“Đấu tố”… là hết
Phần đa ý kiến nam giới cho rằng, có nhiều cách để ngăn chặn tình trạng ngoại tình, chúng ta nên tìm cách thay đổi ngay từ đầu, hoặc tìm cách hàn gắn, khắc phục để giảm bớt những vụ ly hôn, hôn nhân gia đình không sụp đổ, xã hội ổn định. Có thể chỉ nên phạt hành chính, còn phạt tù là quá nặng. Và thực tế, cũng chẳng có người vợ hoặc chồng nào dại dột đứng ra tố cáo, kiện tụng “một nửa” của mình để rồi phải ở một mình, gia đình tan nát”.
Ngược lại với luồng ý kiến của các ông chồng, những bà vợ đều ủng hộ “nhiệt tình” cho điều luật này. Một số người còn cho rằng, phạt tù 1 năm là còn ít, họ mong muốn một hình phạt nặng hơn cho cả chồng và nhân tình. Bởi theo họ, tội ngoại tình còn ngang ngửa với tội “giết người”, phải trừng trị đích đáng để không người đàn ông nào, người thứ 3 nào dám lừa dối, léng phéng nữa.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: Hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng không phải là quy định mới được Bộ luật hình sự 2015 điều chỉnh. Điều 147 BLHS năm 1999 vẫn đang có hiệu lực đã có quy định Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng.
Về cơ bản, điều 182 mới này không có gì khác so với Điều 147, chỉ là cụ thể hóa tình tiết gây hậu quả nghiêm trọng. Theo quan điểm của Luật sư, rất khó có thể xử lý hình sự hành vi vi phạm chế độ một vợ, một chồng bởi đây là loại tội phạm xảy ra trong quan hệ nội bộ gia đình, có liên quan đến mối quan hệ giữa vợ chồng, con cái, bố mẹ… Ngoại tình mà không vi phạm hôn nhân chế độ một vợ một chồng theo quy định nêu trên thì không bị coi là vi phạm pháp luật.
Việc có quan hệ tình cảm với người khác mà không chung sống như vợ chồng với người đó, không có con chung, không tổ chức lễ cưới… thì không thể xem xét đây là hành vi vi phạm pháp luật. Để chứng minh lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác dẫn tới ly hôn, tự sát... thì phải chứng minh nó có mối quan hệ nhân quả.
Ly hôn vì lý do một bên chung sống như vợ như chồng với người khác hay là lý do trong suốt quá trình chung sống vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, đời sống trầm trọng, tình cảm không còn... Nếu tự sát phải có chứng cứ như: thư tuyệt mệnh vì lý một bên sống như vợ như chồng với người khác dẫn đến phải tự sát; Chứng cứ chứng minh con cái tự sát là do bố mẹ gây ra…
Tố cáo xử lý về hình sự trong quan hệ vợ chồng vi phạm chế độ hôn nhân gia đình là rất khó, bởi lẽ các bên còn ràng buộc trong quan hệ con cái và gia đình. Theo luật sư, việc tố cáo xử lý hình sự sẽ làm trầm trọng hơn quan hệ vợ chồng, con cái và gia đình. Tuy vậy khó xử lý loại Tội phạm này, chúng ta vẫn phải quy định trong Bộ luật hình sự nhằm mục đích răn đe, phòng chống các vi phạm trong lĩnh vực hôn nhân gia đình.
Hôn nhân không phải là “bảo bối”
Viện Nghiên cứu gia đình và giới (Viện Khoa học xã hội Việt Nam), cho biết, qua một cuộc điều tra nghiên cứu quốc gia về gia đình, cho kết quả, nguyên nhân dẫn đến ly hôn thì mâu thuẫn về lối sống là hàng đầu (27,7%), tiếp theo là ngoại tình (25,9%), nguyên nhân kinh tế (13%), bạo hành gia đình (6,7%), lý do sức khỏe (2,2%) và do xa nhau lâu ngày (1,3%). Hiện tượng ly hôn đang tăng lên chủ yếu là do áp lực về kinh tế, khác biệt về lối sống và sự không chung thủy của cả hai giới.
Không chỉ dừng ở đó, không ít án mạng và những bi kịch đã xảy ra. Mới đây, vụ án “Vượt ngàn cây số giết vợ và người tình” diễn ra sáng 31/5, TAND tỉnh Quảng Trị sẽ mở phiên xét xử lưu động hung thủ Trần Đình Thịnh (SN 1987, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, Quảng Trị).
