Bế tắc khi đương sự thay đổi nơi cư trú
Do quy định của Luật THADS chỉ viện dẫn sáng pháp luật về tương trợ tư pháp nên pháp luật THADS cũng chỉ giải quyết được một phần của những vấn đề có liên quan đến thi hành án có yếu tố nước ngoài, đó là việc yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp. Vì vậy, về nguyên tắc, trường hợp không có quy định riêng thì thủ tục THADS có yếu tố nước ngoài vẫn áp dụng các quy định về THADS để giải quyết.
Hiện Điều 50 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung) là điều khoản duy nhất điều chỉnh vấn đề THADS có yếu tố nước ngoài thông qua các quy định về tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, điều luật chỉ quy định về tương trợ tư pháp về dân sự trong thi hành án, bao gồm: thẩm quyền yêu cầu tương trợ tư pháp; trình tự, thủ tục, yêu cầu tương trợ tư pháp; xử lý kết quả ủy thác tư pháp; việc xử lý yêu cầu tương trợ tư pháp của nước ngoài…
Trong quá trình tổ chức thi hành án có yếu tố nước ngoài, Chấp hành viên còn gặp khó khăn, vướng mắc do Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa đưa ra khái niệm THADS có yếu tố nước ngoài nên các cơ quan THADS phải vận dụng các quy định của pháp luật hiện hành như Bộ luật Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
Việc xác minh địa chỉ, nơi cư trú của đương sự là cơ sở then chốt để thực hiện việc thông báo thi hành án hoặc ủy thác tư pháp, tuy nhiên, vấn đề xác minh địa chỉ, nơi cư trú của đương sự ở nước ngoài còn gặp rất nhiều khó khăn do địa chỉ trong bản án, quyết định của Tòa án không chính xác hoặc đương sự thay đổi địa chỉ. Hiện nay, trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án là của Chấp hành viên cơ quan THADS. Trên thực tế, trong bản án, quyết định của Tòa sẽ có họ tên, địa chỉ, quốc tịch của đương sự. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi có bản án, quyết định của Tòa, các đương sự thay đổi nơi cư trú thì các cơ quan THADS chưa có cách giải quyết. Mặt khác, cơ quan THADS hiện nay không có thẩm quyền yêu cầu phía nước ngoài cung cấp thông tin về địa chỉ của đương sự ở nước ngoài khi có thay đổi.
Ngoài ra, việc phối hợp cung cấp thông tin đối với người phải thi hành án của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cũng còn nhiều hạn chế, trong đó có việc xác định thời điểm xuất cảnh và nơi đến của người phải thi hành án để có cơ sở ủy thác tư pháp nên gây khó khăn cho việc thực hiện thông báo theo quy định.
Cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS
Một trong những khó khăn khác mà cơ quan THADS gặp phải trong quá trình thi hành án đó là việc xác minh thẩm quyền tổ chức thi hành án. Theo đó, địa chỉ, nơi cư trú của đương sự là một trong những cơ sở xác định thẩm quyền tổ chức thi hành án của cơ quan THADS. Theo Điều 35 Luật THADS, cơ quan THADS cấp tỉnh có thẩm quyền thi hành bản án, quyết định của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài được Tòa án công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, bản án, quyết định thuộc thẩm quyền của cơ quan THADS cấp huyện nhưng có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp về thi hành án. Do đó trên thực tế xảy ra rất nhiều tình huống dẫn đến việc thay đổi thẩm quyền tổ chức thi hành án.
Trong khi đó, khái niệm “ở Việt Nam” hay “ở nước ngoài” cũng khá khó xác định, đặc biệt là ngay tại thời điểm ra quyết định thi hành án vì cơ quan THADS chỉ có 5 ngày làm việc để ra quyết định thi hành án kể từ thời điểm nhận đơn yêu cầu. Hơn nữa, về nguyên tắc, trước khi ra quyết định thi hành án, cơ quan THADS không thể tiến hành xác minh về địa chỉ, nơi cư trú của đương sự.
Ngoài ra, hiện nay do chưa có sự phân biệt và quy định các phương thức tống đạt, thông báo cho đương sự ở nước ngoài đối với những trường hợp cụ thể nên Chấp hành viên cũng gặp khó khăn khi làm nhiệm vụ. Theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Luật THADS thì cơ quan THADS cấp tỉnh thi hành bản án, quyết định của Tòa án mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp về thi hành án. Điều 181 Luật THADS cũng chỉ quy định viện dẫn sang quy định của pháp luật về tương trợ tư pháp. Điều 50 nghị định số 62/2015/NĐ-CP mới chỉ quy định về phương thức tống đạt, thông báo cho đương sự trong trường hợp cần phải thực hiện ủy thác tư pháp mà chưa quy định về các phương thức thông báo khác và cũng không quy định cụ thể trường hợp nào cần phải thực hiện tương trợ tư pháp về THADS.
Trong khi đó, trên thực tế việc thi hành án có yếu tố nước ngoài có thể nảy sinh những trường hợp khác nhau, cần có quy định về thủ tục thi hành án khác nhau. Cụ thể: thi hành án có yếu tố nước ngoài nhưng các đương sự đang ở Việt Nam; đương sự là cá nhân/pháp nhân Việt Nam và đang cư trú hoặc có trụ sở ở nước ngoài; thi hành án có yếu tố nước ngoài nhưng đương sự là cá nhân/pháp nhân nước ngoài và đang ở nước ngoài…
Từ những bất cập trên, cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về THADS nói chung và THADS có yếu tố nước ngoài nói riêng để tạo thuận lợi cho Chấp hành viên trong việc tổ chức thi hành án đối với loại vụ việc này.