Bề dày truyền thống 40 năm đầy tự hào
Ra đời cách đây 40 năm, cùng với Khoa Hành chính - Nhà nước, Khoa Tư pháp và Khoa Luật quốc tế, Khoa PLKT là một trong 04 khoa đầu tiên của Trường Đại học Pháp lý Hà Nội (được thành lập theo Quyết định số 405/CP ngày 10/11/1979 của Hội đồng Chính phủ). Thuở ban đầu mới thành lập, Khoa PLKT đảm nhiệm công việc giảng dạy 04 môn học (bao gồm Luật Kinh tế; Luật Đất đai, rừng, mỏ nước; Luật Lao động và Luật Hợp tác xã) thuộc chuyên ngành luật kinh tế, được ghi nhận trong Đề án thành lập Trường Đại học Pháp lý Hà Nội; quản lý các sinh viên chuyên ngành Luật Kinh tế của các khóa 1, 2, 3 và một lớp khóa 4.
Khi mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa PLKT chủ yếu là các thầy, cô giáo được đào tạo cử nhân luật ở các nước XHCN như Liên Xô (cũ), CHDC Đức và một số sinh viên tốt nghiệp Trường Đại học Pháp lý Hà Nội được giữ lại làm giảng viên với số lượng khoảng 17 cán bộ, giảng viên và người lao động. Trong năm học đầu tiên (1979 - 1980), do mới thành lập, Khoa gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiện toàn Ban Chủ nhiệm Khoa. Đây là khó khăn chung của nhà trường lúc bấy giờ, bởi Trường cũng chỉ có 67 biên chế, trong đó chỉ có 17 giáo viên, nên Ban Chủ nhiệm Khoa chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm.
Đến năm 1982, cùng với việc sắp xếp lại cơ cấu tổ chức của các bộ phận trong trường khi sáp nhập Trường Cán bộ tòa án với Trường Đại học Pháp lý Hà Nội, đội ngũ lãnh đạo các khoa được bổ nhiệm lại và thầy Lê Hồng Hạnh được bổ nhiệm Trưởng khoa (1982). Sau đó, lần lượt là thầy Dương Đăng Huệ, thầy Võ Gia Phúc, thầy Trần Ngọc Dũng, thầy Bùi Ngọc Cường, thầy Nguyễn Viết Tý đảm nhiệm chức vụ Trưởng khoa. Hiện tại, Trưởng khoa PLKT là PGS.TS. Nguyễn Hữu Chí.
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa PLKT phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, tổng số cán bộ, giảng viên và người lao động của Khoa bao gồm 62 người (trong đó có 02 trợ lý), bao gồm 10 PGS, 12 TS, 38 thạc sĩ; trong đó có 09 người đang theo học nghiên cứu sinh (có 03 giảng viên đang học nghiên cứu sinh ở Nhật Bản, Úc, Trung Quốc) và là khoa lớn nhất của Trường Đại học Luật Hà Nội. Khoa hiện có 07 bộ môn: Bộ môn Luật Thương mại; Bộ môn Luật Lao động, Bộ môn Luật Tài chính - Ngân hàng, Bộ môn Luật Đất đai, Bộ môn Luật Môi trường, Bộ môn Luật Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ môn Kinh tế học và Bộ phận trợ lý khoa.
