Khó hiểu vụ gây ô nhiễm nguồn nước sông Đà: Thu gom 8,8 tấn dầu thải để làm gì?

(PLVN) - Theo lời khai của một số nghi phạm và một số người liên quan vụ việc, Công ty gốm sứ Thanh Hà đã thuê nhóm Vũ xử lý gần 9 tấn dầu thải với giá 1000 đồng/lít.
Khu vực chứa dầu thải tại Công ty Thanh Hà.
Khu vực chứa dầu thải tại Công ty Thanh Hà.

8.830kg dầu thải

Theo biên bản làm việc ngày 19/10 của đoàn kiểm tra do Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (Bộ Công an) chủ trì, khoảng tháng 9/2019, Lý Đình Vũ (37 tuổi, quê Bắc Ninh) liên hệ với bà Nguyễn Huyền Trang (tự xưng trợ lý giám đốc) để tiếp nhận dầu thải của Công ty gốm sứ Thanh Hà (thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) về tái chế.

Bà Trang và Vũ đã thống nhất số tiền thu gom vận chuyển, xử lý dầu thải là 1000 đồng/lít. Sáng 7/10, Vũ liên lạc với bà Trang để đến lấy dầu, thời điểm này bà Trang đi vắng nên giao Trần Đình Trung (Phòng Vật tư) xuất dầu thải cho Vũ.

Sau đó, Vũ cùng Nguyễn Chương Đại (25 tuổi, quê Bắc Ninh) và Hoàng Văn Thám (33 tuổi, quê Lạng Sơn) hút dầu thải lên 4 téc có sẵn trên xe tải. Đến 13h, quá trình hút dầu hoàn tất, xe qua trạm cân của công ty và đo được trọng lượng dầu thải là 8.830kg. Công an xác định, sau khi dầu thải được đưa đi, bà Trang chưa thanh toán tiền với Vũ .

Biên bản kết luận, Công ty Thanh Hà quản lý chất thải nguy hại không đúng quy định, có kho chứa chất thải nguy hại nhưng lại bảo quản dầu thải ở kho vật tư. Đồng thời chuyển giao chất thải nguy hại cho đối tượng không có chức năng xử lý. Tại thời điểm lập biên bản, ông Trần Trung Thành, Phó Giám đốc công ty (đồng thời là chồng của bà Trang) đã xác nhận những sai phạm trên.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Đức Truyền, Chủ tịch HĐQT Công ty Thanh Hà cho biết Nguyễn Huyền Trang là con gái ông, làm việc tại phòng kinh doanh của công ty chứ không phải ở vị trí trợ lý giám đốc.

"Con gái tôi hiện đang làm việc với cơ quan Công an Hòa Bình, Trang có nói với tôi không biết Vũ là ai và chưa làm việc với Vũ bao giờ. Lượng dầu thải không đến 8 tấn, lúc họ lấy dầu đi trong đó có cả nước nên khối lượng mới lên đến như vậy", ông Truyền nói.

"Đây là dầu thải trong quá trình vận hành xe nâng và các máy móc, tương tự dầu thải xe máy. Trước đây chúng tôi tận dụng dầu này để đốt lò nhưng khoảng 3 - 4 tháng nay, từ khi áp dụng công nghệ 4.0 thì dầu được dồn lại để chuyển cho đơn vị xử lý chất thải", ông Truyền cho biết.

Ông Truyền cũng cho rằng trước đó đã ký hợp đồng với đơn vị xử lý chất thải nguy hại là Công ty CP Môi trường xanh Minh Phúc (địa chỉ ở Hải Dương). Tuy nhiên số dầu thải chưa kịp gom đủ cho đợt xử lý đầu tiên thì đã bị “tuồn” ra ngoài. Ông Truyền tiếp tục cho hay nhóm Vũ “đưa dầu thải về Bắc Ninh để tiếp tục tái chế. Phần cặn bã còn lại mới đổ ra môi trường”.

Thông tin này so với thông tin trong biên bản kiểm tra đã phát sinh câu hỏi chưa được trả lời: Thanh Hà đã ký hợp đồng nhờ một doanh nghiệp xử lý dầu thải, sao lại tiếp tục thuê Vũ xử lý số dầu thải? 

Hà Nội công bố “nước sông Đà đã có thể ăn uống”

Liên quan sự việc, chiều qua (22/10), Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội, người phát ngôn TP Vũ Đăng Định cho biết “nước sông Đà đã có thể ăn uống”.

Theo ông Định, 69/69 mẫu nước được Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP phối hợp các đơn vị chuyên môn trung ương lấy tại hộ dân ở 8 quận, huyện có sử dụng nước của nhà máy sông Đà gồm: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Huyện Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Quốc Oai. 