Bị cáo Trần Đình Thịnh sinh ra trong một gia đình nông thôn, nhà đông anh em. Học xong lớp 12, Thịnh quyết chí vào nam lập nghiệp mong sớm thoát khỏi cái đói, cái nghèo đeo đẳng. Đối tượng xin vào làm công nhân tại một xí nghiệp và quen biết Quách Thị T (30 tuổi). Họ đã có một tình yêu đẹp và kết thúc bằng một đám cưới giản dị. Sau đó cả hai về quê chồng sinh sống và lập nghiệp.
Bi kịch bắt đầu từ khi Thịnh bỏ nghề thợ nề, theo chân một số người dân trong làng sang Trung Quốc làm ăn do cuộc sống gia đình ngày càng khó khăn. Giữa năm 2015, Thịnh liên tục nhận được điện thoại của người nhà báo tin T ở nhà ngoại tình với một người đàn ông tên Trần Văn Q (SN 1976, ở Gio Việt, Gio Linh, Quảng Trị). Người đàn ông này làm nghề buôn bán, có gia đình riêng cùng 3 đứa con.
Ngày 16/8/2015 cả hai vợ chồng Thịnh cùng đứa con trai út (SN 2012) vào Bình Dương. Ở tạm nhà em gái được hai hôm thì Thịnh đưa vợ ra ngoài thuê nhà nghỉ. Để chắc chắn vợ không còn giấu diếm chuyện gì nên Thịnh lại dò hỏi. Do Thịnh tra hỏi ráo riết nên T đành khai hết mọi chuyện. Nghe vậy, Thịnh khóc lóc rồi bỏ ra ngoài.
Đến lúc quay về phòng thấy vợ đang cầm điện thoại di động nên giật xem và phát hiện dòng tin nhắn T đã gửi cho một số điện thoại lạ với nội dung: Nếu anh Thịnh bỏ em, anh có đi với em không? Tin nhắn như giọt nước tràn ly, Thịnh liền vồ lấy con dao cắt trái cây đâm T chết.
Gây án xong, rạng sáng hôm sau Thịnh đi máy bay từ Tân Sơn Nhất ra sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) và đón xe khách về Quảng Trị. Lo sợ bị công an bắt giữ nên Thịnh lấy xe máy (gửi ở bến xe TP Đông Hà) lang thang khắp nơi chứ không về nhà.
20h ngày 20/8, Thịnh về nhà lấy con dao bầu rồi chạy xe đến nhà tình địch. Khi anh Q đang nằm ngủ trên giường, Thịnh lẻn vào chém một nhát mạnh trúng vào cổ khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. HĐXX tuyên Thịnh phạt án tử hình về tội Giết người. Thịnh phải bồi thường gần 300 triệu đồng cho gia đình anh Nam.
Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, hôn nhân hầu hết là kết quả của tình yêu nhưng lại không phải là “bảo bối” để giữ cho tình yêu sau hôn nhân mãi mãi bền vững. Khi người vợ và người chồng sống hàng ngày bên nhau và phải đương đầu với bao khó khăn, thách thức của đời sống hôn nhân thì lúc đó sẽ nảy sinh bao vấn đề.
Lúc đó, tình yêu đích thực mới được kiểm chứng một cách đầy đủ nhất. Ngày nay, việc hai người yêu nhau và đi đến hôn nhân bằng một con đường mơ hồ và ít tính bảo đảm hơn trước kia rất nhiều. Có khi chỉ thông qua một thế giới ảo như facebook là họ đã yêu nhau trong khi không hiểu biết gì về nhau.
Đấy cũng là một lý do ngoại tình càng ngày càng nhiều và ly hôn cũng vậy. Chính thế mà những người làm luật đưa việc ngoại tình với những hậu quả nào đấy của nó như là một tội danh cụ thể là một thách thức, đặc biệt với các cơ quan hành pháp khi tiến hành điều tra người bị coi là mắc tội danh đó.
Luật sư Phạm Công Út, (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng quan trọng hơn cả vẫn là “dâm tang, gian chứng”. Thực tế, cũng có trường hợp ngoại tình đã bị xử lý hình sự về hành vi này nhưng cực hiếm, vì các chứng cứ hành vi “chung sống như vợ chồng với người khác” rất khó chứng minh. “Đó là một khái niệm mang yếu tố khoa học pháp lý không dễ áp dụng vào thực tiễn tư pháp.
Theo tôi, điều luật phải cụ thể hóa hành vi thế nào là “sống chung như vợ chồng” thì sẽ đi vào đời sống, bảo vệ được các mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, bảo vệ được hạnh phúc của các gia đình bằng pháp luật” – luật sư Út chia sẻ.