Khoa PLKT đảm nhận nhiệm vụ giảng dạy cho tất cả các hệ đào tạo chính quy, văn bằng 2 chính quy, cử nhân hệ vừa học vừa làm, hệ KVO, hệ trung cấp luật liên thông, sau đại học và nghiên cứu sinh. Trong 40 năm qua, cán bộ, giảng viên của Khoa PLKT đã tham gia 03 đề tài nghiên cứu khoa học (NCKH) cấp Nhà nước, hàng chục đề tài NCKH cấp Bộ, hàng trăm đề tài NCKH cấp Trường, công bố hơn 500 bài viết đăng trên các tạp chí khoa học chuyên ngành luật có uy tín ở trong và ngoài nước (trong đó có hơn 10 bài viết đăng trên tạp chí nước ngoài); tham gia viết hàng ngàn tham luận cho các hội thảo khoa học cấp quốc gia, cấp trường, cấp bộ, cấp khoa; biên soạn 12 đầu sách giáo trình; 08 đầu sách hướng dẫn học tập, hàng chục cuốn sách chuyên khảo, tham khảo; tham gia góp ý, phản biện các dự án luật… Đặc biệt, nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa PLKT, tập thể các nhà khoa học, giảng viên của Khoa và các cộng tác viên thân thiết đã xuất bản cuốn sách “Pháp luật Kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới ở Việt Nam”, 02 số chuyên đề của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Tạp chí Luật học v.v
Hoạt động ngoại khóa của thầy và trò Khoa Pháp luật kinh tế |
Những thách thức phải đổi mới
Bên cạnh những thành tích đạt được rất đáng tự hào trong 40 năm qua, đứng trước đòi hỏi của thực tiễn phát triển đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế cũng như yêu cầu của Đề án 549 ngày 3/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật đang đặt ra những thách thức cho Khoa PLKT. Những thách thức chủ yếu này bao gồm:
Một là, năng lực hội nhập quốc tế của đội ngũ cán bộ, giảng viên Khoa PLKT chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập quốc tế. Trong tổng số 62 cán bộ, giảng viên, người lao động thì số giảng viên giảng dạy pháp luật bằng tiếng Anh chiếm chưa đến 10 người. Điều này không chỉ hạn chế về số lượng các bài báo khoa học đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật của nước ngoài thuộc danh mục ISI và SCOPUS mà còn là rào cản trong tiếp xúc, trao đổi về học thuật, giảng dạy, nghiên cứu khoa học giữa cán bộ, giảng viên của Khoa với các đồng nghiệp nước ngoài trong điều kiện thế giới phẳng.
Hai là, chất lượng các công trình NCKH của cán bộ, giảng viên của Khoa chưa cao chủ yếu là đề tài NCKH cấp Trường, còn ít các đề tài NCKH cấp bộ, đề tài NCKH cấp Nhà nước chưa có các công trình NCKH mang tầm vóc có thể tư vấn cho Đảng và Nhà nước giải quyết những vấn đề thực tiễn pháp lý của đất nước đang đặt ra. Mặt khác, chưa định hình được các chủ thuyết, trường phái học thuật trong lĩnh vực luật học do các giảng viên, các nhà khoa học của Khoa khởi xướng.
Ba là, đội ngũ cán bộ, giảng viên của Khoa hiện nay phần lớn là những người trẻ chiếm hơn 60% bên cạnh sự nhiệt huyết, nhạy bén với những thành tựu khoa học, công nghệ mới song độ dày trong tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn pháp lý và NCKH còn vơi. Hay nói cách khác, những giảng viên trẻ cần phải có thời gian mới có thể đạt “độ chín” trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Bốn là, chương trình, nội dung giảng dạy của Khoa PLKT còn mang nặng tính lý thuyết, hàn lâm chậm bổ sung các môn học mới mà thực tiễn pháp lý của đất nước đặt ra như các môn kỹ năng đàm phán trong kinh doanh thương mại; kinh tế - luật, xã hội học pháp luật v.v. Hơn nữa, chất lượng giảng dạy dường như còn ít phân tích, luận giải về các trường phái lý thuyết, cơ sở khoa học của pháp luật mà vẫn còn nặng về bình luận, mô tả các quy định thực định …
Giảng viên trẻ của Khoa giao lưu với sinh viên K44 |
Tầm nhìn và giải pháp phát triển
Không dừng lại ở những điều đã làm được, tập thể Khoa PLKT đã và đang quyết tâm tự làm mới mình để đáp ứng những đòi hỏi của đất nước đang phát triển từng ngày khi lĩnh vực PLKT đang đứng trước những cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập kinh tế quốc tế. Những giải pháp chủ yếu đã và đang được Khoa PLKT triển khai bao gồm:
Một là, căn cứ vào các mục tiêu, định hướng và giải pháp của Đề án 549 ngày 3/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật để cải tiến, bổ sung nội dung, chương trình giảng dạy các môn học của Khoa PLKT nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo dội ngũ cán bộ pháp lý chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế.
Hai là, gắn công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của Khoa PLKT với việc cung cấp các luận cứ khoa học để giải quyết các vấn đề mà thực tiễn phát triển đất nước đặt ra trong lĩnh vực kinh tế.
Ba là, đổi mới công tác quản trị đại học, công tác quản lý của Khoa trên cơ sở bám sát các quan điểm, đường lối của Đảng về đổi mới căn bản giáo dục đại học; Luật Giáo dục đại học sửa đổi.
Bốn là, nâng cao năng lực hội nhập cho đội ngũ cán bộ, giảng viên (đặc biệt là các giảng viên trẻ) để có thể giảng dạy PLKT cho các lớp chất lượng cao, cử nhân tài năng bằng tiếng Anh và trao đổi học thuật với các đồng nghiệp nước ngoài; công bố các công trình NCKH trên các tạp chí quốc tế chuyên ngành luật thuộc danh mục ISI và SCOPUS.
Năm là, tiếp tục duy trì truyền thống đoàn kết, giữ vững, củng cố kỷ cương, kỷ luật lao động, thực hiện nếp sống văn minh công nghiệp, môi trường văn hóa sư phạm đạt dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Hội đồng Trường, Ban Giám hiệu; của Chi Bộ, Ban Chủ nhiệm Khoa.
Sáu là, nâng cao chất lượng công tác NCKH; đề xuất với nhà trường xây dựng và thực hiện cơ chế dịch vụ khoa học, đấu thầu các đề tài NCKH bên ngoài trường; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh; Đồng thời, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực PLKT.
Bảy là, đổi mới công tác quản trị đại học trong lãnh đạo, quản lý Khoa; chú trọng quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giảng viên và người lao động.
Tám là, tăng cường công tác lãnh đạo của Chi bộ đối với công đoàn, đoàn thanh niên; hưởng ứng tích cực, có hiệu quả các phong trào do Đảng ủy, Công đoàn Trường phát động. Đồng thời, duy trì sự gắn bó, hợp tác tích cực, chặt chẽ với các tổ chức chính trị của nhà trường như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên, Hội Cựu chiến binh.
Chín là, tăng cường và củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Khoa PLKT với Phòng Đào tạo, Phòng Quản lý Khoa học và Trị sự tạp chí, Phòng Hợp tác quốc tế và các khoa chuyên môn v.v trong việc nâng cao chất lượng công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Mười là, mở rộng mối quan hệ với các doanh nghiệp, văn phòng luật sư, công ty luật, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội … trong việc hợp tác nâng cao chất lượng giảng dạy và NCKH của Khoa. Đồng thời, duy trì và tăng cường mối quan hệ giữa Khoa với các cựu sinh viên của Khoa trong việc triển khai toàn diện các hoạt động của Khoa…
PGS. TS. Nguyễn Quang Tuyến
Phó Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế
“Khoa Pháp luật Kinh tế của chúng tôi”
LTS: Khoa Pháp luật Kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) là nơi có rất nhiều thế hệ giảng viên trưởng thành từ Khoa, đang tiếp tục cống hiến ở những vị trí khác nhau trong xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm thành lập Khoa, một số thầy cô đã có những tâm tình về nơi mình đã và đang gắn bó.
“Ký ức không thể nào phai mờ”
GS,TS. Lê Hồng Hạnh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Pháp luật và Kinh tế ASEAN (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý (Bộ Tư Pháp), nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật Hà Nội, nguyên Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế)
“Ai đã từng công tác ở Khoa Pháp luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) từ những ngày đầu tiên chắc không bao giờ có thể quên những kỷ niệm vô cùng sâu đậm về khó khăn, về tình đồng nghiệp và bạn bè ở đó. Những buổi giảng trong điều kiện phòng học nóng như nung vào mùa hè, lạnh như đá trong mùa đông, chỉ bảng đen, phấn trắng không có micro vẫn trôi đi cùng năm tháng. Nhịn đói lên lớp là chuyện thường. Ngay việc nhận được lương, tự thưởng cho mình hai chiếc bánh dầy Quán Gánh để lên lớp giảng bài 5 tiết liên tục là điều xa xỉ thời đó. Một ngày có hai bát cơm và hai bát hạt bo bo chưa xay vào buổi trưa và buổi tối. Thật kỳ lạ, trong cái đói, trong khó khăn như vậy mà các giảng viên và sinh viên Khoa Pháp luật kinh tế vẫn tràn đầy nhiệt huyết, vẫn say sưa với nghiên cứu, giảng dạy và học tập. Tình cảm thầy trò dành cho nhau thật yêu thương và kính trọng, đối xử với nhau rất chân thành, mộc mạc mà đến bây giờ mỗi chúng tôi khi gặp lại vẫn cảm thấy gắn bó như xưa.
Hãy lưu giữ trong ký ức của chúng ta những giá trị đẹp đẽ từ thuở ban đầu ấy và trao lại cho những thế hệ hôm nay và mai sau”.
“Nơi tôi luôn gắn bó và muốn trở về”
TS. Lưu Bình Nhưỡng - Đại biểu Quốc hội Khóa XIV, Phó trưởng ban Dân nguyện (Ủy ban Thường vụ Quốc hội), thành viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Khoa Pháp luật kinh tế
“Với tôi, có thể nói thời gian học tập và sau đó làm việc tại Trường Đại học Luật Hà Nội tổng cộng 26 năm là thời gian gắn bó lâu nhất của bản thân đối với một cơ quan tính cho đến thời điểm này. Trong hơn 22 năm làm giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế là những tháng năm đầy trải nghiệm, phấn đấu, nỗ lực cả về chuyên môn và năng lực quản lý. So với các thầy cô đi trước, chúng tôi được xem như là “thế hệ giảng viên thứ hai” của Khoa, có may mắn được chứng kiến và song hành cùng nhà trường những năm tháng đầy khó khăn, vất vả và cũng rất đỗi tự hào. Nhiều thầy cô của Khoa cùng các đồng nghiệp, các thế hệ học trò của chúng tôi sau này đã viết tiếp nên trang sử 40 năm truyền thống đoàn kết gắn bó, vượt khó, sáng tạo để xây dựng nên một tập thể vững mạnh có đội ngũ nhà giáo, nhà khoa học với chuyên môn cao trong lĩnh vực pháp luật kinh tế.
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập, tôi xin chúc tập thể lãnh đạo, giảng viên, chuyên viên của Khoa Pháp luật kinh tế luôn dồi dào sức khỏe, phát huy trí tuệ trong sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo hơn nữa trong học thuật và các kỹ năng nghề luật, tiếp tục gặt hái nhiều thành công và cùng góp sức gìn giữ truyền thống, xây dựng Khoa Pháp luật kinh tế và Trường Đại học Luật Hà Nội xứng đáng là Trường trọng điểm quốc gia về đào tạo cán bộ pháp luật trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay”.
“Thế hệ trẻ là tương lai của Khoa, của Trường”
PGS, TS. Nguyễn Hữu Chí – Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế
“Khoa Pháp luật kinh tế trong những năm gần đây có sự thay đổi mạnh mẽ về đội ngũ giảng viên, số giảng viên trẻ (dưới 35 tuổi) chiếm tỷ lệ trên 50% và số giảng viên nữ chiếm 2/3 tổng số giảng viên. Đây là nguồn nhân lực có tiềm năng, được đào tạo cơ bản và tâm huyết với nghề nghiệp. Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay thì phương thức đào tạo cũng thay đổi nhanh chóng. Những giảng viên trẻ là những người có nhiều điều kiện để làm chủ quá trình này và gia tăng sự kết nối, hấp dẫn với người học. Khoa Pháp luật kinh tế đã và đang dành cho họ một môi trường nghề nghiệp chuyên nghiệp, dân chủ, năng động và thân thiện.
Qua 40 năm xây dựng và phát triển, đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ trong Khoa Pháp luật kinh tế, là sự tiếp nối tất yếu của quá trình phát triển. Thế hệ giảng viên trong Khoa Pháp luật kinh tế hôm nay đã trong tâm thế sẵn sàng, thể hiện thông qua nỗ lực trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ ngoại ngữ, tham gia các hoạt động tập thể và cộng đồng với những suy nghĩ tích cực, sáng tạo, khám phá những điều mới mẻ và tự khẳng định mình trong một tập thể đoàn kết và năng động. Khát vọng vươn lên của các giảng viên trẻ với điểm tựa là bề dày thành tích 40 năm, là tâm sức của bao thế hệ thầy cô đi trước đã, đang và sẽ khẳng định vị thế của Khoa Pháp luật kinh tế trong TrườngĐại học Luật Hà Nội và ngoài xã hội”.
