Vấn đề được đề cập tại Hội thảo “Kinh tế Việt Nam: Tiếp tục khơi dòng cải cách và củng cố niềm tin đầu tư”, do Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hôm 17/10…
Kỳ vọng và lo ngại
Báo cáo kinh tế vĩ mô quý III/2018 do CIEM công bố cho thấy, Việt Nam bước vào quý III với những kỳ vọng và lo ngại đan xen. Tăng trưởng kinh tế cao trong hai quý đầu năm giúp giảm đáng kể áp lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm. Xuất khẩu và giải ngân đầu tư nước ngoài tăng khá ổn định, giúp bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
CIEM dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2018 (cập nhật) có thể đạt mức 6,88%. Tăng trưởng xuất khẩu cả năm dự báo ở mức 13,34%. Thặng dư thương mại dự báo ở mức 5,1 tỷ USD. Lạm phát bình quân năm 2018 đạt 3,97%.
Tuy nhiên, bối cảnh thương mại và thị trường thế giới có nhiều biến động lớn, đặc biệt là diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc và chính sách lãi suất của Mỹ, đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam trong điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM, ThS. Nguyễn Anh Dương, Việt Nam ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô không chỉ là khẩu hiện. Bằng chứng là tái cơ cấu kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD) vẫn được thúc đẩy tuy không còn nổi bật.
Việt Nam cũng đã có các kịch bản và giải pháp linh hoạt ứng phó với diễn biến chiến tranh thương mại Mỹ- Trung. Cùng với đó là nhận diện được các rủi ro (lạm phát, tỷ giá, lãi suất), đồng thời chuẩn bị cho việc phê chuẩn một số hiệp định thương mại tự do mới như CPTPP, EVFTA, đàm phán RCEP…
Nhìn vào bức tranh kinh tế 3 quý đầu năm, cho thấy kinh tế duy trì ở mức cao. Nhìn lại kết quả trong quý III không thấy được khó khăn thực tế trong điều hành, duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong 4 đến 8 quý tới không quá khó, nhưng vấn đề tính bền vững sau đó…”- Trưởng ban Chính sách Kinh tế vĩ mô của CIEM cảnh báo.
Theo chuyên gia này, trong bức tranh sáng màu đó vẫn có những gam “màu xám”. Đó là cả tiêu dùng cuối cùng và tích lũy tài sản đều tăng chậm lại, xuất khẩu phụ thuộc chủ yếu vào khu vực FDI, hàng hóa xuất khẩu và thị trường xuất khẩu chưa được đa dạng hóa. Đặc biệt, việc điều hành chính sách tài khóa tuy có một số mặt tích cực nhưng chưa chuyển biến về căn bản, cụ thể thu để bù chi chứ chưa quyết liệt giảm chi, tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu trong bối cảnh thu từ dầu thô tăng…
Trong thu hút FDI, tuy vốn không còn là yếu tố quyết định song một loạt các yếu tố khác như chuyển giao công nghệ, phòng ngừa tác động bất lợi (môi trường, xã hội), các ngành ưu tiên thu hút, thể chế thu hút FDI, hệ thống thông tin giám sát… vẫn đang lúng túng trong cách làm.
Cải cách để có chất lượng tăng trưởng
Đồng tình với nhận định của CIEM, theo các chuyên gia, tái cơ cấu và cải thiện MTKD trong quý III đã không còn là hành động nổi bật. “Trong bối cảnh này, cam kết ổn định kinh tế vĩ mô và tái cơ cấu kinh tế của Chính phủ là cần thiết, song không đủ…”- TS.Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT khẳng định. Theo ông, vấn đề là làm thế nào để thúc đẩy thêm sự chuyển biến về chất chứ không chỉ về lượng. Mà chất lượng tăng trưởng lại phụ thuộc vào tái cơ cấu kinh tế…
Trong báo cáo của mình, CIEM cũng khẳng định, cải cách thể chế (MTKD, cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, đổi mới sáng tạo, thực tiễn pháp lý tốt) vẫn có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng…
Một lần nữa, thông điệp về việc ưu tiên chính sách cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vi mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng thân thiện hơn với sáng tạo và môi trường, gắn với xử lý hiệu quả những rủi ro trong môi trường kinh tế quốc tế đầy biến động lại được đưa ra bàn thảo. Tồn tại, hạn chế thấy hết rồi. Giải pháp đã được đưa ra. Bi kịch là nhìn thấy nhưng không làm được, kể cả làm không mất tiền nhưng cũng không làm được…”- TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM trăn trở…
Chuyên gia “mổ xẻ” dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi
Đề cập đến vấn đề đầu tư công, Viện trưởng CIEM, TS Nguyễn Đình Cung cho rằng tuy đầu tư công đã giảm về số lượng nhưng các bệnh về đầu tư công chưa được chữa trị, chưa có công trình hạ tầng mang dấu ấn nhiệm kỳ. Về dự án Cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi 34 nghìn tỷ đồng nhưng xảy ra sai sót như vậy mà chỉ rút kinh nghiệm, theo Viện trưởng Viện CIEM là quá nhẹ.
GS- TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng mọi người mới chỉ nhìn những dự án cụ thể như Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi 34 nghìn tỷ đồng, nhưng nhìn bao quát hơn tất cả các dự án đầu tư, chỉ cần tiết kiệm 5% tổng mức đầu tư thì hàng năm ngân sách đã có thêm 5 tỷ USD. Đây là con số rất lớn cho tăng trưởng…