Nhằm triển khai thực hiện Luật TCTT và Nghị định số 13/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật TCTT tại địa phương, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành các văn bản, kế hoạch về triển khai Luật TCTT trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, trong kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) hàng năm tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tổ chức triển khai thực hiện Luật đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu quả.
Theo đó, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Luật cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, huyện. UBND cấp huyện tổ chức 20 hội nghị triển khai Luật cho gần 5.000 người; 4.082 hội nghị tập huấn, quán triệt cho 250.000 cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; cung cấp 15.000 tờ gấp, sổ tay hướng dẫn và gần 1.000 cuốn Luật, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo nâng cấp, vận hành Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử các cấp, ngành; ban hành Quy chế quản lý và sử dụng; bố trí cán bộ, công chức làm đầu mối cung cấp thông tin nhằm đảm bảo việc cung cấp, minh bạch thông tin; rà soát, phân loại, lập danh mục các thông tin phải được công khai theo quy định. Duy trì, lưu giữ, cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin của cấp tỉnh, huyện trên các Cổng, Trang thông tin điện tử để cán bộ, nhân dân có thể truy cập dễ dàng. Trong 3 năm, tỉnh mở được 6 lớp tập huấn nâng cao trình độ, kỹ năng cung cấp thông tin cho 1.138 cán bộ, công chức, viên chức làm đầu mối cung cấp thông tin của cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn.
Cùng với đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành thực hiện đúng quy định của pháp luật về cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân. Trong đó bao gồm việc yêu cầu và cung cấp thông tin chủ yếu trực tiếp tại trụ sở làm việc hoặc qua mạng điện tử, dịch vụ bưu chính, fax. Các yêu cầu cung cấp thông tin đều được trả lời kịp thời không để xảy ra tình trạng chậm, muộn. Thời điểm công khai thông tin đối với từng lĩnh vực nhìn chung được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Người dân khai thác thông tin trên các trang thông tin điện tử. |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận thông tin của Luật, Nghị định số 13/2018/NĐ-CP, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện một số biện pháp như bố trí các thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe - xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng của các thôn, bản xa trung tâm xã thuộc địa bàn khu vực biên giới, miền núi, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn, các đồn, trạm biên phòng; xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin đáp ứng các tiêu chuẩn hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật.
UBND các huyện, thành phố cũng đã thực hiện lắp đặt một số trạm truyền thanh cơ sở tại các xã khó khăn; lắp đặt các trạm phủ sóng di động mạng 3G, 4G đến các thôn bản biên giới, vùng sâu, vùng xa để người dân tiếp cận được các thông tin một cách kịp thời; tuyên truyền thông tin bằng tiếng dân tộc; đầu tư mua các trang thiết bị cần thiết như loa di động, loa truyền thanh để tuyên truyền, cung cấp các thông tin đến với người dân.
Tuy nhiên, hiện nay việc thực thi Luật TCTT trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như: người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức về công tác cung cấp thông tin, chưa có sự quản lý chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết yêu cầu cung cấp thông tin của công dân.
Tại những vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vẫn chưa thực sự nắm được đầy đủ quyền tiếp cận thông tin của mình cũng như lợi ích của việc này, do đó còn e ngại khi đưa ra yêu cầu thông tin đối với các cơ quan nhà nước.
Cùng với đó, việc trang bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết khác để phục vụ công tác tiếp cận thông tin ở một số xã, thị trấn, nhất là ở các xã vùng sâu, xa còn hạn chế, đặc biệt là hệ thống thiết bị, máy móc, loa truyền thanh cơ sở, lắp đặt mạng internet ở nơi công cộng... Điều này gây cản trở, khiến công dân cảm thấy chưa tự tin khi tìm kiếm thông tin họ cần.
Để khắc phục tình trạng trên, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan nhà nước của tỉnh Hà Giang cần nhận thức đầy đủ và thực hành vai trò, trách nhiệm quan trọng của mình trong việc cung cấp thông tin minh bạch theo yêu cầu của công dân dựa trên hướng dẫn từ Bộ Tư pháp nhằm cải thiện hiệu quả việc thực thi Luật TCTT.
Trong đó, Sở Tư pháp với trách nhiệm là cơ quan thường trực Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh, xem xét tham mưu UBND tỉnh cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Tiếp cận thông tin đến cán bộ, công chức, viên chức các cấp, nhất là đầu mối cung cấp thông tin tại các đơn vị để nắm bắt, thực hiện tốt hơn trách nhiệm cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật.