Khoảng 70% trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng

(PLVN) - Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Lý Thị Mỹ Dung - Chuyên gia Nội tiết, Bệnh viện Đại học Y dược Shing Mark cho biết, khoảng 70% trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ, hoặc nếu có triệu chứng thì thường không điển hình, đặc hiệu cho bất kỳ một bệnh lý nào.
Ảnh minh họa gan nhiễm mỡ.

Gan nhiễm mỡ là tình trạng lượng mỡ trong gan dư thừa quá nhiều. Ở người bình thường, lượng mỡ trong gan chỉ chiếm từ 2 - 4% trọng lượng của gan. Nhưng trong bệnh gan nhiễm mỡ, mỡ sẽ chiếm ít nhất từ 5-10% trọng lượng của gan. Bệnh thường diễn ra âm thầm nên rất khó nhận biết, chỉ được phát hiện khi kiểm tra sức khỏe định kỳ, siêu âm tổng quát.

Khoảng 70% trường hợp gan nhiễm mỡ không có triệu chứng, chỉ phát hiện khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ, hoặc nếu có triệu chứng thì thường không điển hình, đặc hiệu cho bất kỳ một bệnh lý nào.

Cụ thể như người bệnh có cảm giác no, đầy bụng, chán ăn; Sốt nhẹ, mệt mỏi; Buồn nôn; Ngán dầu mỡ; Nặng hạ vùng sườn phải.

Nếu bệnh chuyển biến nặng hơn có thể xuất hiện những dấu hiệu như: Vàng da, mắt; Đau bụng, buồn nôn, nôn, gan to nhẹ.

Ở những bệnh nhân gan nhiễm mỡ do những nguyên nhân khác nhau có kèm theo những triệu chứng toàn thân và dấu hiệu đặc trưng của những nguyên nhân đó.

Theo bác sĩ Dung, gan nhiễm mỡ hình thành do sự dư thừa mỡ trong gan, tương tự như khi bạn thừa cân hoặc béo phì. Đái tháo đường Type 2 cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ. Trong đó, sự tích lũy mỡ ở gan có liên quan tới tình trạng kháng insulin (nguyên nhân phổ biến nhất của đái thái đường Type 2)

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ như: Nghiện Rượu bia; Sử dụng quá liều quy định một số loại thuốc như Acetaminophen; Gan nhiễm mỡ trong thai kỳ; Tăng Cholesterol , triglyceride trong máu; Hàm lượng triglycerid máu cao; Suy dinh dưỡng, nhịn đói; Hội chứng rối loạn chuyển hóa; Nuôi ăn qua đường tĩnh mạch kéo dài.

Bác sĩ Dung cũng cho biết, gan nhiễm mỡ, không cần phải sử dụng thuốc hay phẫu thuật, mà điều quan trọng nhất là giảm bớt yếu tố nguy cơ. Hạn chế các đồ uống chứa cồn. Chế độ ăn cần hạn chế ăn thực phẩm giàu cholesterol như da và nội tạng động vật, lòng đỏ trứng, hạn chế đường. Luyện tập thể dục 30 phút/ngày, đi bộ, thể thao. Điều trị các Rối loạn chuyển hóa: Tiểu đường (Metformin),tăng Lipid máu (Statin,Omega 3),béo phì, các bệnh viêm gan siêu vi C...

“Ngưng ngay các thuốc độc cho gan, gây tích lũy mỡ trong gan, thay các thuốc an toàn hơn theo chỉ dẫn của bác sĩ”, bác sĩ Dung nhấn mạnh.

“Nếu bạn mắc gan nhiễm mỡ do béo phì hoặc do thói quen ăn uống, thì tập thể dục thể thao nhiều hơn là điều không thể thiếu, đồng thời loại bỏ những thực phẩm không tốt cho sức khỏe; ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh và ngũ cốc. Bên cạnh đó, hãy thay thế thịt đỏ (ví dụ: thịt bò) bằng những loại thịt có protein ít béo như thịt gà hay cá”, bác sĩ Dung khuyến cáo.

Đọc thêm