Về việc xác định, phân chia, xử lý tài sản chung để thi hành án, khoản 1 Điều 74 Luật THADS quy định: Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự…
Còn Điều 212 Bộ luật dân sự quy định: Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.
Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 quy định: Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, việc xác định các thành viên trong hộ gia đình hiện nay còn chưa thống nhất nên đã dẫn đến nhiều quan điểm xác định các thành viên trong hộ khác nhau trong cùng một trường hợp cụ thể, dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án gặp nhiều khó khăn, bất cập trình tự thủ tục áp dụng không đảm bảo pháp luật.
Mặt khác, khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các cơ quan nhà nước đều ghi cấp cho hộ ông (hoặc bà) nên cũng khó khăn trong việc xác định đây là tài sản của vợ chồng hay của hộ gia đình. Ngoài ra, Chấp hành viên còn gặp các khó khăn khác như: khó xác minh hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì hồ sơ bị thất lạc hoặc không được lưu trữ; khi cơ quan THADS thực hiện việc xác định, phân chia phần quyền sử dụng đất cho các thành viên của hộ gia đình và thông báo cho họ biết nhưng không ai có ý kiến; đến khi xử lý xong tài sản thì mới khiếu nại hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết.
Do vậy, để đảm bảo việc thi hành án được thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục thi hành án và tránh khiếu nại, cơ quan THADS cần xác minh làm rõ một số vấn đề đối với quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Cụ thể, về nguồn gốc đất, trong trường hợp quyền sử dụng đất được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi thì ai là người để lại thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng, trao đổi. Trường hợp quyền sử dụng đất được nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất cần làm rõ mục đích nhà nước giao hoặc cho thuê đất, phương án giao hoặc cho thuê đất. Trường hợp quyền sử dụng đất được nhà nước công nhận thì ai là người kê khai và đăng ký.
Xác định rõ các thành viên của hộ gia đình gồm những ai tại thời điểm được nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất và tại thời điểm thi hành án. Đồng thời làm rõ mối quan hệ giữa các thành viên trong hộ gia đình.
Đối với việc thông báo thi hành án, cần thông báo rõ các thành viên của hộ gia đình gồm những ai; thông báo cho tất cả các thành viên của hộ gia đình biết quyền thỏa thuận trong việc xác định, phân chia quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong quyền sử dụng đất của hộ gia đình; thông báo việc Chấp hành viên xác định, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án dân sự trong quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Đồng thời, kịp thời giải quyết dứt điểm mọi khiếu nại, tố cáo phát sinh trong quá trình tổ chức thi hành án.