Khoanh vùng 10 “đầu nậu” buôn lậu cá tầm

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phát hiện và xử lý 40 vụ vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc, tịch thu trên 30 tấn thủy sản các loại, trong đó riêng cá tầm là gần 10 tấn, xử phạt gần 200 triệu đồng. Trong báo cáo mới đây về tình hình buôn lậu cá tầm, như yêu cầu trước đó của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49 (Bộ Công an) cho hay, có 10 “đầu nậu” chuyên buôn thủy hải sản, cá tầm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam…

Trong 6 tháng đầu năm 2013, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49, Bộ Công an) đã phát hiện và xử lý 40 vụ vận chuyển, buôn bán thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc, tịch thu trên 30 tấn thủy sản các loại, trong đó riêng cá tầm là gần 10 tấn, xử phạt gần 200 triệu đồng.

Trong báo cáo mới đây về tình hình buôn lậu cá tầm, như yêu cầu trước đó của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường – C49 (Bộ Công an) cho hay, có 10 “đầu nậu” chuyên buôn thủy hải sản, cá tầm lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam…

Có 4 “tuyến” đường để cá tầm lậu đi sâu vào nội địa.  Ảnh minh họa của B.L
Có 4 “tuyến” đường để cá tầm lậu đi sâu vào nội địa. Ảnh minh họa của B.L

Lượng hàng khó tin từ những trang trại nhỏ

6 tháng đầu năm, tình trạng kinh doanh, vận chuyển thủy sản nhập lậu vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Thủy sản có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc nhập lậu về Việt Nam như cá quả, cá trình, cá nheo, ba ba, ếch… nhập lậu vào Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu Hoành Mô, Móng Cái (Quảng Ninh), Tà Nùng (Cao Bằng), Cốc Nam, Chi Ma (Lạng Sơn), Lào Cai… sau đó vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, tập kết tại chợ cá Yên Sở, chợ Long Biên và một số địa điểm tại quận Thanh Xuân… Một số tiếp tục được vận chuyển  về các tỉnh lân cận và vào tp. HCM bằng đường hàng không từ Nội Bài.

Đối với cá tầm nhập lậu, thời gian trước tháng 4/2013, trung bình mỗi ngày các đối tượng vận chuyển khoảng 5 – 7 tấn cá tầm về Hà Nội tiêu thụ, phần lớn là cá tầm nhập lậu. Hiện nay trung bình mỗi ngày có khoảng 2 tấn cá tầm được vận chuyển về Hà Nội tiêu thụ, thường được tập kết ở các chợ đầu mối Yên Sở, Thanh Trì…, nhưng đa số đã được hợp thức hóa bằng giấy tờ từ các trang trại nuối trong nước, chỉ còn một lượng nhỏ cá tầm nhập lậu không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc được đưa vào từ Quảng Ninh và Lạng Sơn.

Theo khảo sát của cơ quan chức năng, giá cá tầm nhập lậu tại khu vực biên giới khoảng 70.000 đồng/kg, sau khi vận chuyển về Hà Nội được các đối tượng bán với giá 130.000 – 150.000 đồng/kg, trong khi cá tầm trong nước có giá thành cao – khoảng 200.000 đồng/kg, lại nuôi với số lượng ít. Do chênh lệch lớn về giá cả nên các đối tượng bất chấp hậu quả, dùng mọi thủ đoạn để nhập lậu thủy sản, cá tầm vận chuyển sâu vào trong nước bán kiếm lời.

Cá tầm được nuôi ở các tỉnh phía Bắc, chủ yếu là ở các tỉnh Cao Bằng, Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Bắc Giang, gần khu vực biên giới với Trung Quốc nên các đối tượng dễ dàng hợp thức hóa cá tầm nhập lậu thành cá tầm nuôi tại các trang trại, gây khó khăn cho công tác đấu tranh ngăn chặn. Có một câu chuyện khó tin đặt ra nghi vấn về nguồn gốc và việc “tẩy” cá tầm. Đó là có những trang trại nuôi cá tầm diện tích không lớn và cá tầm phải nuôi trong một thời gian nhất định, khoảng hơn 1 năm, mới được xuất bán, nhưng 6 tháng đầu năm 2013 các cơ quan chức năng đã cấp giấy kiểm dịch và xuất bán 40 lần với số lượng khoảng 70 tấn.

Hàng không chỉ được chở cá tầm có đủ giấy tờ nguồn gốc

Cá tầm nhập lậu thường đi qua các cửa khẩu, điểm thông quan, chợ biên giới, sau đó đưa về các điểm tập kết rồi chuyển vào tiêu thụ nội địa. Xác minh của cơ quan công an cho thấy, hiện có khoảng 10 đầu nậu tại các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng chuyên thu gom, tổ chức vận chuyển trái phép cá tầm và thủy sản từ Trung Quốc vào Việt Nam. Các địa bàn trọng điểm về buôn bán, vận chuyển thủy hải sản và cá tầm nhập lậu là Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Cao Bằng…, trong đó, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai là địa bàn phức tạp nhất. Các đối tượng sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, manh động để đối phó với cơ quan chức năng, gây khó khăn cho công tác bắt giữ, xử lý.

Trước những khó khăn, phức tạp trong công tác đấu tranh với các hành vi vi phạm quy định của pháp luật trong vận chuyển, kinh doanh thủy sản nói chung, cá tầm nhập lậu nói riêng, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (Bộ Công an) đề nghị Chính phủ và các Bộ, ban ngành tăng cường tuyên truyền về nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh của các mặt hàng thủy sản nhập lậu, vận động quần chúng tích cực tham gia phòng ngừa, tố giác hành vi vi phạm.

Trong một văn bản mới đây về tăng cường các biện pháp kiểm soát buôn bán quốc tế mẫu vật thuộc CITES (các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp), đặc biệt là đối với mẫu vật của các loài cá tầm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn đề nghị Bộ Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương phối hợp, chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới; đấu tranh, phá dỡ các đường dây buôn bán, vận chuyển trái phép các mẫu vật động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, nhất là mẫu vật cá tầm, phá dỡ các tụ điểm buôn bán trái phép mẫu vật loài hoang dã.

Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền giáo dục, phổ biến và thực hiện nghiêm minh các quy định pháp luật về quản lý và bảo tồn động vật hoang dã, Bọ NNPTNN yêu cầu Hàng không Việt Nam chỉ chuyên chở mẫu vật các loài hoang dã, nhất là cá tầm khi có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc mẫu vật hợp pháp theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Bách Linh

Đọc thêm