Trong thời gian này, TP tiếp tục cấp nước miễn phí bằng xe téc và bình nước loại 20 lít đến những khu dân cư có nhu cầu, đồng thời đề nghị Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà miễn phí tiền nước đến hết ngày 31/10.

TP cũng chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiếp tục xét nghiệm mẫu nước tại đầu nguồn, nhà máy, các bể chứa tăng áp của nhà máy, các vùng dân bị ảnh hưởng đến hết tháng 10. Kết quả sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về quy trình xét nghiệm các mẫu nước, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế, cho biết, việc xét nghiệm nước được thực hiện theo Thông tư 41 năm 2018 của Bô Y tế. Quy chuẩn về nước sạch đang dùng là quy chuẩn Việt Nam 01 năm 2009, quy định 109 chỉ tiêu, chia làm ba mức độ giám sát: 14 chỉ tiêu giám sát mức độ A (biến động nhiều); 17 chỉ tiêu mức độ B (biến động ít hơn) và 78 chỉ tiêu mức độ C (rất ít khi biến động).

Với chỉ tiêu A, đơn vị cung cấp nước sạch phải nội kiểm (tự kiểm tra) mỗi tuần một lần, ngành y tế hai tháng kiểm tra một lần. Chỉ tiêu B ngành y tế kiểm tra sáu tháng/lần, chỉ tiêu C hai năm/lần.

Ông Hạnh cho biết, trước khi đưa vào sử dụng thì nhà máy bắt buộc phải công bố cả ba chỉ tiêu an toàn và chịu trách nhiệm về công bố. Bên cạnh đó, phòng xét nghiệm của nhà máy phải lấy mẫu kiểm tra hàng ngày một số chỉ tiêu mùi vị, độ đục... và xử lý hoá chất. Tất cả quy trình này đều được lập biên bản và lưu trữ.

Nói về vấn đề đảm bảo an ninh nguồn nước, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho rằng "hồ Đầm Bài rất rộng, bảo vệ rất khó, nước hồ còn dùng chung cả cho tưới tiêu. TP đã có công văn yêu cầu tách riêng các nguồn nước sản xuất và nước tưới tiêu để bảo vệ".

Theo ông Dục, nguồn nước mặt sông Đà được đưa vào sử dụng từ 11 năm trước, có thể có những thiết bị cũ, không còn phù hợp nên TP đề nghị thay thế công nghệ hiện đại hơn. TP sẽ rà soát quy trình quản lý an ninh nguồn nước để chỉ rõ trách nhiệm các bên; đồng thời đầu tư thiết bị quan trắc, nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ liên quan chất lượng nước sạch.

Với Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, TP yêu cầu bổ sung hệ thống quan trắc tự động để đánh giá chất lượng nước đầu vào, đầu ra, kịp thời cảnh báo, khắc phục các sự cố trong tương lai; rà soát toàn bộ thiết kế của nhà máy, xây dựng khu chứa nước đầu vào riêng, không sử dụng chung với hồ Đầm Bài như hiện nay.

Vụ việc dầu thải xả xuống đầu nguồn sông Đà hôm qua cũng đã được đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đưa ra tại Quốc hội.

Ông Hồng cho rằng cần xem xét lại quy định với một doanh nghiệp cung cấp mặt hàng thiết yếu theo hướng cụ thể về việc cam kết đảm bảo chất lượng nguồn nước trong hợp đồng. Ví dụ nước đảm bảo chất lượng mới trả tiền, nếu không phải đền bù thiệt hại.

“Nhân vụ việc này tôi đề nghị báo chí lên tiếng, yêu cầu họ đền bù thiệt hại cho người dân. Tôi ủng hộ phương án đưa doanh nghiệp này ra tòa. Bây giờ người dân có thể khởi kiện về dân sự. Hội Bảo vệ người tiêu dùng Hà Nội phải đứng ra khởi kiện”, ông Hồng nêu quan điểm.

Về việc lãnh đạo công ty này từ chối xin lỗi người dân khi chưa có kết luận của cơ quan điều tra, ông Hồng đánh giá điều đó thể hiện “văn hóa doanh nghiệp”. “Qua báo chí phản ánh, tôi được biết doanh nghiệp này có doanh thu lợi nhuận tốt. Nhưng họ nói như vậy thể hiện sự vô tâm, thậm chí là nhẫn tâm”, ông Hồng nói.

Theo ông Hồng, đây là lúc doanh nghiệp phải cúi đầu nhận lỗi, nhưng họ lại có thái độ coi thường người dân là không thể chấp nhận được. Vì vậy, cần lên án để tạo ra một văn hóa trong kinh doanh, thậm chí, cần phải xem xét trách nhiệm thông qua khởi tố vụ án và thông qua con đường khởi kiện.

Đọc thêm