“Thế hệ chúng tôi đã rất tin, đã rất yêu!”
TS. Vũ Đặng Hải Yến – Phó Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban Pháp chế Tập đoàn FLC, nguyên Phó trưởng Bộ môn Luật Thương mại
“Hành trình 12 năm của tôi với Đại học Luật Hà Nội, so với một đời người là ít, nhưng so với những trải nghiệm về công việc và tình cảm mà tôi nhận được lại là quá nhiều. Khoa Pháp luật kinh tế và TrườngĐại học Luật Hà Nội đã cho tôi nhiều thứ quý giá, đã dạy tôi biết thế nào là tình yêu và niềm tin. Mỗi ngày trôi qua trong suốt 12 năm ấy, tôi thực sự được chỉ bảo, được cảm thông, được chia sẻ, được yêu thương... Ở đó, có những người thầy, người anh, người chị, người bạn đã nắm lấy tay tôi thật ấm áp, thật chặt, thật giản dị và chân thành.
Tôi nhớ lại những buổi lên lớp của mình. Thế giới lấp lánh ngoài kia thu gọn lại trong tôi chỉ là một chiếc bảng xanh, vài viên phấn trắng cùng những hồi chuông ngân dài báo hiệu tiết học. Giữa những hồi chuông ngân dài ấy là tuổi trẻ của tôi, là ước mơ của tôi, là mồ hôi của tôi hoà quyện cùng hàng trăm ánh mắt của học trò. Thời khắc ấy, chúng tôi đã cùng nhau mơ về công bằng, chính nghĩa và tình yêu.
Thế hệ chúng tôi đã dấn thân, đã rất tin, đã rất yêu và biết ơn rất nhiều!
Hành trình của tôi ở Khoa Pháp luật kinh tế vẫn tiếp tục theo một cách rất riêng. Trong hành trình tương lai vẫn sẽ có những người anh, người chị, người bạn, người em mà tôi rất đỗi tự hào và yêu thương, sẽ cùng chung ước mơ để Khoa Pháp luật kinh tế tiếp tục vươn xa, bay cao!”.
“40 năm của ước mơ tuổi trẻ”
ThS. Nguyễn Thị Thanh Tú - Giảng viên Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng (nguyên Bí thư Liên chi đoàn Khoa Pháp luật kinh tế)
“Khoa Pháp luật kinh tế là nơi đã nuôi dưỡng ước mơ trong tâm trí tôi ngay khi còn là một cô bé qua những lời kể và cuốn sách của mẹ, của dì - những cựu sinh viên của Trường Đại học Luật Hà Nội (HLU) và của Khoa Pháp luật kinh tế. Cứ như vậy, tôi đã nỗ lực từng ngày để được là sinh viên của Trường, của Khoa. Sau khi tốt nghiệp, tôi đã trưởng thành và tự hào trở thành một phần của Khoa Pháp luật kinh tế, tự hào để xưng danh là giảng viên Khoa Pháp luật kinh tế. Trong những giờ lên lớp, tôi luôn cố gắng không chỉ giảng những bài học về pháp luật, mà còn muốn truyền cho sinh viên ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu đối với luật học, tình yêu đối với Trường, với Khoa.
Tôi muốn thay mặt các giảng viên trẻ của Khoa Pháp luật kinh tế cảm ơn những thế hệ thầy cô đi trước và những thế hệ thầy cô hôm nay đã gây dựng nên Khoa Pháp luật kinh tế giàu truyền thống và chuyên ngành Pháp luật kinh tế được xã hội ghi nhận về chất lượng đào tạo. Chúng tôi, những giảng viên trẻ, với nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, luôn tự hào và quyết tâm phát huy truyền thống của Khoa Pháp luật kinh tế để cùng Trường Đại học Luật Hà Nội trở thành Trường trọng điểm đào tạo cán bộ pháp luật trong xu thế đổi mới và hội nhập hiện nay”.