảo) bị 4% sức khỏe.

Sau khi  Cơ quan CSĐT Công an huyện Bình Thạnh khởi tố vụ án “Gây rối trật tự công cộng” và “Cố ý gây thương tích”, bà Hoàng đã khai rõ việc mình bị Sơn và 2 đồng bọn (Vương và Tài) dùng cây sắt dài đánh vào đầu, vào mặt gây thương tích. Thống nhất với lời khai này, các con bà Hoàng cũng khẳng định Sơn, Tài, Vương đã dùng cây sắt đập vào đầu, vào mặt mẹ mình và  còn đánh anh Bảo, anh Hiếu nhiều phát vào đầu.

Tuy nhiên, CQĐT cho rằng chỉ có chứng cứ để xác định các bị can Sơn, Vương, Tài sử dụng hung khí nguy hiểm để đánh anh Bảo, anh Hiếu. Riêng thủ phạm gây thương tích cho bà Hoàng (người bị thương tích nặng nhất) thì CQĐT đành “bó tay” và cho rằng “chưa đủ cơ sở vững chắc để xác định Sơn, Vương, Tài  chịu trách nhiệm hình sự đối với thương tích này”.

Bà Hoàng bị đánh bầm dập mặt mũi.
Bà Hoàng bị đánh bầm dập mặt mũi.

“Hậu quả nghiêm trọng” như thế nào?

Ngoài việc khởi tố Sơn, Vương, Tài về tội “Cố ý gây thương tích” thì CQĐT còn khởi tố anh Hiếu về tội “Gây rối trật tự công cộng” (GRTTCC). Cơ quan này cho rằng bị can Hiếu đã có hành vi dùng tay nắm tóc, ghì đầu chị Âu Ánh Tuyết (SN 1874, chị ruột Sơn) xuống đường, dùng tay đánh vào người chị Tuyết ở ngoài đường gây mất trật tự công cộng.

Bình luận về việc khởi tố trên, một số luật sư (LS) cho rằng, do anh Hiếu chưa bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về tội GRTTCC nên để cáo buộc anh Hiếu theo quy định tại Điều 245 Bộ luật Hình sự (BLHS) 1999 thì CQĐT phải chứng minh được hậu quả nghiêm trọng do anh Hiếu đã gây ra. 

Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TANDTC thì hành vi GRTTCC mà để lại hậu quả thuộc một trong các trường hợp sau đây bị coi là gây hậu quả nghiêm trọng: Cản trở, ách tắc giao thông đến dưới 2 giờ; cản trở sự hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân; thiệt hại về tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên; chết người; người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 31 % trở lên; Nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 31%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 41% trở lên; người khác bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên; nhiều người bị thương tích hoặc bị tổn hại sức khoẻ với tỷ lệ thương tật của mỗi người dưới 21%, nhưng tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 30% đến 40% và còn thiệt hại về tài sản có giá trị từ năm triệu đồng trở lên.

Như vậy, trong vụ án này, CQĐT đã không chỉ rõ được hành vi đánh chị Tuyết của anh Hiếu (nếu có) đã gây ra hậu quả nào trong số những trường hợp nêu trên. Và theo các LS thì giả sử anh Hiếu có hành vi đánh chị Tuyết thật thì việc này chỉ diễn ra sau khi bà Hoàng bị thương tích. Vì vậy, cũng không thể coi việc bà Hoàng bị tổn hại 34% sức khỏe là hậu quả từ việc làm của anh Hiếu. Hơn nữa,  CQĐT hiện vẫn chưa làm rõ đối tượng nào có mặt tại hiện trường hôm đó đã trực tiếp đánh bà Hoàng thì làm sao có thể buộc một người nào đó phải chịu trách nhiệm gián tiếp về hậu quả này? Như vậy, việc khởi tố đối với anh Hiếu là không đủ cơ sở và đang có dấu hiệu oan sai.

PLVN sẽ tiếp tục thông tin về diễn biến tiếp theo của vụ án này.

Đọc thêm