Khoảng trống “đối tác xe công nghệ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khảo sát năm 2021 của công đoàn cùng một số đơn vị với “đối tác” của chỉ một hãng xe công nghệ, chưa tính các hãng khác, đã đưa ra những số liệu “biết nói”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo đó, cả nước có khoảng 200.000 lái xe (môtô, ôtô) là “đối tác” của hãng này. Họ vận chuyển hành khách, thức ăn, hàng hóa được điều hành trên nền tảng công nghệ. Một nửa trong số đó làm việc tại Hà Nội và TP HCM.

Tài xế công nghệ chủ yếu là lao động ngoại tỉnh, tuổi từ 25-35, nữ chiếm 5%. Họ có xuất thân đa dạng, từ lái xe truyền thống chuyển sang, lao động tự do, sinh viên, công nhân, người buôn bán nhỏ. 25% có trình độ tiểu học và trung học, 26% có trình độ cao đẳng. 60% tài xế đi làm kiếm tiền nuôi từ hai người trở lên.

Thu nhập bình quân của tài xế môtô 318.000 đồng mỗi ngày, khoảng 7 triệu đồng/tháng. Lái ôtô công nghệ thu nhập bình quân 564.000 đồng mỗi ngày và 12 triệu đồng/tháng, đã trừ chi phí, xăng xe. Ngoài thu nhập trên, các loại thưởng, trợ cấp, hỗ trợ từ công ty cung ứng dịch vụ khá thấp và không đều đặn.

Tài xế xe máy làm việc trung bình 9,2 tiếng và lái xe ôtô khoảng 11,2 tiếng/ngày. Điều kiện làm việc của họ chịu ảnh hưởng thời tiết, tắc đường, tiềm ẩn tai nạn, mất, hỏng hàng, bị quấy rối tình dục và chịu nhiều hành vi nguy hiểm khác.

Theo công đoàn, còn nhiều khoảng trống lẫn rào cản nhóm này trong tiếp cận các chính sách an sinh xã hội. Chỉ 7% số người khảo sát cho biết tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) và 81% có đóng bảo hiểm y tế (BHYT). Nguyên nhân chính là không đủ tiền, không thấy nhiều lợi ích, không hiểu biết hoặc không có nhu cầu. Song gần 67% tài xế mong muốn được tiếp cận chính sách an sinh hỗ trợ trực tiếp, nhất là BHYT, BHXH, nhiều người hy vọng công ty tư vấn, hỗ trợ đóng BHXH.

Nghiên cứu của một nữ tiến sĩ vào 2021 chỉ ra đặc điểm chung của tài xế công nghệ là chỉ có “hợp đồng đối tác” với công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, không phải hợp đồng lao động; loại hình này nằm ngoài khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Hiện chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng, quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng lao động này. Họ cũng không được hưởng chế độ BHYT, BHXH bắt buộc dành cho lao động có hợp đồng, không được hưởng chế độ phúc lợi xã hội nào khác. Các công ty cung ứng dịch vụ cũng không phải chịu trách nhiệm đóng BHXH cho tài xế công nghệ.

Chỉ một số tài xế làm việc toàn thời gian được đóng bảo hiểm tai nạn, nhưng điều kiện hưởng khá chặt chẽ và quyền lợi hạn hẹp. Một số công ty hỗ trợ tài chính để tài xế mua bảo hiểm tai nạn, với mức 26%, 16% song một nửa doanh nghiệp không hề hỗ trợ.

Nhiều tài xế làm việc trung bình 10-12 tiếng mỗi ngày, nhưng không hưởng tiền làm thêm, nghỉ không lương, không có phúc lợi. Về lâu dài, nữ TS cho rằng cần có sự đồng thuận giữa các bên liên quan để đưa loại hình này về quan hệ có hợp đồng lao động thay vì hợp đồng “đối tác”.

Mới đây, góp ý với Bộ LĐ-TB&XH về mở rộng chính sách an sinh, Tổng Liên đoàn Lao động cho rằng cần cải thiện điều kiện làm việc, phúc lợi, bảo hiểm cho các tài xế xe công nghệ, nhằm tăng diện bao phủ BHXH và hướng tới BHYT toàn dân. Một trong những việc làm đầu tiên là cần có chính sách hỗ trợ cho tài xế công nghệ tham gia BHXH, BHYT tự nguyện. Bởi xét về điều kiện làm việc thì nhóm này đang là lao động tự do hợp pháp, có đầy đủ điều kiện đóng BHXH và BHYT tự nguyện. Về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan thẩm quyền cần phải nghiên cứu, làm rõ hơn tính chất quan hệ việc làm của nhóm này để có những chính sách điều chỉnh thích hợp.

Đọc thêm