Tại Diễn đàn Khởi nghiệp 2018 tổ chức cuối tuần qua, TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình Khởi nghiệp Quốc gia khẳng định, vốn đầu tư cho khởi nghiệp rất quan trọng nhưng, vốn xã hội cũng quan trọng không kém.
Lợi nhuận và trách nhiệm xã hội
Người đứng đầu VCCI nhớ lại, cách đây khoảng 20 năm, VCCI lần đầu giới thiệu bộ sách “Khởi sự và phát triển DN” và sau đó, là Festival khởi nghiệp đầu tiên. “Thời điểm đó, khái niệm khởi nghiệp ít được nói đến. Nhưng hiện nay, đây đã trở thành trào lưu, là từ khoá mà được nhắc đến nhiều khi mọi người gặp nhau… Có thể nói, khởi nghiệp sẽ định hình tương lai của thế giới này”. TS Lộc nhận định.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, kinh doanh tại thời điểm hiện tại đã có sự thay đổi về mục tiêu, DN hiện có quan niệm về kinh doanh ngoài vấn đề lợi nhuận còn có trách nhiệm xã hội.
Dẫn nghiên cứu của VCCI trên 60 nền kinh tế, trong đó Việt Nam nằm trong nhóm 20 nền kinh tế có tinh thần khởi nghiệp dẫn đầu nhưng khả năng hiện thực hoá ý tưởng khởi nghiệp và đưa ra mô hình kinh doanh đúng vào thực tế thì lại nằm ở 20 nền kinh tế nửa sau, Chủ tịch VCCI khẳng định, tinh thần khởi nghiệp của Việt Nam là không thua kém so với thế giới nhưng Việt Nam cần phát triển thị trường cho khởi nghiệp, cần hệ sinh thái cho khởi nghiệp.
Ông đánh giá vốn cho khởi nghiệp là vô cùng quan trọng và hiện cũng có khoảng 50 quỹ đầu tư với nhiều hình thức đầu tư cho khởi nghiệp nhưng còn tản mạn và quy mô còn nhỏ. Hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái tạo ra nguồn vốn cho khởi nghiệp còn yếu. bởi thực tế vốn cho khởi nghiệp có tính đặc thù...
“Chúng ta nói nhiều đến quỹ đầu tư thiên thần, quỹ đầu tư mạo hiểm nhưng phải đào sâu nghiên cứu về các quỹ này. Đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các quỹ này, để các nhà đầu tư tập trung vào sáng tạo ý tưởng cho khởi nghiệp, còn nguồn vốn khởi nghiệp luôn sẵn sàng. Nguồn vốn cho khởi nghiệp chính là “bầu sữa” cho khởi nghiệp thành công, cần cách thức hợp lý hơn cho “bầu sữa” này phát triển…”, TS Lộc nói.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, vốn đầu tư cho khởi nghiệp không chỉ là tài chính mà là vốn xã hội như chính mạng lưới. DN đi trước không chỉ cung ứng nguồn vốn tài chính cho DN khởi nghiệp mà còn là nguồn vốn xã hội, hỗ trợ DN khởi nghiệp mạng lưới phát triển của mình…
Khơi thông vốn xã hội
Theo Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LP Group, thị trường startup Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường mới nổi, nên khả năng xuất hiện những startup tiềm năng và có khả năng tăng tốc nhanh trong thời gian tới. Do vậy, hành lang pháp lý là một trong những điểm nhấn để Việt Nam có thể có được một thị trường đầu tư hiệu quả.
Hành lang pháp lý quan trọng nhất được nhắc tới là Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa (DNNVV) 2017 có hiệu lực từ 01/01/2018, trong đó đã quy định các nội dung chính về đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo (KNST) bao gồm miễn, giảm thuế thu nhập DN đối với nhà đầu tư KNST và có cơ chế cho phép địa phương đối ứng đầu tư cho DNNVV KNST với các quỹ đầu tư tư nhân. Mới đây nhất, Nghị định 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 về đầu tư cho KNST đã cho phép việc thành lập quỹ đầu tư cho KNST, đồng thời, quy định việc sử dụng ngân sách địa phương cùng đầu tư cho KNST. Bên cạnh đó, Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2017 cũng đã quy định nội dung cho phép sử dụng quỹ phát triển KH&CN tại DN để đầu tư, đối ứng vốn, nhận vốn đối ứng đầu tư cho KNST..
Tuy nhiên, hoạt động đầu tư của DN vào các hoạt động đổi mới sáng tạo đang gặp khó. Luật sư Lộc dẫn chứng: Hiện tại, có 3 cấp độ để nhà đầu tư có thể đầu tư vào DN startup (vốn mồi, tăng trưởng. phát triển và mở rộng thị trường) nhưng Luật Hỗ trợ DNNVV và Nghị định 38/2018/NĐ-CP chưa quy định rõ về việc nên đầu tư vào giai đoạn nào của quá trình thu hút vốn của startup. Luật quy định về ưu đãi, miễn giảm thuế đối với nhà đầu tư sau khi đầu tư vào startup nhưng vẫn chưa quy định cụ thể…Trong khi đó, Luật lại can thiệp sâu và mối quan hệ giữa nhà đầu tư, ngân hàng với startup, vô tình trở thành rào cản đối với các nhà đầu tư vào startup.
“Bản thân startup có an tâm hay không khi mới ra đời đã vướng phải vấn đề pháp lý hoặc nhà đầu tư không thể bơm tiền cho startup?”- ông Lộc đặt vấn đề và đề nghị: “Cần kiến tạo hành lang pháp lý để chúng tôi – DN có thể dễ dàng đầu tư vào khởi nghiệp …”.
Ông Từ Minh Hiệu – Cục Phát triển Thị trường và DN KH&CN (Bộ KH&CN) cho biết, tính từ năm 2012 đến nay, lượng vốn đầu tư mạo hiểm vào khởi nghiệp Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực, chỉ sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Năm 2017, Việt Nam tiếp nhận 92 thương vụ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo với tổng số vốn hơn 291 triệu USD, tăng gần gấp đôi về số lượng thương vụ và gần 50% về tổng số vốn so với năm 2016, tuy nhiên số vốn này chiếm chưa đến 5% số vố thu hút vào đầu tư khởi nghiệp của Đông Nam Á.
Cũng theo ông Hiệu, ở Việt Nam, không chỉ có sự tham gia của quỹ đầu tư mạo hiểm, các nhà đầu tư thiên thần mà còn có sự tham gia của các tập đoàn lớn như Quỹ đầu tư của FPT (FPT Ventures), Quỹ đầu tư của Viettel (Viettel Ventures), Quỹ sáng tạo CMC. .. Những Quỹ đầu tư này có nguồn vốn dành cho các start up đang ở giai đoạn ươm mầm.