Khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công liên quan đến nhiều Bộ, ngành

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Bộ Tài chính vừa có công văn gửi lãnh đạo Chính phủ báo cáo phục vụ Tổ công tác số 7 về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 với 5 địa phương Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kom Tum, Lâm Đồng.
Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính)
Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước. (Ảnh minh họa: Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính)

Thực trạng từ 5 tỉnh Tây Nguyên

Đến hết ngày 31/10/2024, tổng số vốn giải ngân của 5 địa phương là hơn 10.547 tỷ đồng, đạt 48,36% kế hoạch (thấp hơn mức bình quân cả nước 49,89%), trong đó 3 địa phương (Đắk Lắk: 60,49%; Đắk Nông: 50,89%; Gia Lai: 51,76%) có tỷ lệ giải ngân cao hơn mức trung bình cả nước; 2 địa phương (Kon Tum: 42,93%, Lâm Đồng: 38,37%) có tỷ lệ giải ngân thấp hơn mức trung bình cả nước. Ước giải ngân cả năm của 4/5 địa phương (Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng) đều đạt từ 95% trở lên, riêng Đắk Nông dự kiến giải ngân chỉ đạt 92,21% (dưới 95%).

Việc giải ngân chậm được các địa phương chỉ ra là do còn khó khăn, vướng mắc tập trung chủ yếu ở quy trình, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác theo quy định của Luật Lâm nghiệp còn phức tạp, tốn nhiều thời gian, chưa tạo sự chủ động cho địa phương và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung triển khai thực hiện các dự án; Việc cấp giấy phép khai thác khoáng sản (cấp phép khai thác đất làm vật liệu san lấp) theo quy định của Luật Khoáng sản kéo dài, mất nhiều thời gian nên không đáp ứng được tiến độ thi công của các dự án, dẫn đến chậm tiến độ và giải ngân với vốn đầu tư công.

Còn có lý do các dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA) phải thực hiện song hành các quy định pháp luật của Việt Nam và Hiệp định ký kết với nhà tài trợ; quy trình thực hiện qua nhiều khâu, nhiều bước; các thủ tục kéo dài thời gian thực hiện, kéo dài thời gian bố trí vốn mất nhiều thời gian và phụ thuộc lớn vào nhà tài trợ, là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình triển khai thực hiện, giải ngân của các dự án.

Theo các địa phương, còn có nguyên nhân vướng mắc của các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia: văn bản hướng dẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, một số văn bản còn khó thực hiện.

Chưa hết, còn có các khó khăn vướng mắc liên quan công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng phục vụ thi công các dự án còn chậm. Trong đó vướng mắc chủ yếu liên quan việc chậm phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường; xác định nguồn gốc đất, kiểm kê, kê khai để phân loại đất đền bù, lựa chọn các vị trí để lập quy hoạch, hoàn thiện thủ tục xây dựng khu tái định cư… Nguồn thu từ tiền sử dụng đất không bảo đảm do thị trường bất động sản tại một số địa phương gần như “đóng băng” gây ảnh hưởng việc triển khai thực hiện và giải ngân các dự án sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất.

Một số dự án gặp vướng mắc do phạm vi thực hiện dự án nằm trong quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản. Công tác khảo sát, lập dự án chưa tốt, chưa phù hợp thực tế dẫn tới phải điều chỉnh nhiều lần phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án ảnh hưởng tiến độ. Vướng mắc về vật liệu: tình trạng khan hiếm đất đắp, cát xây dựng khiến giá vật liệu xây dựng tăng cao.

Đề nghị một số Bộ, ngành khẩn trương hướng dẫn, giải đáp

Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công đã đặt ra, Bộ Tài chính đề nghị các Bộ TN&MT, NN&PTNT, LĐTB&XH, KH&ĐT, Ủy ban Dân tộc... khẩn trương nghiên cứu, hướng dẫn, giải đáp các nội dung vướng mắc liên quan đến trực tiếp lĩnh vực quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trường hợp vượt thẩm quyền, khẩn trương đề xuất phương hướng, giải pháp, báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định.

Tại cuộc họp mới đây về tình hình giải ngân đầu tư công, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, để giải ngân đạt 95% vốn như đã cam kết phải nỗ lực rất lớn, làm ngày, làm đêm, thủ tục phải kịp thời, bảo đảm chặt chẽ, không để xảy ra thất thoát. Do đó, yêu cầu các Bộ, ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao phải kịp thời xử lý các kiến nghị, tháo gỡ vướng mắc cho địa phương; Tập trung hoàn thành khối lượng các dự án trước 31/12/2024 để quyết toán. Phó Thủ tướng nhấn mạnh, việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công nhằm mục đích sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất, để đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Phó Thủ tướng cho biết thêm, để tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, hiện Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét ban hành 1 luật sửa 4 luật liên quan đến đầu tư công với những quy định mới, tiến bộ, nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc triển khai các dự án đầu tư công theo tinh thần "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Theo đó, vốn đầu tư sau khi được các Bộ, ngành, địa phương trình lên sẽ giao danh mục về cho địa phương quyết định làm; địa phương được điều chỉnh từ dự án này sang dự án khác, không phải trình lên trên, miễn là không vượt tổng mức vốn giao cho địa phương. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, khi đầu tư, các địa phương phải có tầm nhìn dài hạn, “làm nhanh, làm mạnh, làm chắc chắn, đảm bảo chất lượng công trình, tránh lãng phí” bởi với việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nếu để dự án dở dang sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Đọc thêm