Tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng
Dự án nhà máy điện mặt trời Phước Hữu có tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là chi phí thiết bị (khoảng 900 tỷ), còn lại là chi phí xây dựng và đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng.
Nhà máy Điện mặt trời Phước Hữu sẽ được xây dựng thành nhà máy điện mặt trời quang điện nối lưới trực tiếp với công suất lắp đặt 65MWp và đấu nối vào hệ thống điện Quốc gia qua cấp điện áp 110kV.
Dự án được xây dựng với mục tiêu bổ sung nguồn năng lượng sạch vào hệ thống điện Quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện năng cho hệ thống điện cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng.
Đại diện chủ đầu tư cho biết đã lựa chọn các nhãn hiệu thiết bị nổi tiếng từ các nhà cung cấp thiết bị uy tín sử dụng công nghệ hiện đại tiên tiến để đưa vào dự án, nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng ổn định khi vận hành.
Cụ thể, tấm pin được sử dụng trong dự án là mono PERC 365Wp của JA Solar (365Wp/tấm)với các ưu điểm vượt trội. Tỉ lệ hiệu suất của các tấm pin này lên tới hơn 19% (mức quy định là 16%), điều đó cũng đồng nghĩa sẽ tiết kiệm diện tích chiếm đất của toàn dự án…
Đối với thiết bị inverter – vốn là trái tim của nhà máy điện mặt trời, tại dự án Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu, chủ đầu tư sử dụng Inverter Sunny Central 3000 của SMA Solar Technology AG- nhãn hiệu chất lượng cao của Đức về inverter có 37 năm kinh nghiệm.
Thiết bị này được sản xuất và nhập khẩu trọn bộ từ (Đức) với công nghệ làm mát OptiCoolTM đảm bảo cho Inverter luôn vận hành ổn định, kể cả trong điều kiện nhiệt độ môi trường bên ngoài rất cao.
SMA cũng là đơn vị được mời hỗ trợ ở cấp Chính phủ Australia để tư vấn cải tạo và tính toán mô phỏng hệ thống mạng lưới điện. Vì vậy đối tác này hứa hẹn sẽ mang đến cho Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang những kinh nghiệm có tính thực tiễn cao.
Bên cạnh đó, dự án sử dụng hệ thống giá đỡ của Schletter Solar Mounting Group (Đức), máy biến áp của Siemens (Đức)… nhằm đảm bảo cho dự án luôn vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả.
“Chúng tôi tin rằng sự hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị mới chỉ là bước khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai bên trong việc phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam”, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang cho hay.
Dự án Nhà máyđiện mặt trời Phước Hữu có năng lượng bức xạ mặt trời trung bình năm là 2.021kW/m2/năm. Sản lượng điện năm đầu tiên: 104,130 triệu kWh. Sản lượng điện đặc trưng của nhà máy 1.603 kWh/kWp/năm.
Hướng đến năng lượng sạch
Dự án Điện mặt trời Phước Hữu được phê duyệt theo Quyết định chủ trương đầu tư số 286/QĐ-UBND ngày 31/8/2017 của UBND tỉnh Ninh Thuận. Nhà máy Điện mặt trời Phước Hữu tạo tiền đề, cơ sở để nhân rộng mô hình năng lượng sạch ở các vùng miền khác và góp phần đưa Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Trong giai đoạn một của dự án, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vịnh Nha Trang cũng thí điểm khoảng 5.000 m2 làm điện mặt trời kết hợp nông nghiệp để cùng người dân địa phương canh tác các loại như măng tây, hành, tỏi.
Báo cáo Triển vọng Năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Công Thương công bố cho thấy, nhu cầu năng lượng của Việt Nam tăng mạnh. Dự báo đến năm 2035, tổng nhu cầu năng lượng cuối cùng, tăng gấp gần 2,5 lần so với năm 2015. Do đó, thách thức chính của Việt Nam không chỉ là sự tăng trưởng về nhu cầu, mà còn đòi hỏi sự tăng trưởng bền vững dựa trên nguồn năng lượng xanh.
Phát triển năng lượng mặt trời cũng đang trở thành xu hướng tất yếu của thế giới nhờ ưu thế về giá và góp phần tích cực vào việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu nhờ giảm được lượng CO2 phát thải vào môi trường
Nhờ đặc thù của một tỉnh ven biển miền Trung, ít bão và có có số giờ nắng cao hơn nhiều lần so với cả nước, Ninh Thuận đang được xem là địa phương có lợi thế để phát triển ngành công nghiệp năng lượng, nhất là năng lượng mặt trời.
Nhà máy điện mặt trời Phước Hữu được xây dựng với mục tiêu bổ sung một nguồn năng lượng sạch vào hệ thống điện Quốc gia, đáp ứng cung cấp điện cho hệ thống điện nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng. Dự án góp phần tạo tiền đề, cơ sở để phát triển nguồn năng lượng sạch từ mặt trời, phù hợp với định hướng phát triển nguồn điện của Chính phủ, Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.