Khơi nguồn cảm hứng để mọi người dành thời gian đọc sách

(PLVN) - Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các cấp, các ngành cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người dành thời gian cho việc đọc, việc học và tích lũy những kiến thức bổ ích.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng các đại biểu cắt băng khai mạc Ngày Sách Việt Nam lần thứ 6

Tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm đi

Sáng 18/4/2019, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 284/QĐ-TTg ngày 24/2/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: Truyền thống của dân tộc ta là ham học, ham đọc sách. Nhưng qua 30 năm kinh tế thị trường, với nhịp sống nhanh hơn, vật chất nhiều hơn, tỷ lệ người đọc sách ngày một giảm đi. 

Kế thừa, phát huy truyền thống hiếu học, trọng tri thức của dân tộc, để phong trào đọc sách đi vào nền nếp và ngày càng phát triển sâu rộng, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày Sách Việt Nam”.

Ngày Sách Việt Nam hàng năm nhằm 3 mục tiêu: Khuyến khích người Việt Nam đọc sách; Tôn vinh giá trị sách; Nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, các tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hoá đọc của Việt Nam. 

Trong những năm qua, Ngày Sách Việt Nam đã được tổ chức trên cả nước với quy mô ngày càng lớn với 90% các tỉnh, thành phố đã triển khai các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam xuống các quận, huyện; 30% tỉnh, thành đã tổ chức hoạt động này ở  cấp cơ sở xã, phường; 100% cơ sở giáo dục đã phối hợp với các cơ quan báo, đài tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động của Ngày Sách Việt Nam.

Trên 66 triệu lượt học sinh, sinh viên và trên 4,7 triệu lượt cán bộ, giảng viên, nhân viên tham gia hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam; đã xây dựng  được trên 30.000 tủ sách phụ huynh. 

Qua 5 năm triển khai Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, toàn ngành xuất bản đã xuất bản được 160.000 xuất bản phẩm với 1,9 tỷ bản, tăng 20% về số cuốn và số bản sách. Chất lượng xuất bản phẩm được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc...

Bộ TT&TT xác định trong 5 năm tới sẽ tập trung mọi nguồn lực nhằm phát triển văn hóa đọc, tăng mức hưởng thụ xuất bản phẩm/đầu người (không tính sách giáo khoa) tương đương với các nước trong khu vực, đạt chỉ số 4 bản sách/người/năm. Bộ cũng tập trung xây dựng, khôi phục, phát triển mạng lưới cơ sở phát hành xuất bản phẩm tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Tiếp tục xây dựng, hình thành và phát triển mô hình thư viện tư nhân, tủ sách gia đình, tủ sách dòng họ. Phấn đấu 30 - 40% hộ gia đình có tủ sách. Đồng thời phát triển xuất bản điện tử, chuyển đổi từ hình tức phát hành truyền thống sang phát hành trên mạng internet...

Xác định rõ trách nhiệm người đứng đầu để lan tỏa phong trào đọc sách

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, bên cạnh thành tựu đạt được, Ngày Sách Việt Nam vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục như: Việc đẩy mạnh triển khai hoạt động Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn cơ sở chưa đồng bộ; nhiều hoạt động tổ chức còn mang tính hình thức; sự tham gia, phối hợp của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương còn hạn chế... 

Để tiếp tục phát huy vai trò của sách trong đời sống xã hội, thực hiện hiệu quả Ngày Sách Việt Nam thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ TT&TT với trách nhiệm được Chính phủ giao chủ trì tổ chức về Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc cần xác định chương trình hành động cụ thể, phù hợp với từng bộ, ngành và địa phương. Từ đó tham mưu, trình Chính phủ những cơ chế, chính sách đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà xuất bản, đơn vị phát hành đưa sách về mọi vùng miền của đất nước.

Đối với các bộ, ngành và địa phương cần đưa vào kế hoạch công tác hàng năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam; đồng thời xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương để phong trào đọc sách lan tỏa trong xã hội, trong giới trẻ, trước hết từ cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước...

Đẩy mạnh việc tuyên truyền về sách, về văn hóa đọc nhằm tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội; tăng cường giao lưu hợp tác quốc tế, chủ động, tham gia các hội chợ sách quốc tế; trao đổi mua bán bản quyền với các nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách có uy tín trên thế giới.

“Dân tộc Việt Nam muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn. Do vậy các cấp, các ngành cần khơi nguồn cảm hứng để mọi người Việt Nam dành thời gian cho việc đọc, việc học và tích lũy những kiến thức bổ ích, làm giàu thêm cho đời sống văn hoá, tinh thần của mình”, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam kỳ vọng.

Theo một khảo sát quốc tế năm 2016, Việt Nam chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Thời gian dành cho đọc sách hàng tuần của Việt Nam khoảng 1 giờ. Người Việt Nam thụ hưởng 4,2 cuốn sách mới mỗi người, mỗi năm, nhưng trong đó 2,3 cuốn là sách giáo khoa. Bộ trưởng Bộ TT&TT cho rằng, mỗi người chỉ thực sự thụ hưởng gần 2 cuốn sách trong một năm thuộc nhóm thấp trên thế giới.

Đọc thêm